- Không hút thuốc lá, không sử dụng bia rượu nhưng sống trong môi trường nhiều khói thuốc bệnh nhân vẫn có nguy cơ bị ung thư phổi.

Sáng sáng 'súc miệng' bằng điếu thuốc, bệnh nhân bị 'ung thư' hỏi thăm

Sáng vừa dậy, chưa kịp ăn sáng, ông Thường đã với tay lấy điếu cày làm một điếu cho tỉnh người. Một ngày ông bàng hoàng trước kết quả căn bệnh ung thư đã xuất hiện trong cơ thể mình.

Trước đây nhiều người cho rằng, chỉ những trường hợp thường xuyên hút thuốc lá mới có nguy cơ bị bệnh ung thư phổi nhưng trên thực tế thì ngay cả một số người chưa từng hút thuốc cũng dễ bị căn bệnh này "hỏi thăm".

Chị Vũ Thị H (48 tuổi, Giám đốc một công ty tư nhân ở Hà Nội) là một trường hợp điển hình. 

Bình thường chị H khỏe mạnh. Chị vẫn luôn tự hào với mọi người được trời phú cho sức khỏe hơn người. Nhưng thời gian gần đây chị cảm thấy cơ thể suy nhược kèm theo những con ho cứ dai dẳng. Với tâm lý chủ quan chị chỉ dùng một số kháng sinh trị bệnh viêm họng, cảm cúm.

Tuy nhiên, càng uống thuốc chị càng cảm thấy mệt mỏi hơn, ho vẫn nặng tiếng và đau tức ngực. Lo lắng khi uống thuốc mãi không khỏi bệnh, người nhà đã khuyên chị tới bệnh viện kiểm tra.

{keywords}
Nhiều người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ bị ung thư phổi (Ảnh minh họa)

Tại bệnh viện sau khi làm các xét nghiệm chị bàng hoàng nhận kết quả mình bị ung thư phổi. Ban đầu chị không tin bởi theo chị ung thư phổi thường đến với những người hút thuốc lá, sử dụng rượu bia trong khi chị chưa bao giờ dùng một điếu thuốc nào.

Tại BV khi bác sĩ hỏi về việc có sử dụng thuốc lá, bia rượu thường xuyên không, chị khẳng định mình không dùng. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi về tiền sử bệnh tật của người nhà thì được biết bố chồng chị (nay đã mất) là người nghiện thuốc lá lâu năm. Trong những năm ông còn sống chị thường xuyên phải chịu mùi thuốc lá nồng nặc. 

Chị nói: "Ông hút thuốc suốt cả ngày lẫn đêm. Hễ thức dậy là ông lại hút. Chính vì thế khắp căn nhà toàn ám mùi khói thuốc. Ban đầu mới về làm dâu tôi cũng vô cùng khó chịu tuy nhiên sống lâu rồi thành quen. Tôi không nghĩ việc ngửi khói thuốc cũng bị ảnh hưởng tới sức khỏe như vậy".

Trao đổi về vấn đề này, BS Lê Thị Yến (khoa nội 2, BV K Hà Nội) cho rằng: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư. Một số loại ung thư xác định được nguyên nhân nhưng có những loại ung thư chưa rõ nguyên nhân tuy nhiên với ung thư phổi thì thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu. 

Số bệnh nhân nam mắc ung thư phổi cao hơn số bệnh nhân là nữ. Có những trường hợp phụ nữ không hút thuốc, dùng bia rượu nhưng vẫn bị ung thư phổi. Nguyên nhân cũng có thể là họ hút thuốc lá thụ động tức là ngửi khói thuốc từ chồng, bố, người thân...trong gia đình".

{keywords}
Bệnh nhân và người nhà thăm khám tại BV K

Tương tự, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, cũng nhấn mạnh, phần lớn các bệnh nhân ung thư phổi đến khám và điều trị taị Bệnh viện, khi khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân đã từng hút thuốc trong một thời gian dài, thường từ 10 năm trở lên. Các bệnh nhân không hút thuốc thì trong gia đình cũng có người hút thuốc lá.

Những người không hút thuốc nhưng lại phải chung sống hay cùng làm việc với những người nghiện thuốc lá, vẫn có nguy cơ bị bệnh rất cao do hít phải khói thuốc thụ động. Công nhân làm cho các nhà máy sản xuất thuốc lá cũng bị những nguy cơ tương tự. Điển hình trong số các loại ung thư ảnh hưởng từ hút thuốc thụ động là ung thư phổi ở nữ giới.

Mặc dù tỷ lệ hút thuốc ở nữ dưới 2% nhưng ung thư phổi là loại ung thư đứng hàng thứ 4 ở nữ do ảnh hưởng từ những người xung quanh hút thuốc.

Trên thế giới, khái niệm hút thuốc thụ động đã được Trung tâm Ung thư Harvard cảnh báo kể từ năm 2009, đề cập đến những người không hút thuốc nhưng bị hít khói thuốc lá kèm chất độc hại, nicotine, kim loại nặng, chất gây ung thư, các chất phóng xạ…

Những dư lượng chất độc hại này có thể được lưu lại trên đồ vật và môi trường sống khoảng vài tuần hoặc thậm chí hàng tháng, gây hại sức khỏe ghê gớm.

Đối tượng bị gây tổn hại lớn nhất chủ yếu là trẻ em và trẻ sơ sinh, bởi vì hệ thống hô hấp của trẻ nhạy cảm hơn nhiều so với người lớn.

Số liệu ghi nhận ung thư từ 6 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Huế, TP.HCM và Cần Thơ cho thấy năm 2010 ở Việt Nam có tối thiểu 126.307 ca ung thư mới mắc ở cả hai giới. Trong đó nữ có 54.367 ca ung thư và nam 71.940 ca ung thư . Ước tính trong năm 2020 sẽ có tối thiểu 189.344 ca ung thư mới

Qua số liệu trên cho thấy hầu hết các loại UT ở Việt Nam có xu hướng gia tăng theo các năm. Điển hình trong số này là UT phổi với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi (ASR) tăng từ 29,3/100.000 lên 35,1/100.000 sau 10 năm... 

Tỷ lệ hút thuốc cao, dinh dưỡng thiếu hợp lý, ít vận động, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng, ô nhiễm môi trường, nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, siêu vi trùng, thuốc trừ sâu, diệt cỏ dioxin... kết hợp với tuổi thọ trung bình được cải thiện là các lý do chính giải thích vì sao tỷ lệ mắc ung thư gia tăng.

(Số liệu do BV K cung cấp)

Ngọc Trang - Lê Thúy