Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) chỉ đạo các địa phương cần chuẩn bị, tập trung cao độ để không để lộ, lọt đề thi THPT quốc gia năm 2019 ra bên ngoài trước và trong quá trình thi với bất kỳ phương thức nào.

{keywords}
Ban chỉ đạo thi đã chọn 2 điểm trường nằm ở những vùng khó khăn tại huyện Kiến Xương (Trường THPT Bắc Kiến Xương) và huyện Tiền Hải (Trường THPT Đông Tiền Hải) để thực hiện kiểm tra bất thường

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi, Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình, Phó trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh, cho biết năm 2019, cụm thi số 26 – tỉnh Thái Bình tổ chức 34 điểm thi với 811 phòng thi.

Số thí sinh đăng ký dự thi là 19.107, trong đó thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả tuyển sinh ĐH là 520 e. Có 53 thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT.

Theo ông Hiển, với những điểm thi xa, nhiều phụ huynh địa phương đã có kế hoạch thuê nhà nghỉ gần điểm thi để đảm bảo sức khỏe cho con em.

Tuy nhiên, ông Hiển nhìn nhận tính chất quan trọng của kỳ thi tạo nên áp lực rất lớn cho những người tổ chức kỳ thi, đặc biệt trong công tác coi và chấm thi.

"Phải phát hiện kịp thời và ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử, đặc biệt hiện tượng thí sinh sử dụng thiết bị gian lận công nghệ cao trong khi dự thi. Công tác in sao đề thi cũng gặp nhiều khó khăn do số lượng nhiều, phức tạp. Do đó phải thực hiện quy trình in sao rất chặt chẽ, cẩn thận để không xảy ra nhầm lẫn. Việc đưa đón, bố trí chỗ ăn nghỉ cho cán bộ, giảng viên của các trường ĐH tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi cũng gặp không ít khó khăn do điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất của các trường THPT còn nhiều hạn chế" - ông Hiển liệt kê các đầu việc phải làm.

Ông Phạm Đình Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho hay bên cạnh hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về hệ thống camera chung thì năm nay, công an tỉnh cũng sẽ bố trí thêm một số camera giám sát ở ngoài hành lang khu vực lưu trữ bài thi, chấm thi. Qua đó có thể theo dõi các diễn biến, hạn chế tối đa nguy cơ nảy sinh tiêu cực.

Trong quá trình tập huấn các vấn đề liên quan đến an ninh thi cử, công an tỉnh cũng đã trao đổi kinh nghiệm với cán bộ sở GD-ĐT về việc chú ý, cách thức phát hiện các hệ thống gian lận thi cử bằng công nghệ cao như camera, ghi âm, ghi hình...

{keywords}
Công an tỉnh Thái Bình sẽ bố trí thêm một số camera giám sát ở ngoài hành lang khu vực lưu trữ bài thi, chấm thi

Từ kinh nghiệm coi thi, chấm thi của trường đại học, GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng việc tổ chức thi không mới nhưng vì thế dễ dẫn đến chủ quan, sai sót.

Do đó, ở kỳ thi năm nay, theo ông Văn, cần có danh sách công việc cụ thể cho từng vị trí từ bảo vệ, giám thị,… để đảm bảo thực hiện đúng và đủ.

Bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh cũng nhìn nhận trong kỳ thi năm 2018, ở những tỉnh "có vấn để" thì cơ chế giám sát là rất quan trọng.

Nhìn vào bài học của các địa phương để xảy ra tiêu cực, bà Lĩnh cho hay: “Chúng tôi có suy nghĩ nếu sự việc xảy ra ở phương mình thì không biết bao giờ mới lấy lại được niềm tin của người dân. Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm phải tổ chức kỳ thi công bằng và an toàn nhất, đúng như kỳ vọng của người dân. Chúng tôi xin hứa sẽ làm việc có trách nhiệm và đúng quy chế”.

{keywords}
"Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải chọn được 34 trưởng điểm tinh thông, trách nhiệm, nói được làm được"

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019, đã đề nghị địa phương phân công trách nhiệm rõ ràng và phải kiểm tra đánh giá trong và sau khi kỳ thi kết thúc.

Cùng đó, phải chuẩn bị hệ thống phòng chờ cho các thí sinh chỉ thi một/ một số môn trong bài thi tổ hợp. Đặc biệt lưu ý những phòng thi ngay sát nhà dân hoặc công xưởng, hoặc những chỗ nhạy cảm.

“Tuyệt đối không được để lộ, lọt đề thi ra bên ngoài trường thi trong bất kỳ tình huống nào. Đây là một thử thách rất lớn” - ông Trinh chỉ đạo quyết liệt về nội dung này.

Để làm được điều đó, theo ông Trinh, địa phương có thể linh hoạt trong việc bố trí nhân sự, số lượng cán bộ an ninh tùy thuộc vào yêu cầu thực tế của từng điểm thi.

“Tuy nhiên, dù có lắp mấy chục camera đi chăng nữa nhưng nếu những người tổ chức thi móc ngoặc với nhau thực hiện hành vi tiêu cực thì cũng khó để kỳ thi thành công”, ông Trinh lưu ý với mong muốn các địa phương lựa chọn những nhân sự uy tín, có trách nhiệm làm nhiệm vụ.

Theo ông Trinh, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải chọn được 34 trưởng điểm tinh thông, trách nhiệm, nói được làm được. Bởi đây là những cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo thi.

Về việc niêm phong túi đựng bài thi, ông Trinh cho biết năm nay có thêm thao tác là sau khi dán tem niêm phong phải phủ thêm một vòng băng dính trong. “Cần thực hiện điều này để nếu có hành vi bóc mở túi đựng bài thi sẽ phát hiện ra ngay”.

“Sẽ có một nghìn lẻ một các sự việc bất thường diễn ra trong quá trình thi cử. Tuy nhiên, khi có sự việc xảy ra, cần xử lý theo 3 nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất không giấu thông tin, cán bộ báo cáo lên trưởng điểm và các cấp cao hơn. Thứ hai là tôn trọng quy chế. Và thứ ba là phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên quyền lợi cán bộ coi thi" - ông Trinh nhấn mạnh.

Thanh Hùng

“Thi THPT quốc gia 2019 cần chú trọng khâu coi thi”

“Thi THPT quốc gia 2019 cần chú trọng khâu coi thi”

Trong 2 ngày 3-4/6, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị tại Quảng Ninh.