- 80 ĐBHQ các khóa 12, 13 và vừa trúng cử khóa 14 tham dự một diễn đàn chính sách kéo dài 2 ngày khai mạc sáng nay ở Vĩnh Phúc có chủ đề: "Thu thập, phân tích và xử lý thông tin tham khảo trong hoạt động của ĐBQH".

Không giải quyết được thì nhất định 'lắc'

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH chia sẻ quan điểm ĐB không nên "dễ dãi" gật đầu trước bất cứ dự án luật nào không chất lượng.

Bởi, cơ sở để xem xét phải là thực tiễn cuộc sống, xem pháp luật hiện hành có đủ giải quyết vấn đề không, cần thêm luật mới không...

{keywords}
TS Nguyễn Sĩ Dũng

"Sự anh minh của QH thể hiện ở chỗ xác định đúng ưu tiên lập pháp", ông nói và nhấn mạnh việc ban hành luật phải dựa trên câu hỏi như chính sách đưa ra là gì và phải chứng minh tính khả thi bằng thực tế chứ không phải trên bàn giấy.

Ông dẫn ngay 2 chính sách về giải quyết tình trạng tai nạn giao thông: một chính sách thành công là bắt buộc đội mũ bảo hiểm, một chính sách không thành công là yêu cầu trang bị bình chữa cháy trên ô tô.

"ĐB cũng cần ý thức ai được ai mất trong mỗi chính sách, vì không thể có một chính sách tốt cho tất cả. Ví dụ trong chính sách bình chữa cháy, nhà sản xuất Trung Quốc thắng lớn còn người dân ta mất tiền mua", ông nhấn mạnh, giải quyết được vấn đề thì "gật", không thì nhất định "lắc".

Coi trọng thông tin từ xã hội

ĐB kỳ cựu Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp thì chia sẻ một trong những kinh nghiệm 30 năm hoạt động trong QH của mình đó là xử lý hàng cân tài liệu.

"ĐB có kỳ họp nhận được gần 40 cân tài liệu, phải mang túi ba gang đi đựng, ham đọc nhưng cũng không được quá 40%", ông cho hay và thực tế đọc đến vậy vẫn thiếu thông tin đến nỗi nhiều lần bấm "không biểu quyết" vì đồng ý hay không đều là thiếu trách nhiệm với ít nhất 200 nghìn cử tri mình đại diện.

ĐB Nguyễn Lân Dũng có lời khuyên các ĐB mới là tìm đến các chuyên gia để có thông tin sâu sắc.

ĐB 4 nhiệm kỳ Dương Trung Quốc khuyên nên chủ động tạo lập quan hệ với xã hội, khai thác nguồn lực trong dân, đặc biệt tận dụng mạng xã hội để kết nối với những nguồn tư liệu quý.

TS Sĩ Dũng thì khuyên ĐB mới đừng chỉ chú trọng đọc cho hết hàng ngàn trang tài liệu do các cơ quan nhà nước cung cấp, mà coi trọng thông tin từ mạng lưới quan hệ của bản thân, tham khảo thận trọng từ báo chí, mạng xã hội và xã hội dân sự...

{keywords}
Ảnh: Chung Hoàng

Ông cũng khuyên các ĐB mới "nói cho chuẩn xác, tranh luận có căn cứ", có thông tin, số liệu, chứng cứ, "không nói khơi khơi".

"Sẽ có không ít nhận xét của nhân dân trực tiếp đến ĐB, nhất là sau các phiên thảo luận. Trên báo chí có thể không nhiều, nhưng trên mạng xã hội nhiều lắm. Chỉ cần ĐB nói một câu không hợp lý hoặc không đúng tầm là sẽ bị mạng xã hội 'ném đá' ngay", ông chia sẻ.

TS Sĩ Dũng nhấn mạnh, nếu muốn tác động chính sách, ĐBQH phải có đủ thông tin để tác động đến đa số trong QH và ĐBQH hoàn toàn có thể thay đổi nền quản trị quốc gia nếu sử dụng khôn ngoan quyền năng của mình.

Chung Hoàng