- Các chuyên gia phân tích chuyện công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh chôn chất thải của Formosa ở trang trại.
Chất thải rắn từ Formosa bị phát hiện chôn lấp dưới đất những ngày qua. Ảnh: Thiện Lương |
Sáng nay, Sở TN&MT Hà Tĩnh cung cấp cho báo chí công văn số 07, ngày 18/1 của Chi cục Bảo vệ môi trường trả lời cho Formosa về việc phân loại chất thải rắn từ lò luyện cốc của công ty trên.
Theo đó, các chất thải rắn gồm bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp và tro than cốc và bùn than cốc phát sinh từ xưởng luyện cốc của công ty này được kết luận là chất thải công nghiệp thông thường.
Căn cứ của kết luận nêu trên được dựa trên kết quả phân tích ngày 25/12 của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 2 mẫu bùn ép từ xưởng xử lý nước thải, 1 mẫu bùn than cốc và 1 mẫu tro than cốc từ xưởng luyện cốc của Formosa.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng INEST cho biết, ngày 14/12/2015, INEST có nhận được yêu cầu phân tích 4 mẫu chất thải từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh, ký hiệu từ R15-R18, bao gồm 2 mẫu là bùn và 2 mẫu là chất thải rắn.
Kết quả phân tích mẫu bùn thải của Formosa do INEST thực hiện |
"Khách hàng yêu cầu chúng tôi phân tích 14 chỉ tiêu theo QCVN50:2013 - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng nguy hại với bùn thải từ quá trình xử lý nước (đối với 2 mẫu bùn) và QCVN07:2009 - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại (đối với 2 mẫu chất thải rắn)", ông Dũng cho hay.
Ông Dũng cũng cho biết, INEST chỉ thực hiện phân tích các chỉ tiêu theo yêu cầu của khách hàng mà ở đây là Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh chứ không trực tiếp tham gia lấy mẫu. Vì vậy, trong tờ kết quả phân tích của Viện nêu rõ: Kết quả này chỉ có giá trị đối với mẫu do khách hàng mang đến và các thông tin về mẫu do khách hàng cung cấp tự chịu trách nhiệm.
ông Dũng cho rằng, không thể dựa vào kết quả phân tích này để khẳng định những chất thải rắn từ Formosa bị phát hiện chôn lấp dưới đất vừa bị phát hiện là chất thải nguy hại hay không. Bởi lẽ, kết quả phân tích nói trên chỉ có giá trị đối với mẫu do khách hàng mang đến.
Bên cạnh đó, việc đánh giá đặc tính của chất thải cần phải làm rất bài bản như số mẫu đủ nhiều cả về vị trí không gian và tại nhiều thời điểm, quy trình lấy mẫu và phân tích đúng, đồng thời cũng cần phải căn cứ vào quá trình hoạt động của nhà máy cũng như nhiều yếu tố khác mới đảm bảo tính chính xác được.
Với những nhà máy chỉ mới đang ở giai đoạn vận hành thử như Formosa thì cần phải căn cứ trên báo cáo đánh giá tác động môi trường của công ty cũng như các kết quả đánh giá vận hành thực tế như đã nêu ở trên - ông Dũng cho hay.
TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường. Ảnh: Lê Văn |
Trao đổi với VietNamNet chiều nay, TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường - Bộ TN&MT khẳng định, chất thải rắn từ lò luyện cốc của các nhà máy thép chắc chắn sẽ chứa nhiều thành phần độc hại.
Để xác định chất thải này có phải là chất thải nguy hại hay thông thường cần phải căn cứ trên kết quả phân tích các mẫu xem các tiêu chuẩn độc hại có vượt quá ngưỡng nguy hại hay không. Nếu là chất thải nguy hại cần phải được xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, ông Kinh cho rằng, kể cả khi chất thải rắn từ quá trình luyện cốc của Formosa không phải là chất thải nguy hại mà chỉ là chất thải công nghiệp thông thường thì việc xử lý vẫn phải tuân thủ các quy định, quy trình chứ không thể chôn lấp bừa bãi.
"Tôi cho rằng việc công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh đem chất thải rắn từ nhà máy luyện cốc của Formosa về chôn lấp trong một trang trại là hành vi vi phạm pháp luật" - ông Kinh khẳng định.
"Ngay cả việc tái sử dụng chất thải công nghiệp đó để bón cho cây thì tôi nghĩ vẫn phải được sự cấp phép của Bộ NN&PTNT chứ không thể làm tùy tiện được" - ông Kinh bổ sung thêm.
Hiện tại, các mẫu chất thải rắn từ Formosa bị phát hiện chôn lấp dưới đất đang được gửi tới Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN để phân tích. Đây sẽ là căn cứ để xác định những chất thải rắn được chôn lấp dưới đất có phải là chất thải nguy hại hay không.
Lê Văn