-Chính phủ nên thúc đẩy và tạo điều kiện để Bộ Y tế với sự cộng tác của các ban ngành liên quan, triển khai các chương trình hành động mang tính chiến lược dài lâu.
Những vấn đề nổi cộm trong ngành y hiện nay, thực ra đã lũy tiến nhiều năm, được bọc trong một cái túi mà chất liệu của nó đã đến lúc quá hạn nên… bục dần.
Điều tiên quyết
Nguyên nhân chính là do hệ thống quản lý y tế yếu kém quá kéo dài. Dựa vào xu thế phát triển kinh tế xã hội, đã đến lúc ngành y tế phải ra tay hành động, cải thiện hệ thống quản lý y tế.
Nhưng trước tiên, phải nhìn một cách tổng thể bức tranh về sức khỏe chiều sâu mà trong đó thể hiện đủ các chỉ số cơ bản, đó là tỉ mắc bệnh, tử vong, thương tật và tuổi thọ đang ở đâu và tại sao chứ không chỉ đơn thuần là bề nổi của nó là tình hình quá tải, thiếu bệnh viện, giá viện phí và giá thuốc tăng. Nhìn vào bức tranh đó, có thể thấy:
Ảnh: Cẩm Quyên |
Tỉ lệ mắc bệnh không lây tăng tăng lên có tính báo động và tỉ lệ tử vong đã tăng gấp rưỡi. Tỉ lệ bệnh nhiễm trùng có giảm nhưng không đáng kể. Có nhiều nguy cơ sinh bệnh. Thực trạng chết mẹ và con trong những tháng qua là đáng báo động. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng kém đi. Nguồn nhân lực thiếu cả số lượng và kém chất lượng. Giá viện phí (cao và thấp) là chưa hợp lý.
Giá thuốc cao ngất ngưởng, thị trường dược chưa phù hợp và hệ thống giám sát lỏng. Bất công bằng trong chăm sóc sức khỏe người nghèo. Bảo hiểm y tế có quá nhiều bất cập (nhà nước bù lỗ trong khí chất lượng dịch vụ kém, người sử dụng phải chí trả bất hợp lý…).
Báo cáo thường niên của Bộ Y tế tháng 9/2011và 2012 (Join Annual Health Review issued Sept.2011& 2012) cho thấy tỉ lệ mắc bệnh trong nhóm không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, xương khớp, tiểu đường- rối loạn chuyển hóa…) đang tăng có tính báo động và sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể tỉ lệ mắc bệnh từ 39.0% vào năm 1986, thành 63.14% vào năm 2008, đồng thời tỉ lệ tử vong từ 41.1% tăng lên tới 60.02. Tai nạn do giao thông, lao động dẫn tới chết và tàn tật cũng tăng lên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 04/2011đã nêu:“Việt Nam đang đối phó gánh nặng bệnh tật gấp đôi. Tỉ lệ đái tháo đường sau 10 năm là tăng gấp đôi. Cứ 05 người lớn thì có một người bị cao huyết áp. Hàng năm có xấp xỉ 150,000 trường hợp mắc mới về ung thư và 75,500 chết do ung thư và các bệnh không lây khác”.
Họ nhận định rằng WHO đã nỗ lực giúp Việt Nam trong nửa thế kỷ qua nhưng tình hình sức khỏe vẫn chưa cải thiện đáng kể và VN đang phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ sinh bệnh. Đó là hành vi lối sống có hại; ô nhiễm môi trường và tỉ lệ già hóa tăng rất nhanh.
Khoa học quản lý y tế và thực tiễn cho thấy việc quản lý hệ thống y tế chuyên nghiệp không đòi hỏi Chính phủ phải chu cấp nhiều tiền, mà điều tiên quyết, là cần có một đội ngũ chuyên gia y tế có tầm và có tâm từ trung ương tới địa phương. Có rất nhiều bài học từ những nước có nền y tế tốt như Thụy Điển, Phần Lan, Anh, Đức, Hà Lan, Nhật.
Cần có chiến lựơc dài lâu
Chính phủ nên thúc đẩy và tạo điều kiện để Bộ Y tế với sự cộng tác của các ban ngành liên quan, triển khai các chương trình hành động mang tính chiến lược dài lâu. Đó là:
Sắp xếp lại những vị trí thích hợp trong quản lý ngành từ trung ương tới địa phương.
Tạo ra môi trường làm việc khích lệ -công bằng, nghĩa là cấp lương cho nhóm người giỏi phải cao hơn gấp nhiều lần so với nhóm có năng lực yếu, đồng thời cho họ cơ hội thăng tiến nghề nghiệp qua học nâng cao và nghiên cứu.
Ảnh: Cẩm Quyên |
Khoản trả lương đặc biệt này không nhiều, ước tính không quá 10%. Lương lấy từ quỹ phúc lợi của bệnh viện, từ sa thải nhân viên kém, xin tài trợ từ các tập đoàn nhà nước lớn để phụ cấp cho cán bộ y tế giỏi thì có lẽ được sự ủng hộ của nhiều cơ quan và cá nhân.
Thiết lập lại bộ máy quản lý hành chính trong hệ thống y tế theo hướng, không tăng cường nhân lực cho bộ máy quản lý giám sát mà phải cập nhật ngay phần mềm đã có hoặc xây dựng mới để hỗ trợ cho việc quản lý ngành, kết nối và phản hồi trong toàn hệ thống từ trung ương tới cơ sở, phản ảnh được tình hình cập nhật về mọi mặt trong hoạt động ngành bất cứ lúc nào và liên tục. Phần mềm quản lý là công cụ hỗ trợ cho quản lý mang lại hiệu quả đầy ngoạn mục, làm cho con người lành mạnh và thông minh hơn.
Triển khai Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ). Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều triển khai, chương trình này vì nó dễ thực hiện, ít tốn kém, ít tác hại, ngăn được dịch bệnh bột phát, giảm tỉ lệ mắc bệnh, xoá được nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó phải đẩy mạnh Chương trình giáo dục truyền thông sức khỏe.
Cải thiện chất lượng khám chữa bệnh- đổi mới đào tạo y khoa –chăm sóc sức khỏe, nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến quốc gia và khuyến khích dân mua bảo hiểm y tế bằng cách:
a) Đào tạo lại đội ngũ cán bộ khám chữa bệnh từ trung ương tới cơ sở. b) Ban hành phác đồ chẩn đoán và điều trị toàn quốc theo chuẩn của WHO và y văn thế giới. c)Qui định rõ tiêu chuẩn điều trị nội trú và ngoại trú. d)Thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ về chuyên môn qua phần mềm quản lý bệnh nhân và qua Hội đồng Y khoa để thẩm tra định kỳ.
e) Tạo ra môi trường bệnh viện thân thiện và thủ tục hành chính gọn nhẹ qua phần mềm quản lý bệnh viện. g) Xây dựng nhóm dịch vụ (Diagnosis Related Group: DRG). h)Triển khai mạng lưới y tế đa khoa phủ khắp. i) Xây dựng Luật hành nghề khám chữa bệnh đầy đủ hơn.
Muốn có chất lượng khám chữa bệnh tốt, điều tiên quyết là phải đào tạo nguồn nhân lực khám chữa bệnh giỏi bằng cách: a) Đào tạo BS đa khoa tuyến huyện – là loại hình BS đa khoa chăm sóc sức khỏe ban đầu mà rất phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của đại bộ phân dân Việt Nam.
Đào tạo BS hàn lâm qua tuyển chọn những SV tốt nghiệp BS xuất sắc để đào tạo trở thành những thầy thuốc, những nhà giáo và những nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành cấp quốc gia. Ngoài ra cả hai loại hình trên có một yêu cầu chung là nội dung thi tuyển sinh đầu vào buộc phải đổi mới bằng cách tham khảo một ít chủ đề hỏi thì từ MCAT của Mỹ cho vào làm đề thi chung vào Y khoa toàn quốc.
Đầu tư máy móc công cụ thiết yếu phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học và cho khám chữa bệnh: Đầu tư cho các Viện Nghiên cứu Y Dược cấp quốc gia, cho 3 trường Ydược quốc gia với những thiết bị phục vụ cho nghiên cứu khoa học cơ bản phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của VN.
Đầu tư cho các trường Y Dược còn lại trong cả nước: Đối với những cơ sở này là ưu tiên đầu tư những thiết bị thực hành các môn khoa học cơ bản và phương tiện hỗ trợ học tập. Tôi nhận thấy rằng các trường y hiện nay trừ HN, Huế và TP Hồ Chí Minh (cho là tạm được), số trường còn lại họ đang “dạy trắng” là chủ yếu. Như Đại học Y Thái Nguyên, đã dạy “chay” ngót tới 40 năm.
Đầu tư cho các các bệnh viện trong cả nước: Đối với các BV trong cả nước cũng rất cần đầu tư, nhưng chỉ cung cấp những thứ thiết yếu mà thôi, đó là những thứ cần hàng ngày và cho đa số nhưng thực tế là chưa có đủ. Ví dụ, với số tiền để mua 01 máy chụp cắt lớp chẳng hạn, thì có thể sắm đủ những thiết bị y tế cơ bản/thiết yếu cho 50 bệnh viện tuyến huyện.
Đẩy mạnh việc sản xuất thiết bị y tế thông thường trong nước càng nhiều càng tốt. Việc này không chỉ quản lý được chất lượng sản phẩm, giá thành thấp mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nhu cầu những thiết bị cao cấp như MRI, Scanner..., thì chỉ tập trung một vài BV quốc gia để chia xẻ cho
Điều chỉnh lại khung giá viện phí: Khung giá mà hai bộ Tài chính và Y tế ban hành hiện chưa đủ cơ sở để kết luận cao hay thấp. Trước hết chúng ta phải hiểu rằng bất luận cơ sở công hay tư đều phải áp dụng kinh tế tài chính trong mọi hoạt động thì mới phát triển tốt được. Chỉ có điều BV công khác tư ở chỗ không được thu lợi về túi cá nhân, mà dùng nó để cho phát triển công. Nghĩa là buộc phải tính ra giá dịch vụ sao cho thu bù chi qua việc hoàn lại những khoản đã đầu tư, để nuôi nguồn nhân lực trong bộ máy khám chữa bệnh, tái đầu tư/nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh, mua sắm vật tư tiêu hao, để bảo trì…
Quản lý giá thuốc và hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc bằng cách: Hạn chế tối đa nhập các loại thuốc, thay vào đó là khuyến khích, hỗ trợ và làm thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp có ý tưởng hợp thời, có năng lực kinh doanh giỏi để tăng cường sản xuất thuốc trong nước.
Xây dựng “Chương trình an ninh thuốc chữa bệnh quốc gia” giống như “chương trinh an ninh lương thực”. Xây dựng một qui chế chuyên môn dưới luật buộc BS phải tuân thủ về việc kê đơn thuốc hội đủ những yêu cầu thiết yếu: Kê đơn khi nhận thấy thật sự cần kê và phù hợp, đúng bệnh đúng thuốc và quản lý các hiệu thuốc một cách nghiêm ngặt.
Hoa Trần