– "Việt Nam không thể để mình trở thành nạn nhân của bất kỳ cuộc tranh hùng giữa các nước hay giữa các nhóm nước nào. Người Việt Nam đã chịu đựng quá đủ rồi" - ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ khẳng định.

>> Chiếm đoạt lãnh thổ không giúp anh thành cường quốc

>> Không ai muốn phải chọn giữa Mỹ và TQ

VietNamNet giới thiệu kỳ cuối bàn tròn với ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại TƯ Đảng và Ts Anders Corr (Harvard), chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, từng có nhiều năm là chuyên gia của Bộ Quốc phòng Mỹ.


Cơ chế đảm bảo an ninh khu vực

Nhà báo Việt Lâm: Ý tưởng về tổ chức hợp tác quân sự đa phương do Mỹ dẫn đầu để đảm bảo an ninh ở CA-TBD như vừa phân tích là khó khả thi trong bối cảnh chính trị khu vực hiện tại. Vậy theo ông Giang, một khuôn khổ, cơ chế như thế nào sẽ giúp đảm bảo hoà bình và ổn định ở khu vực?

Ông Bùi Thế Giang: Khi tìm kiếm một cơ chế đảm bảo hoà bình, ổn định ở CA-TBD, chúng ta có thể lưu ý hai điểm.

Một là, chúng ta cần xem xét, dự báo nguồn cơn xung đột hay tranh chấp. Liệu bạn có nhìn thấy trước một xung đột nào trên đất liền, chẳng hạn như một nước A xâm chiếm một nước B hay không?

Trong khi đó, chúng ta đang chứng kiến các tranh chấp hiện tồn trên biển. Do vậy, để ngăn ngừa các diễn biến tiêu cực trong các tranh chấp đó, ít nhât chúng ta đã có Tuyên bố chung về Biển Đông (DOC) ký kết giữa ASEAN và TQ 12 năm trước. Nhắc đến ASEAN ngụ ý bao gồm 4 nước đang có tranh chấp chủ quyền và hai bên còn lại là TQ và Đài Loan. DOC có thể hiểu là một cơ chế như vậy nhưng tất cả chúng ta đều hiểu rằng DOC không có tính ràng buộc pháp lý. Vì thế, chúng ta đang phải cố gắng tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử COC về Biển Đông.

Các nước ASEAN đã làm việc miệt mài cùng nhau để soạn ra dự thảo khung và nói một cách tích cực thì gần đây TQ đã phát đi những tín hiệu cho thấy họ sẽ tham gia vào tiến trình COC. Đó là một bước tiến. Tất cả chúng ta đều mong muốn kết thúc đàm phán COC càng sớm càng tốt để COC có thể phát huy vai trò như một cơ chế có tính ràng buộc pháp lý đối với tất cả các bên tham gia tranh chấp, ít nhất trong thời điểm hiện tại.

Hai là, hợp tác sâu rộng hơn giữa các quốc gia, trong đó có việc gia tăng trao đổi thương mại, kinh tế có thể mang đến lợi ích lớn hơn, buộc các quốc gia phải cân nhắc khi họ có ý định làm gì đó khiến tình hình trở nên căng thẳng. Bởi vậy, VN luôn ủng hộ các sáng kiến hợp tác kinh tế tích cực.

Tuy nhiên, mỗi khi một sáng kiến hợp tác kinh tế - thương mại như thế được đưa ra, chúng tôi cần nghiên cứu một cách thấu đáo. Các sáng kiến đó có thể đem lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực nhưng nó cũng có thể là một sân chơi không công bằng. Bởi vì khi ông ở vị trí có thể loại bỏ các nước khác, các đấu thủ khác, đó sẽ không phải là cuộc chơi cùng thắng (win-win) một cách công bằng như khẩu hiệu mà nhiều người vẫn ưa dùng. Đó cũng không nhất thiết là trò chơi có tổng bằng không (kẻ thắng lấy hết phần lợi, kẻ thua chịu mọi phần thiệt) nhưng càng không phải là trò chơi cùng thắng công bằng. Ông có thể thắng 90% còn tôi chỉ được 10% thôi.

Tôi không thể chấp nhận những sáng kiến dạng đó. Dĩ nhiên, trong thế giới cạnh tranh ngày nay, khi mọi quốc gia dường như đều đặt lợi ích riêng của mình lên trên hết thì họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì trong khả năng của họ để bảo vệ và mở rộng lợi ích ấy. Bởi thế, một lần nữa chúng tôi cần phải mở to mắt và cảnh giác, đồng thời cũng xem xét một cách nghiêm túc bất kỳ sáng kiến nào. Cho dù đó là “Giấc mơ Trung Hoa”, hay “giấc mơ Châu Á – Thái Bình Dương”, hay “Con đường tơ lụa trên biển”, hay G20 vv…Chúng tôi phải nghiên cứu cẩn trọng mọi sáng kiến và xem xét năng lực bản thân để trở thành một thành viên bình đẳng và độc lập trong đó.


Ts Corr: Tôi đồng ý với ông. Theo lối suy nghĩ xưa cũ kiểu chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19, những quốc gia đánh nhau để giành lấy vài mẩu lãnh thổ vốn luôn tìm mọi cách giành lợi ích trên lưng nước khác.

Nhưng tôi tin rằng điều này đang dần thay đổi giữa nhiều nước. Chẳng hạn như khi Philippines yêu cầu Mỹ rời khỏi căn cứ ở vịnh Subic, một trong hai căn cứ quân sự quan trọng nhất của chúng tôi ở châu Á, chúng tôi chấp nhận và rời đi. Không vấn đề gì cả. Chúng tôi chuyển sang Singapore, trả tiền thuê cho họ. Một khi Singapore muốn chúng tôi đi, chúng tôi sẽ phải đi vì chúng tôi tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi tin vào chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia. Chúng tôi tin vào luật pháp quốc tế.

Tôi tin rằng đó là lý do vì sao các nước ở châu Á, châu Âu hiện nay có thể tin tưởng vào Mỹ để đảm bảo hoà bình và ổn định trong khu vực. Dĩ nhiên, Mỹ đã mắc rất nhiều sai lầm nhưng vấn đề là hiện tại chúng tôi đang nỗ lực cổ xuý cho luật pháp quốc tế.

  {keywords}
Ts Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics từng có nhiều năm là chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ, tác giả nhiều bài bình luận trên Bloomberg và Finanical Times. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Không ai có thể áp đặt ý chí của mình lên dân tộc khác

Ông Bùi Thế Giang:
Tôi chia sẻ quan điểm của ông về xây dựng lòng tin không chỉ trong lời nói, mà quan trọng hơn là trong hành động trên thực tế. Tôi tin là trong trái tim cũng như khối óc của người VN chúng tôi chưa bao giờ nuôi dưỡng hận thù với bất kỳ kẻ thù cũ nào. Nếu không như thế, làm sao chúng tôi có thể có mối quan hệ tốt đẹp như hiện nay với Hoa Kỳ, Pháp, Nhật hay Trung Quốc. Như ông biết đấy, trong hàng ngàn năm qua, họ đã tiến hành 12 cuộc chiến tranh lớn chống lại VN nhưng chúng tôi luôn chìa bàn tay hữu nghị với họ. Đó là chính sách của chúng tôi.

VN luôn giữ một trái tim rộng mở và một tâm hồn phóng khoáng trong cách cư xử với thế giới. Điều duy nhất ở đây là chúng tôi cần sự tôn trọng lẫn nhau vì độc lập, tự do mà chúng tôi đã mất rất nhiều máu xương mới giành lại được như ngày nay. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước khác tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

Tôi thực sự cảm phục điều mà Tổng thống Obama đã phát biểu tại Đại hội đồng LHQ năm 2008 ngay sau khi ông vừa đắc cử. Ông ấy nói rằng” “Không ai có thể áp đặt ý chí lên dân tộc khác. Chúng tôi tôn trọng quyền lựa chọn chế độ chính trị của các nước khác”. Tôi nghĩ đây là một luận điểm quan trọng, và trong mối quan hệ song phương với Mỹ, TQ và các nước khác, điều này càng trở nên quan trọng.

Đó là lý do vì sao tôi mang theo tuyên bố chung của Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 25/7 năm ngoái ở Washington DC. Trong đó, có một điểm rất quan trọng là hai nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị của nhau. Điều đó chứng tỏ đây là một nền tảng rất tốt mà dựa vào đó chúng ta có thể xây dựng sự tin cậy lẫn nhau.

2015 sẽ bình yên hơn?

Việt Lâm: Bàn tròn đã khá dài và có vẻ còn rất nhiều vấn đề mà hai vị khách mời muốn thảo luận tiếp. Nhưng giờ tôi muốn chuyển sang một câu hỏi mà khá nhiều độc giả thắc mắc: Hai ông dự đoán thế nào về những diễn biến chính ở khu vực trong năm tới? Tất nhiên, công tác dự báo luôn vô cùng khó khăn bởi vì luôn có nhiều việc xảy ra ngoài mọi dự đoán.

Ông Bùi Thế Giang: Tôi vốn không giỏi dự đoán. Nhưng nếu ông nhìn vào dòng sự kiện đã xảy ra suốt năm qua, có thể thấy rằng 2015 sẽ là năm quan trọng đối với nhiều nước. Đó là một năm trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Đó cũng là một năm quan trọng với VN vì 2016 là năm của Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng sản.

Đó cũng là một năm quan trọng với TQ vì Tập Cận Bình đã củng cố vững chắc quyền lực. Ông ta đã hoàn tất những việc quan trọng và cần thiết. Chẳng hạn như chiến dịch chống tham nhũng đã kết thúc với diễn biến khá phức tạp, khi thì nhanh chóng, khi thì chậm chạp. Và ở khu vực này, cách đây vài ngày vừa diễn ra cuộc bầu cử ở Nhật Bản với chiến thắng của Liên minh LPD và Komei, góp phần củng cố vị thế của Thủ tướng Shinzo Abe. Tại ASEAN, Malaysia sẽ tiếp nhận ghế Chủ tịch Hiệp hội. Malaysia như chúng ta đã biết là một quốc gia có chính sách đối ngoại trung dung.

Vì thế, tôi hi vọng rằng khu vực sẽ hoà bình và ổn định hơn một chút so với năm nay. Tôi trông đợi chính sách tiếp tục can dự tích cực của Mỹ vào khu vực theo hướng tái cân bằng. Tôi trông đợi hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia đang phát triển ở khu vực này như Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc như là những thành viên của G20 và G8 cũng như với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước thu nhập trung bình, trong đó có VN. Như tôi đã nói, trước thềm Đại hội Đảng Toàn quốc tổ chức 5 năm một lần, chúng tôi muốn môi trường hoà bình và ổn định, chúng tôi muốn tăng cường hợp tác để chúng tôi có thể chứng minh rằng thiện chí của một phía sẽ được các phía khác đáp lại một cách tích cực.

{keywords}
Ông Bùi Thế Giang là một chuyên gia kỳ cựu về quan hệ quốc tế. Ông là một trong hai người đầu tiên từ Việt Nam đi học quan hệ quốc tế tại SAIS, John Hopkins, ngôi trường hàng đầu của Mỹ về quan hệ quốc tế, từ khi Mỹ còn đang cấm vận VN. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ts Corr: Tôi cũng nghĩ rằng năm tới khu vực này sẽ bình yên hơn. Tôi tin rằng vì TQ đã chứng kiến việc nhiều nước phản đối mạnh mẽ các hành vi gây hấn của họ nên họ sẽ trở nên thận trọng hơn trong năm tới và nhờ thế khu vực này có thể yên bình hơn. Ở Mỹ, tôi nghĩ rằng có thể Đảng Cộng hoà sẽ thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Mặc dù là một người Dân chủ nhưng tôi nghĩ rằng khả năng đó có thể xảy ra bởi người Mỹ đang nhìn nhận hiện nay Mỹ khá yếu ớt trong chính sách đối ngoại và họ mong muốn một nước Mỹ mạnh mẽ hơn trong chính sách đối ngoại liên quan đến Nga và TQ. Do vậy, tôi tin là chúng ta sẽ được chứng kiến Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn về đối ngoại và bảo vệ luật pháp quốc tế.

Lựa chọn nào cho VN?

Việt Lâm: Để đối phó với môi trường khu vực nhiều biến động như vậy, theo các ông thì những nước vừa và nhỏ như VN có thể có những lựa chọn gì?

Ts Corr:
Các nước vừa và nhỏ không thể ứng phó với sức ép của TQ một cách đơn lẻ. Và sẽ càng sai lầm hơn nếu họ chọn cách tiếp cận bằng quân sự để giải quyết các tranh chấp với TQ. Các nước trong khu vực cần đoàn kết với nhau và cần làm bạn với những đối tác thân thiện, có đủ năng lực hỗ trợ họ như Mỹ. Tôi không nghĩ đây là việc lựa chọn về phe nào, bởi vì bạn đang làm ăn kinh tế với cả hai bên cơ mà. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ cú sốc nào xảy đến thì việc các nước trong khu vực có một đối tác mạnh là cực kỳ quan trọng.

Ông Bùi Thế Giang: Tôi tin rằng lựa chọn hữu ích cho VN là tiếp tục chính sách mà chúng ta đã đề ra. Chúng ta sẽ nỗ lực duy trì môi trường hoà bình cho VN. Điều này cần được thực hiện như một điều kiện, song song với nhu cầu đảm bảo sự tôn trọng từ tất cả các nước khác, các đối tác khác đối với nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và sự thống nhất quốc gia. Tôi tin rằng điều này có ý nghĩa tối quan trọng với VN, nhất là vào thời điểm này sau tất cả những trải nghiệm quá khứ mà tôi không cần nhắc lại ở đây nữa.

Độc lập có vị trí tối cao. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt giữa độc lập và sự cô lập. Đây thực chất là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau và tôi tin độc lập trong chính sách của chúng ta là không tham gia bất kỳ một liên minh nào nhằm chống lại bên thứ ba. VN không thể để mình trở thành nạn nhân của bất kỳ cuộc tranh hùng nào giữa hai nước, hay giữa các nhóm tổ chức. Người VN đã chịu đựng quá đủ rồi.

- Xin cảm ơn hai ông!

  • VietNamNet