Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), với diện tích tự nhiên 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước;  có 62 đơn vị hành chính cấp huyện (6 thành phố, 3 thị xã, 53 huyện); 726 đơn vị cấp xã (77 phường, 49 thị trấn, 600 xã). Dân số Tây Nguyên hiện nay khoảng 6 triệu người, có nguồn gốc từ 63 tỉnh, thành trên cả nước, với đủ 54 thành phần dân tộc; người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 36,52%, trong đó, 12 DTTS tại chỗ gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 25%; các DTTS khác chiếm trên 10% (đông nhất là DTTS các tỉnh phía Bắc, như Tày, Nùng, Mông, Thái, Mường,  Dao...). 

Sự biến đổi trong quy mô và cơ cấu di dân của các DTTS đã có đóng góp tích cực cho bản thân người di dân và sự phát triển của nơi đến, nhưng di dân cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách kinh tế - xã hội giữa nơi đi và nơi đến, giữa thành thị và nông thôn và giữa các vùng kinh tế - xã hội. Các kết quả của nghiên cứu trình bày trong bài viết của GS TS Nguyễn Đình Tấn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) vẫn còn nguyên giá trị góp phần gợi ý cho các chính sách phát triển ở Việt Nam, cần chú trọng hơn đến vấn đề di dân và đô thị hóa hiện nay để bảo đảm di dân và đô thị hóa sẽ đóng góp tốt nhất cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Di dân DTTS đến Tây Nguyên tăng trong giai đoạn trước năm 2015:

Từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới (1986) đến nay, quy mô và cơ cấu di dân của đồng bào DTTS đã có nhiều sự biến đổi. Nhìn chung, di dân trong cả nước giảm, tuy nhiên quy mô số người di dân của một số dân tộc như: Tày, Thái, Mường, Mông, Khme, Sán Chay tăng. Cá biệt là di dân trong dân tộc Khmer: số người di cư tăng hơn mười lần, từ 12.200 người (2004) lên đến 12.700 người (2015).

Theo kết quả phân tích số liệu cuộc điều tra năm 2004 về lựa chọn di dân của dân tộc Kinh và đồng bào DTTS ở các vùng nông thôn, có 81,3% số người di dân DTTS đã lựa chọn vùng nông thôn khác (Tây Nguyên), trong khi đó chỉ có 16,5% người di dân dân tộc Kinh di chuyển tới các vùng nông thôn khác. Có 18,7% người di dân DTTS lựa chọn di chuyển đến các vùng đô thị trong khi có tới 83,5% người di dân dân tộc Kinh di chuyển tới đô thị.

Có thể nói, quy mô của đồng bào các DTTS gia tăng là một hiện tượng mang tính quy luật, phù hợp với những biến động to lớn của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Trong suốt 30 năm qua, quy mô di dân của các DTTS tăng lên liên tục; điều này đã được minh chứng qua phân tích kết quả số liệu các cuộc điều tra Di cư nội địa ở phạm vi quốc gia trong 2 năm 2004 và 2015(1). Đặc trưng nhất của quá trình di dân này là quy mô của loại hình di dân theo kế hoạch của Nhà nước và do các cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện ngày càng giảm, trong khi đó, quy mô của loại hình di dân tự do (người dân tự lựa chọn các địa bàn di dân đến) có xu hướng gia tăng (chỉ riêng Tây Nguyên di dân đến là 90%)(2).

Di dân DTTS đến Tây Nguyên có xu hướng giảm trong giai đoạn 2015-2017 và tiếp tục giảm cho tới nay:

Phân tích các số liệu Điều tra Di dân nội địa Việt Nam năm 2015 cho thấy, chỉ có 30,4% số người DTTS di dân từ các vùng nông thôn có lựa chọn di chuyển tới Tây Nguyên.

Từ so sánh số liệu của hai cuộc điều tra cấp quốc gia, có thể đi đến nhận định rằng, trong giai đoạn hơn 10 năm từ 2004 đến năm 2015 những người di dân DTTS theo hướng nông thôn đến nông thôn có cơ cấu không thay đổi đáng kể nhưng theo tiêu chí địa bàn di dân đến có những thay đổi lớn. Tỷ trọng những người di dân DTTS đến Tây Nguyên giảm hơn 50% (từ 81,3% (2004) xuống còn 30,4% (2015).

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy mô di dân tự do vào Tây Nguyên ước tính giảm 5 lần (84,3% (2005-2012) xuống còn 15,7% (2013-2017).

Hiện trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Người di dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng gặp nhiều rào cản trong việc đi lại, định cư ở nơi ở mới. Về mặt khách quan, Tây Nguyên, sau một thời gian dài khai thác, các tài nguyên đã không là “vùng đất hứa” như trước, rừng nguyên sinh đã bị thu hẹp, nguồn nước và đất đai canh tác cũng ngày càng trở nên khó khai thác, không gian sinh tồn trở nên chật hẹp, thậm chí đã xảy ra một số vụ tranh chấp, xung đột giữa người mới di dân đến và người dân tộc tại chỗ… Trong bối cảnh ấy, tỷ trọng số người di dân là DTTS có sự lựa chọn đến Tây Nguyên đã giảm hơn một nửa. Người di dân DTTS đã lựa chọn các điểm đến ở ngay các nội tỉnh, nội vùng miền núi phía Bắc và vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng (là những nơi không quá xa xôi lại thuận tiện cho việc canh tác, định cư).

Giao Linh, Bích Hạnh, Ngọc Quý, Thu Hằng