Tại biển Đông, việc này đòi hỏi Mỹ tiếp tục cổ vũ tất cả các bên trong các tranh chấp khu vực làm sao cho luật pháp và các yêu sách của nước mình phù hợp với UNCLOS.

Vùng đặc quyền kinh tế

EEZ có thể là nền tảng UNCLOS quan trọng nhất để đảm bảo an ninh tài nguyên và ổn định. EEZ được sinh ra nhằm giảm tranh chấp tài nguyên trên biển và đối với nguồn tài nguyên dưới đáy biển nằm ngoài đường cơ sở của một quốc gia ven biển rộng 200 hải lý.

UNCLOS trao cho một quốc gia ven biển các quyền tài phán đặc biệt để quản lý, bảo vệ và gìn giữ nguồn tài nguyên sống và hóa thạch tại khu vực này và quy định rõ rằng đòi hỏi quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên đặc điểm địa lý bờ biển của nước này.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại đưa ra yêu sách tài phán tại biển Đông dựa trên đường 9 đoạn, vốn không quy chiếu tới bất kỳ đặc điểm địa lý bờ biển nào của họ - hay đường cơ sở của họ. Việc này vi phạm căn bản luật pháp quốc tế và các tiêu chuẩn hành xử của quốc gia về đường ranh giới trên biển. Đòi hỏi của Trung Quốc dựa trên đường 9 đoạn, vì vậy, đây là một trong những nguồn chính gây va chạm và bất ổn trong khu vực biển Đông - nguyên nhân khác là tranh chấp chủ quyền đối với các đảo.

Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố rõ ràng và chính xác rằng đường 9 đoạn tại biển Đông đại diện cho đòi hỏi gì. Tuy nhiên, yêu sách của Trung Quốc, theo đó họ có các quyền EEZ và thềm lục địa nằm trong đường 9 đoạn đó dựa trên "sự sở hữu" của Trung Quốc đối với Trường Sa, là không phù hợp với luật pháp quốc tế vì rất ít, nếu không muốn nói là không đảo nào, bãi đá hay bãi cát nào trong Trường Sa có thể nuôi được một dân cư bản địa hay duy trì hoạt động kinh tế của mình. Điều 121 (3) của UNCLOS quy định rõ rằng để một đảo hay các hình thái địa chất khác được có các vùng bên ngoài lãnh hải của mình - tức là một EEZ và một thềm lục địa riêng - thì phải "có người sinh sống hoặc có đời sống kinh tế riêng".

Trong gần 30 năm sau khi UNCLOS được ký kết, luật pháp quốc tế đã cung cấp bản hướng dẫn nhỏ về việc cần hiểu điều khoản này như thế nào. Tuy nhiên vào năm 2009, Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ (ICJ) đã xử một vụ phân định ranh giới biển giữa Ukraine và Romania. Đảo Snake là một bãi đá ngoài khơi rộng hơn 0,2 km2 và cao khoảng 41m trên mực nước biển tính điểm cao nhất. Trên đó có một hải đăng nhưng ít nước ngọt và rau quả, và dù có một số nhỏ binh lính và nhà khoa học sống tại đây (giống như quần đảo Trường Sa tại biển Đông) nhưng các cư dân này vẫn thường xuyên phải dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm, nước và các nhu yếu phẩm khác từ lục địa để sống.

ICJ đã ra phán quyết rằng đảo Snake không được hưởng một EEZ hay một thềm lục địa, vì vậy không thay đổi đường ranh giới biển giữa hai nước. Khi Trung Quốc trình giác thư lên LHQ đòi một EEZ cho quần đảo Trường Sa - gần như tất cả các đảo trong quần đảo này có ít hơn nhiều những đặc điểm đáng kể so với đảo Snake - họ đã bị tòa khiển trách trực tiếp là đã coi thường luật pháp quốc tế về biển, và đề nghị các cơ quan của LHQ diễn giải luật cho họ.

Hoàn toàn đối lập với cách tiếp cận của Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia đã đòi các quyền đối với EEZ và thềm lục địa mở rộng tại biển Đông phù hợp với quy định của UNCLOS. Philippines và Indonesia nỗi nước đều giữ đòi hỏi EEZ rộng 200 hải lý xung quanh đường cơ sở quần đảo của họ, là phù hợp về mặt địa lý với UNCLOS. Khác với Trung Quốc, bốn nước có yêu sách đối với một số hay toàn bộ quần đảo Trường Sa đều kiềm chế trong việc đòi một EEZ và một thềm lục địa mở rộng cho những hình thái địa chất không hội tụ đủ các đặc điểm để được công nhận các quyền này. Bốn quốc gia này đều dựa trên luật pháp quốc tế hiện tại để xác định các quyền trên biển của mình.

Như vậy, bên cạnh các tranh chấp chủ quyền đảo và các vùng tài nguyên giữa Trung Quốc với các nước láng giềng biển, còn có một tranh cãi cơ bản về nền tảng tiêu chuẩn mà những tranh chấp này dựa vào. Liệu UNCLOS, trong vai trò một cơ chế quốc tế được thừa nhận rộng rãi và tạo sự ổn định trên biển trong cuộc cạnh tranh nguồn tài nguyên biển, có điều khiển được việc giải quyết các tranh chấp này hay không?

Hay nền tảng để giải quyết tranh chấp là khả năng của Trung Quốc khẳng định quyền lịch sử của họ và sức mạnh ngày càng gia tăng của họ để thực thi các quyền ấy? Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các quyền trên biển của mình đặt ra một thách thức cho tất cả các quốc gia - không chỉ các nước láng giềng của họ tại biển Đông - khi Trung Quốc tranh cãi không chỉ các ranh giới cục bộ mà cả nền tảng hiện tại đang điều khiển các quyền quốc tế trên biển.

Kết luận

Thay vì củng cố trật tự pháp lý quốc tế hiện tại, Trung Quốc lại tìm cách thay đổi trật tự và các chuẩn mực xác định các quyền về biển quốc tế. Tại biển Đông, việc này dẫn tới va chạm, khi các nước láng giềng của Trung Quốc và Mỹ quyết bảo vệ các quyền về biển của mình. Giải quyết xích mích này sẽ rất khó khăn, nhưng Mỹ và các nước bạn hữu và đồng minh trong khu vực nên tiếp tục phối hợp với nhau để khuyến khích Trung Quốc chấp nhận các tiêu chuẩn hiện tại và ủng hộ trụ cột toàn cầu hóa, thay vì hủy hoại chúng. Triển vọng này đã được phản ánh trong "Báo cáo thường niên 2011 về các diễn biến an ninh và quân sự liên quan đến Trung Quốc" của bộ Quốc phòng trình lên Quốc hội Mỹ.

Báo cáo viết: "Mỹ hoan nghênh một Trung Quốc hùng mạnh, thịnh vượng và thành công sẽ củng cố các quy định và tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo an ninh và hòa bình trong khu vực và toàn cầu". Nhưng thật không may, tuyên bố trên vẫn chỉ là khát vọng liên quan đến luật pháp, quy định và tiêu chuẩn chi phối an ninh biển và tạo ra trật tự tại các vùng biển chung.

Trên thực tế, các tiêu chuẩn này cũng đang yếu đi bởi sự hờ hững của Mỹ. Trong khi Trung Quốc gây sức ép lên hệ thống hiện tại, Mỹ lại không thể hiện được vai trò lãnh đạo hiệu quả, tích cực và đầy đủ. Với việc không phê chuẩn UNCLOS, Mỹ căn bản vẫn là một nhà quan sát trong một hệ thống mà họ đã tạo ra, hệ thống đang điều hành các quan hệ và hoạt động quốc tế trong lĩnh vực biển, và hiện đã được 161 quốc gia và Liên minh châu Âu phê chuẩn.

Nhiều người cho rằng Mỹ nên nghĩ kỹ trước khi phê chuẩn UNCLOS vì công ước này "không giúp phá vỡ thế bế tắc hiện nay tại biển Đông", thì chỉ đúng một phần. Đúng là UNCLOS đã không ngăn cản được Trung Quốc bành trướng trên biển khu vực, ít nhất một phần vì Mỹ đã không thể đảm bảo vai trò lãnh đạo của mình đối với vùng biển quan trọng này trong hệ thống toàn cầu.

Bằng việc không phê chuẩn UNCLOS, Mỹ đã cho phép Trung Quốc, nước phê chuẩn công ước này tháng 7/1996, theo đuổi cách tiếp cận của riêng mình và gây sức ép với các nước khác với lý do tính hợp pháp của thể chế. Việc Thái Lan gần đây phê chuẩn công ước này cho thấy điều đó rất rõ, và không phải là một diễn biến tốt lành đối với một hệ thống toàn cầu dựa vào thương mại tự do và cởi mở thông qua một lĩnh vực biển ổn định.

Bên cạnh đó, các quốc gia tại biển Đông đang có ý định tuân thủ các tiêu chuẩn UNCLOS nhằm định hình các hành vi của Trung Quốc và giới hạn các đòi hỏi thái quá của nước này tại biển Đông sẽ kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo và sự hỗ trợ của Mỹ để thành công.

Dù các vết nứt trong nền tảng từ trước tới nay vẫn chỉ là vết rạn nhỏ như sợi tóc, nhưng vai trò lãnh đạo hiệu quả và bền vững của Mỹ đối với các trụ cột của hệ thống toàn cầu sẽ rất quan trọng để hàn gắn vết nứt và giữ cho nền tảng này vững chắc. Tại biển Đông, việc này đòi hỏi Mỹ tiếp tục cổ vũ tất cả các bên trong các tranh chấp khu vực làm sao cho luật pháp và các yêu sách của nước mình phù hợp với UNCLOS. Hơn nữa, Mỹ phải duy trì một sự chú trọng lâu dài tới khu vực có vai trò chiến lược quan trọng này, thể hiện vai trò lãnh đạo ngoại giao được hỗ trợ bởi một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực.

Duy trì sự ổn định cũng đòi hỏi các nước khác - cả trong và ngoài khu vực - mà các lợi ích về an ninh và thương mại cần đến các hải trình tự do đi lại tại Đông Á, phải lên tiếng để bảo vệ hệ thống này và các tiêu chuẩn điều hành nó. Các quan chức Mỹ cần cổ vũ cho điều này. Chỉ với vai trò lãnh đạo mang tính hợp tác như vậy thì biển Đông mới có chỗ đứng trong thế giới, mà ở đó các quy định và tiêu chuẩn quốc tế nhằm tạo sự ổn định tại các vùng biển chung được áp dụng thông qua quan hệ hợp tác quốc tế và các tổ chức sẽ giúp gia tăng sự giàu có và an ninh toàn cầu thông qua việc củng cố sự tiếp cận dựa trên thị trường đối với các nguồn tài nguyên và thương mại./.