- Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền. Nhà nước cần quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá, doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung.

>> Không thể 'thả' giá điện nếu EVN còn độc quyền

Sáng nay, 31/5, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Điện lực. Trong đó, vấn đề giá điện có sự sửa đổi mạnh mẽ nhất.

Trong một số năm tới, chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp lớn trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện. Ảnh: Bình Minh

Theo đó, cơ chế điều chỉnh giá điện vẫn do Thủ tướng Chính phủ quy định nhưng các chi tiết về cơ cấu biểu giá sẽ giao cho cơ quan chuyên ngành thực hiện, cụ thể là Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương. Giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực xây dựng, hiện nay chính là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Căn cứ giá điện sẽ được dựa trên các báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị.

Chính phủ cho rằng luật Điện lực hiện hành đang giao cho Thủ tướng phê duyệt biểu giá bán lẻ đã không còn phù hợp với thực tế. Giá bán điện bình quân của Việt Nam càng ngày càng thấp hơn so với giá thành, không thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào điện.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường - cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thêm 3 vấn đề.

Thứ nhất là vấn đề thị trường điện cạnh tranh. Theo quyết định số 26/2006 của Thủ tướng thì thị trường điện Việt Nam được hình thành và phát triển theo 3 giai đoạn với cấp độ. Cấp độ đầu tiên là hình thành thị trường phát điện cạnh tranh giai đoạn 2005 - 2014.

Cấp độ thứ hai là hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2015 - 2022.

Cấp độ cao nhất và cuối cùng là hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, áp dụng từ sau năm 2022.

Lộ trình này cho thấy trong một số năm tới, chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp lớn trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện. Theo các mức độ, cấp độ phát triển khác nhau của thị trường điện lực cạnh tranh, Nhà nước vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp về giá.

Thứ hai là nội hàm của khái niệm “có sự điều tiết của Nhà nước” cần được cụ thể hóa. Sự điều tiết của Nhà nước đối với giá điện có thể được thực hiện thông qua các chính sách thuế, các biện pháp kinh tế và tài chính hoặc thực hiện các biện pháp bình ổn giá khi xảy ra biến động bất thường. Theo đó, sự điều tiết giá điện không nhất thiết bao gồm việc Nhà nước phê duyệt, quyết định thường xuyên hoặc định kỳ một số loại giá điện.

Thứ ba, chính sách của Nhà nước về giá điện. Vấn đề này phải phù hợp với quy định của luật Giá đang được Quốc hội xem xét, sẽ thông qua tại kỳ họp này. Dự thảo này đang quy định Nhà nước định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; định khung giá đối với giá phát điện, bán buôn điện, mức giá bán lẻ điện bình quân.

Ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do doanh nghiệp nhà nước độc quyền chi phối. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền trong khi điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế - xã hội của cả nước.

Với các phân tích trên, cơ quan thẩm tra đề nghị luật Điện lực sửa đổi phải theo hướng Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân. Giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực quyết định trên cơ sở khung giá, nhằm phù hợp với dự thảo luật Giá.

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể cân nhắc bổ sung thêm nội dung Nhà nước có quy định cơ chế điều chỉnh giá điện như Chính phủ trình.

Ngoài ra, Chính phủ cần phải làm rõ hơn căn cứ tính giá điện sẽ dựa vào kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước. Cơ cấu giá điện cần quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn trong dự thảo luật để làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát. Nhiều quốc gia cũng đã thực hiện việc công khai cơ cấu giá điện ngay trong hóa đơn trả tiền điện của khách hàng.

Trên thực tế, giá điện hiện đã được điều chỉnh theo biến động đầu vào của 3 yếu tố gồm tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện phát. Nếu mức giá bình quân điều chỉnh không quá 5% thì sẽ do Bộ Công Thương phê duyệt, nếu trên mức 5% sẽ do Thủ tướng phê duyệt. Các khâu xây dựng, đề xuất mức giá này đều do EVN thực hiện. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.

Phạm Huyền