Đề phòng trước những ngôi nhà đã được sắp xếp
Nhiều người bán nhà thường nhờ tới bên thứ ba hoặc thuê công ty thiết kế trang trí lại không gian để thêm đẹp mắt hơn. Họ có thể bỏ toàn bộ nội thất cũ, thay đồ đạc mới khiến không gian nhà cũ trông lý tưởng hơn. Hoặc sử dụng các giải pháp như loại bỏ đồ dùng hiện đại, thay vào đó là các nội thất kích thước nhỏ để ngôi nhà trông có vẻ rộng và thoáng đãng hơn.
Chính vì thế, bạn đừng vội lầm tưởng với cách bày trí ngôi nhà mà mình mới nhìn thấy. Hãy tưởng tượng ngôi nhà khi bạn mua về sẽ được trang trí như thế nào, có phù hợp với không gian nhà hiện tại hay không. Nếu sửa lại chi phí sẽ mất khoảng bao nhiêu.
Ngoài ra, cũng đừng quên những thành phần chính của ngôi nhà. Việc sửa một chiếc đèn chiếu sáng theo sở thích của mình sẽ tốn chẳng mấy tiền nhưng mái nhà, hệ thống điện hay đường nước thì lại là bài toán kinh tế mà bạn cần tính toán.
Đừng vội tin vào các con số đo đạc trên giấy tờ
Trên bản vẽ căn nhà mà chủ đất đưa cho bạn thường có các con số đo đạc. Tuy nhiên, không có nghĩa sự thực đúng như vậy. Nếu ngôi nhà có diện tích ghi trong giấy là 100m2, chưa chắc là bạn đang có diện tích mặt sàn là 100m2.
Số liệu được chủ nhà cung cấp này có thể bao gồm cả diện tích của ban công, hành lang. Để tránh ngạc nhiên về sau, bạn nên hỏi kĩ chủ nhà hoặc cầm thước dây kiểm tra cho chính xác.
Quên so sánh
Nguyên nhân của việc mua hớ lớn nhất là bạn quên so sánh các sản phẩm nhà tương đương nhau. Trước khi xuống tiền bất cứ sản phẩm nào, bạn cũng cần thao tác so sánh, đặc biệt với việc mua nhà lại có chi phí cao.
Ban nên khoanh vùng giá cả, địa điểm thuận lợi mà bạn có ý định mua, sau đó chọn ra những sản phẩm tương tự tối ưu để so sánh.
Sau nhiều lần cân nhắc thì sản phẩm cuối cùng mới là sản phẩm ưng ý và hợp lý mà bạn nên xuống tiền.
Ngại thương lượng
Nhiều người có tính ngại bằng cả, nhất là với những món hàng đắt tiền, giá bán cao. Đây là điểm bất lợi mà bạn cần tránh khi mua nhà. Bạn nên thương lượng từ giá cả, nội thất, cách thiết kế, chi phí bảo dưỡng, thời gian nhận nhà, chiết khấu, giảm giá, quà tặng kèm...
Thậm chí, đến cả các khoản tiền vay ngân hàng, thế chấp, lãi suất, kỳ hạn trả nợ, chế tài phạt đều có thể thương lượng được nếu bạn biết cách.
Không nên đồng ý ngay với những điều người khác đưa ra cho bạn. Hãy thử thương lượng trước và biết đâu, bạn lại nhận được nhiều thuận lợi cho bản thân.
Không tìm hiểu kỹ người bán
Nếu người bán nhà cho bạn là chính chủ, ngoài việc tìm hiểu các thông tin liên quan tới thế chấp, tranh chấp thì cũng nên tìm hiểu độ tin cậy và trung thực của họ thông qua những lần tiếp xúc. Nếu đánh giá đúng tính cách có thể giúp bạn trong việc trả giá nhiều hơn.
Nếu người bán là môi giới, trung gian giao dịch sản phẩm, bạn không nên quá quan trọng tới họ mà nên dành sự quan tâm tới công ty bất động sản của họ có uy tín và đáng tin cậy hay không.
Ngoài ra, nếu được nên tìm hiểu thông tin đời sống cá nhân người bán, có thể từ hàng xóm, chính quyền địa phương …Việc này có thể giúp hạn chế rủi ro phát sinh có thể xảy đến với việc mua nhà của bạn.
(Theo Nhịp Sống Việt/ Tổ quốc)