Ngay sau khi nhận được thông báo từ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Vân Đồn về việc tạm ngừng hoạt động cảng thủy nội địa Cái Rồng để rà soát vùng nước và kiểm tra, thực hiện việc bảo trì, kiểm định công trình theo đúng quy định, hàng loạt chủ tàu chở khách đã có đơn xin tạm ngừng hoạt động, từ 0h ngày 5/4.
Một số chủ tàu chở khách cho biết, việc họ tạm ngừng hoạt động là vì không đồng ý việc phải lên cảng cao cấp Ao Tiên (cảng Ao Tiên) để chở khách. Mặt khác, các chủ tàu cho rằng Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Vân Đồn tạm ngừng hoạt động cảng thủy nội địa Cái Rồng là để ép tàu chở khách lên hoạt động ở cảng Ao Tiên.
Trao đổi với PV. VietNamNet, một chủ tàu chở khách cho rằng, việc lên hoạt động ở cảng Ao Tiên là không hợp lý trong khi cảng Cái Rồng thuận tiện và vẫn hoạt động tốt.
Tại cảng Ao Tiên, họ phải mất thêm chi phí bến đỗ, khách đi tàu cũng phải gánh thêm chi phí và di chuyển về trung tâm huyện Vân Đồn xa hơn.
Ngoài ra, thiết kế cầu cảng đón khách ở cảng Ao Tiên cao hơn so với tàu khiến người dân lên xuống tàu khó khăn trong trường hợp mang hành lý và hàng hoá nặng.
Trước đó, UBND huyện Vân Đồn thông tin sẽ vẫn hoạt động song song hai cảng Cái Rồng và Ao Tiên, chỉ khuyến khích các chủ tàu lên cảng Ao Tiên để hoạt động.
Trả lời PV. VietNamNet, ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc cảng cao cấp Ao Tiên cho rằng việc cầu cảng đón khách cao hơn so với mực nước là chưa chính xác, bởi cầu cảng được thiết kế tàu nào cũng lên được. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh từ các chủ tàu, phía cảng đã khảo sát và cho lắp thêm nhiều bậc cầu thang bằng kim loại để nối vào khu vực bậc lên xuống. Phía cảng Ao Tiên sẽ nhanh chóng xử lý việc phân luồng riêng và ưu đãi sâu cho người dân, du khách, chủ tàu.
"Vé vào cảng đang miễn phí cho 5 xã đảo trong vòng một năm, tất cả tàu bè vào cảng trong khoảng 2 tháng nay không mất tiền. Mọi người được vào cảng để trải nghiệm trước dịch vụ", ông Quyết nói.
Tại cảng Cái Rồng, có khoảng 65 tàu chở khách (tàu gỗ và tàu cao tốc) phục vụ du khách và người dân tại 5 xã đảo gồm Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Ngọc Vừng và huyện Cô Tô.
Tuy nhiên, đến nay 10 hãng tàu có đơn xin tạm ngừng hoạt động, việc này ảnh hưởng trực tiếp tới người dân vì không còn phương tiện ra các xã đảo. Nhiều du khách đứng trước nguy cơ không có tàu ra các đảo tham quan, trong khi mùa du lịch đang cận kề.