Má Lé là xã nghèo, giao thông đi lại khó khăn của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nơi đây thực sự đã “thay da, đổi thịt”.
Từ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo nên những tuyến đường bê tông, đường nhựa liên thôn, liên xã cùng những ngôi nhà kiên cố khang trang. Hệ thống điện được đầu tư cơ bản.
Trên địa bàn xã hình thành nhiều mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi; tư duy, ý thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no của chính quyền và người dân địa phương ngày được nâng lên. Nhiều thôn bản đã dần thoát khỏi đói nghèo, người dân có cuộc sống tốt hơn, trẻ em được cắp sách đến trường.
Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã Ma Lé tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình “3 cây” gồm dược liệu, cây lê, cây tam giác mạch; Chương trình “4 con” gồm bò, dê, lợn và đàn ong. Đặc biệt, thực hiện Đề án Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, chăn nuôi có chuồng trại theo mô hình sinh học, ứng dụng kỹ thuật. Cùng với đó, triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững.
Điển hình như thôn Má Lầu B có tổng số 77 hộ, 458 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông. Thôn có 120,5 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 20,50 ha. Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy, HĐND, các kế hoạch của UBND xã Má Lé và chi bộ về phát triển kinh tế - xã hội, thôn đã cụ thể thành các chỉ tiêu nội dung phù hợp với tình hình để tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện. Chủ động phát triển các mô hình kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi.
Với tổng diện tích đất trồng ngô là 12,50 ha, lúa 8 ha, thôn Má Lầu B đã vận động người dân đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao vào gieo trồng; năng suất ngô bình quân đạt 57,2 tạ/ha, lúa đạt 36,7 tạ/ha. Ngoài cây lương thực chính, nhân dân trồng các loại rau, đậu xen kẽ theo vụ. Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, đến nay thôn có thêm mô hình trồng rau bắp cải chuyên canh với 0,5 ha, trồng gối vụ quanh năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao; trồng 3.000 cây lê theo đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lãnh đạo thôn Má Lầu B đã vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2023, tổng đàn bò là 140 con, đàn lợn 205 con, đàn dê 112 con, đàn gia cầm trên 2.250 con. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tiêm phòng cho đàn gia súc, qua đó có 105 con bò được tiêm phòng, thụ tinh nhân tạo được 6 con bò; ủ chua cỏ làm thức ăn cho gia súc đạt trên 30 tấn. Thôn có 30 hộ được hỗ trợ từ chương trình dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản, đến thời điểm hiện tại đã phát triển thêm được 15 con bê con.
Hay tại thôn Lèng Sảng, gia đình ông Chá Nhìa Sử là một trong những hộ tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Trước đây, gia đình ông chỉ trồng ngô giống địa phương nên năng suất thấp, kinh tế khó khăn. Được cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế, gia đình mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng gừng. Với 2 ha gừng, năm đầu tiên cho thu nhập 200 triệu đồng, năm 2023 gần 400 triệu đồng.
Với hướng đi đúng đắn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cuộc sống bà con xã Má Lé đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập tăng, góp phần hoàn thiện tiêu chí nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, xã Má Lé triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Phong trào văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống được duy trì và tổ chức vào các dịp lễ, hội. Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập phát động sâu rộng trong địa bàn dân cư, trẻ em được tiêm chủng vắc xin phòng dịch và đi học đầy đủ.
Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân duy trì thường xuyên, đặc biệt là chị em phụ nữ và người cao tuổi. Tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng bảo hiểm y tế...