Không gian Trúc Lâm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa nhận 2 giải thưởng kiến trúc quốc tế: Giải thưởng Danh dự (Honorable Mention) của International Architecture Awards 2024 (IAA) và Giải thưởng Kiến trúc xanh (Green Good Design).
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - cho biết không gian Trúc Lâm là dự án hợp tác công tư giữa bảo tàng và Công ty TNHH MTV Thủ công Trúc Lâm, do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và Vũ Xuân Sơn thiết kế.
Ông Quang khẳng định, suốt 30 năm qua, bảo tàng vẫn là điểm đến thu hút khách du lịch tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Vì thế, công tác đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cấp và đổi mới các khu trưng bày với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng luôn được bảo tàng chú trọng.
Ông xác định hệ thống dịch vụ (quầy lưu niệm, nhà sách, ăn uống, nhà hàng…) là thành tố, điều kiện không thể thiếu, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu khách tham quan.
Từ năm 2020, bảo tàng được phê duyệt Đề án quản lý, khai thác tài sản công, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ, phục vụ nhu cầu khách tham quan.
"Công ty Trúc Lâm đã thành công trong việc sưu tầm, trưng bày, giới thiệu... hàng thủ công, mỹ nghệ do nhiều nghệ nhân từ các tộc người trên cả nước hợp tác sản xuất. Điều này phù hợp với việc giới thiệu văn hóa tộc người của bảo tàng", ông Quang khẳng định.
Vì thế, không gian Trúc Lâm được xây dựng dựa trên ý tưởng về quán nước nhỏ ôm lấy gốc đa di sản, tái hiện hình ảnh truyền thống làng quê Việt Nam: cây đa - giếng nước - sân đình. Không gian này phục vụ du khách nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời trưng bày, giảng dạy và thực hành nghề thủ công Việt Nam.
Không gian Trúc Lâm nằm nép mình dưới cây đa cổ thụ, với một tường đất lớn xây dựng theo kỹ thuật trình tường của người Hà Nhì. Vật liệu chính là đất, gỗ và tre, nhưng được các kiến trúc sư biến hóa phù hợp với không gian đương đại.
"Trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng có nhà trình tường của người Hà Nhì. Đó là gợi ý để chúng tôi kế thừa tạo thành bức tường mới, thêm một số phụ gia để có hiệu ứng mịn màng hơn, không bị mưa gió tróc lở như tường truyền thống. Hiệu quả rất tốt, khách đến tham quan cũng thích chụp ảnh ở đây", ông Quang nói.
Bà Vũ Liên - Phó Giám đốc Công ty Trúc Lâm - cho biết rất muốn quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam qua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
"Khi đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trải nghiệm không gian văn hóa tộc người và kiến trúc nhà dân tộc, chúng tôi mong muốn khách tham quan tiếp nối hành trình đó. Từ đó, chúng tôi lên ý tưởng thiết kế không gian có sự kết hợp giữa truyền thống và mang hơi thở đương đại", bà Liên cho biết.
Trong không gian Trúc Lâm, có một số tác phẩm nghệ thuật như tượng voi bằng gỗ, tượng đầu Phật, tượng gỗ gợi nhắc tới tượng nhà mồ Tây Nguyên...
Theo kiến trúc sư Vũ Xuân Sơn, những tác phẩm này rất độc đáo, chứa đựng giá trị văn hóa và tâm linh sâu sắc của người dân tộc thiểu số nói riêng và dấu ấn đặc trưng Việt Nam nói chung. Việc sử dụng chúng để trang trí nội thất góp phần quảng bá văn hóa nước nhà, đồng thời giới thiệu các ngành nghề qua sản phẩm độc bản sưu tầm được của Trúc Lâm như: đồ cổ, tác phẩm chạm khắc tinh xảo từ gỗ trầm hương, bức tượng đá thạch ngọc tự nhiên điêu khắc thủ công hay tranh thêu Thái - Nghệ An thổ cẩm có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi.
Chia sẻ với PV VietNamNet, PGS. TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - mừng "rơi nước mắt" khi Bảo tàng có không gian Trúc Lâm, điều ông đã mong mỏi từ lâu.
"Không gian Trúc Lâm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thể hiện tầm nhìn về kiến trúc, cũng như kết nối các không gian khác nhau trong một bảo tàng. Đây là điều ít bảo tàng Việt Nam làm được. Tôi thăm bảo tàng các nước nhiều, không gian trưng bày và trải nghiệm của họ rất tuyệt vời. Tôi luôn ao ước Việt Nam cũng làm được như vậy. Sau nhiều năm, niềm mong mỏi đó thành hiện thực, là điều đáng mừng", ông Huy chia sẻ.