- Lần thứ hai cho ý kiến về dự thảo luật Phòng, chống rửa tiền, các ĐB vẫn thấy dự thảo luật này vừa thừa, vừa thiếu, khó khả thi.

Một trong những vấn đề các ĐB góp ý nhiều cho dự luật này ngay từ lần cho ý kiến đầu tiên là việc xác định phạm vi điều chỉnh chưa rõ ràng.

Thảo luận tại hội trường chiều nay (22/5), Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền chỉ ra muốn phòng, chống hành vi gì thì phải nhận diện được hành vi ấy. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn thiếu việc liệt kê các biểu hiện của hành vi rửa tiền.

Dự thảo luật thì cho biết "rửa tiền" là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, được quy định trong Bộ luật Hình sự và những hành vi sau đây: a) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; b) Chiếm hữu tài sản mà tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) yêu cầu liệt kê cụ thể để nhận dạng hành vi rửa tiền “như liệt kê 12 hành vi tham nhũng trong luật Phòng, chống tham nhũng”.

ĐB Đỗ Văn Đương: Liệt kê hành vi rửa tiền như liệt kê hành vi tham nhũng. Ảnh: Quang Khánh

Trong khi một điểm cần thiết như vậy bị thiếu, dự luật lại có những điểm mà các ĐB cho là “thừa”.

Ông Đương chỉ ra trong Bộ luật Hình sự và nhiều văn bản pháp luật khác đã có các điều khoản liên quan đến hành vi tiêu thụ  tài sản do phạm tội mà có. Ông Quyền thì lưu ý theo luật Ban hành văn bản pháp luật, những điều khoản đã quy định ở các văn bản pháp luật khác thì không quy định lại.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, đại diện cơ quan thẩm tra, giải thích rằng muốn phòng, chống rửa tiền hiệu quả cần áp dụng nhiều văn bản luật khác nhau, dự luật này “chỉ quy định về các biện pháp kinh tế”.

Tuy thế, nhiều ĐB vẫn cho rằng dự luật chỉ xoay quanh các giao dịch ngân hàng là thiếu bao quát.

ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) lưu ý trong thực tiễn, hành vi rửa tiền có thể được thực hiện qua nhiều hình thức, từ bất động sản như nhà cửa đến động sản như xe cộ, máy móc…, cũng như các hoạt động kinh doanh hợp pháp như nhà hàng, khách sạn, quán bar, sòng bạc…

Vì vậy, ông Vân cho rằng các bộ quản lý đều chia sẻ trách nhiệm phòng, chống rửa tiền.

Các ĐB cũng đã nhiều lần lưu ý ở một nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt như ở Việt Nam, một mình ngân hàng, kể cả có thêm các tổ chức tài chính, không thể phòng, chống rửa tiền, bằng chứng là Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước sau 6 năm hoạt động chưa phát hiện xử lý được một vụ rửa tiền nào.

Ông Nguyễn Đình Quyền còn “giật mình” khi thấy dự luật quy định nguyên tắc phòng chống rửa tiền là “trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân”.

“Việc này trước hết phải là trách nhiệm của Nhà nước, sau đó mới đến huy động các cá nhân, tổ chức tham gia trong điều kiện và thẩm quyền của mình”, ông Quyền nói về dự án luật có một trong các mục tiêu là đáp ứng các cam kết quốc tế.

Chung Hoàng