- Điều gì đã khiến bộ phim “Bi đừng sợ” gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn mạng trong suốt thời gian vừa qua?

 


Không gian sống nặng nề trong "Bi, đừng sợ"

1. Nó thách thức tập quán xem phim thường thấy của chúng ta là để biết và để hiểu một câu chuyện. Bi có một câu chuyện để biết, đây là điều chắc chắn, bởi nó đã được gọi tên là phim truyện. Mọi cãi vã vừa qua về phim này hình như nằm ở vế thứ hai: để hiểu. Câu chuyện của Bi quá dễ hiểu, khó hiểu hay nó chẳng có gì để hiểu bởi một câu chuyện chẳng ra đâu vào đâu, những nhân vật chẳng có chút tính cách Việt nào ở tầm phổ quát?

Nhưng hóa ra Bi đơn giản mà cũng lại phức tạp như chính đời sống. Đi tìm bất kỳ câu trả lời nào ở Bi cũng khó như hàng ngày chúng ta phải đối diện với nhiều điều không thể hiểu của xúc cảm, hành vi của chính bản thân và những người xung quanh.

Phan Đăng Di có lẽ đang muốn kể một câu chuyện mà anh chỉ "biết", muốn cùng mọi người thấu đáo chúng. Có xét nét từng giây trong 90 phút phim cũng chẳng tìm ra cái lời thoại nào theo kiểu "tôi biết mình đang thế này", "tôi biết em đang thế kia", mà chỉ là những câu linh tinh, tầm phào về cơm áo, sinh hoạt mà chúng ta đang nói với nhau mỗi ngày. Di muốn đời sống thế nào thì phim thế ấy. Thật may cho Di là anh có Phạm Quang Minh, một quay phim giỏi và tinh tế để có thể cùng anh tham gia kể câu chuyện, mang lại cho bộ phim những hình ảnh nên thơ và chân thực như chính đời sống.


Sự ngây thơ, trong trẻo của Bi là sợi dây dẫn dắt cảm xúc của người xem


2. Nhưng dù vậy, câu chuyện của Bi không phải là không khoanh vùng những chủ đề cụ thể, với những chi tiết anh nhặt ra từ cuộc sống bộn bề cũ - mới của Hà Nội hôm nay.

Ở Bi, hành trình đi tìm cái để hiểu có một bắt đầu rất rời rạc và vụn vặt, cho tới khi bộ phim bắt đầu đặc quánh cái không khí nhục tính với cảnh làm tình đầy bạo liệt và sỗ sàng trên bãi đá, cảnh cô gái thủ dâm bằng cục nước đá nhọn hay rình mò đám trai trẻ quần đùi ở trần chơi bóng trên bãi bồi sông Hồng..., đến mức có rất nhiều hơi thở của làm tình hắt ra từ ngóc ngách nào đấy trong nhà, trên bãi cỏ cao ngút đầu người. Bi đã có một diễn đạt rất hay về cách mà tình dục hiện tồn trong một xã hội còn nằm trong vòng cương tỏa của lễ giáo truyền thống, thể hiện trên bề mặt các mối quan hệ, nhưng đã không còn đủ mạnh để ngăn cản cá nhân đi tìm và thỏa mãn ham muốn nhục thể, nhiều khi là trái biệt, chẳng hạn như cái thú ra bãi bồi ven sông khỏa thân và trát bùn lên người của những người đàn ông lớn tuổi.


Những ức chế nặng nề của cuộc sống khiến bố mẹ Bi lâm vào ẩn ức


Đời sống dục không ngừng tuôn chảy dưới một mạch ngầm như những gì đã xảy ra trong phim, làm thức tỉnh nhu cầu nó phải được nhận diện một cách đúng đắn và đầy đủ trong tự thân mỗi người, bởi nếu không sẽ trở thành những vấn đề bị tránh né, thỏa hiệp. Phải chăng đây chính là nguyên nhân giam hãm từng cá nhân trong phim trong vách tường cô đơn, tê buốt và câm nín như những viên đá lạnh xuất hiện trong suốt chiều dài phim? Ở khía cạnh này, Bi thú vị bởi không có những nhân vật… bắng nhắng, nhiều lời (mà phần lớn là vô nghĩa và vô bổ) như nhiều phim Việt khác.

3. Trong một không gian mà nhục tính lẩn khuất, ẩn hiện trong mọi ngóc ngách, hình ảnh cậu bé Bi chạy tới chạy lui trên phim, vui đùa trong những trò chơi thơ ngây và trong sáng, quả thực là rất dễ thương. Vai trò của cậu và nhân vật ông nội được đưa vào như một ẩn dụ, đối sánh, quan sát hơn là thúc đẩy câu chuyện trôi đi. Bộ phim sẽ dữ dội và sáng tạo hơn rất nhiều khi chỉ chọn điểm nhìn đời sống dục của người lớn dưới con mắt của cậu bé này. Nếu còn có gì tiếc nuối về bộ phim độc đáo này thì hẳn là chuyện cái tựa “Bi, đừng sợ” như một lời hô hào thừa thãi trong một tác phẩm mà mọi thứ đều vừa đủ, và có chăng là những người kể chuyện đã… sợ thay cho Bi.


Cảnh nóng giúp chuyển tải nội dung được sâu hơn


Và cuối cùng, đây là một phim về nhục tính, nên chắc chắn nó chỉ hay khi những mô tả tình dục không bị cắt xén. Những bản phim chép lậu “đầy đủ nội dung” đang được người xem truyền tay nhau kèm lời dặn dò rõ ràng là một thực tế có sức nặng khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách ứng xử với một tác phẩm điện ảnh.


Minh Chánh