Không thể "quản" Uber, Grab như taxi truyền thống?

Phản hồi lại ý kiến của Vinasun cho rằng về bản chất Uber và Grab cũng giống như taxi và là loại hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu cho các cá nhân tham gia thông qua phương thức kết nối là phần mềm ứng dụng trên smartphone, đại diện Uber cho hay: "Hoạt động của Uber khác hẳn về bản chất so với các hãng taxi truyền thống".

Theo đó, Uber là một công ty công nghệ phát triển và cung cấp phần mềm và ứng dụng trên di động (Uber App) nhằm kết nối giữa hành khách có nhu cầu di chuyển và các lái xe có thể chở khách.

Trên thực tế, công ty này không sở hữu bất kỳ một phương tiện vận tải nào, không tuyển dụng lái xe và không trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải mà chỉ cung cấp ứng dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ vận tải có nhu cầu sử dụng ứng dụng để kết nối hành khách.

Tại Việt Nam, các đối tác của Uber bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, các hợp tác xã vận tải và các hộ kinh doanh cá thể có giấy phép kinh doanh vận tải. Ngay sau khi được cấp phép tham gia thí điểm ứng dụng KHCN vào hoạt động quản lý và kết nối vận tải, Uber đã và đang tích cực thực hiện các bước chuyển đổi để chỉ hợp tác với các doanh nghiệp vận tải và hợp tác xã vận tải.

Uber là một sản phẩm của mô hình kinh tế chia sẻ đang ngày càng trở nên phổ biến cho phép người dân chia sẻ các tài nguyên, các thiết bị, phương tiện, dịch vụ nhằm giảm thiểu chi phí và tăng tính hiệu quả.

Theo kết quả nghiên cứu, các xe phương tiện ô tô có 95% thời gian là để không. Tại các thành phố có mật độ dân cư cao và tốc độ phát triển kinh tế nhanh như Hà Nội và TP.HCM, số lượng xe ô tô cá nhân đang tăng lên nhanh chóng đòi hỏi phải có những giải pháp giao thông thông minh để có thể tận dụng tối đa các phương tiện này và giảm ách tắc giao thông.

Khác với các loại hình taxi, phần lớn các đối tác vận tải sử dụng phần mềm Uber chỉ chạy xe trên đường khu có nhu cầu cao về di chuyển của hành khách. Trong khi các xe taxi chạy không trên đường để đón khác, các đối tác của Uber chỉ chạy xe khi có yêu cầu vận chuyển. Đồng thời, doanh nghiệp này cho biết một khảo sát gần đây, 50% các đối tác của Uber chỉ sử dụng ứng dụng Uber để kết nối dưới 10 giờ/tuần.

Do đó, đại diện Uber Việt Nam cho rằng: "Hoạt động của Uber khác hẳn về bản chất so với các hãng taxi truyền thống và không thể quản lý Uber, một công ty công nghệ cung cấp ứng dụng phần mềm phục vụ hoạt động vận tải như một hãng taxi".

Vị này cũng khẳng định, các công ty taxi có cơ hội để thâm nhập thị trường tốt hơn, vì các xe taxi có thể cung cấp dịch vụ theo hình thức đặt trước hoặc nhận khách lẻ trên đường, trong khi các xe hợp đồng chỉ cung cấp dịch vụ cho các đối tượng đặt trước chuyến đi. Do các xe taxi có thể nhận khách ngay trên đường, hành khách không biết trước danh tính, giá cước, các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của taxi cần có các quy định phù hợp nhằm hạn chế những rủi ro của loại hình này.

Tại Việt Nam, các đối tác của Uber bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, hợp tác xã vận tải và hộ kinh doanh cá thể có giấy phép kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, các đơn vị vận tải sử dụng ứng dụng Uber khác các công ty taxi về cả quy mô và hoạt động do đó, không thể quản lý họ tương tự như các công ty taxi.

Khống chế số lượng xe tham gia không giải quyết được vấn đề tắc nghẽn giao thông

Uber Việt Nam cho hay, việc không chế số lượng xe tham gia hình thức chia sẻ dịch vụ vận tải như Uber sẽ không giải quyết được vấn đề tắc nghẽn giao thông trong khi lại tạo nên một môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh và cản trở sự phát triển của các ngành dịch vụ vận tải và xu thế phát triển của nền kinh tế chia sẻ.

Lý do được đưa ra là việc giới hạn số lượng xe tham gia dịch vụ vận tải sẽ dẫn tới hiện tượng mất cân bằng về cung và cầu ở một số khu vực do các xe được phép hoạt động sẽ diibf về những khu vực có nhu cầu cao trogn khi ở những khu vực có nhu cầu vận tải thấp sẽ không có dù lượng xe cung cấp dịch vụ nên người dân bắt buộc phải chọn giải pháp đầu tư cho xe cá nhân.

Việc giới hạn lượng xe tham gia sẽ làm cho các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải tìm cách đăng ký xe của họ ở các tỉnh, thành phố khác nhưng vẫn có thể đưa xe vào các thành phố lớn có nhu cầu vận tải hành khách cao để cung cấp dịch vụ. Vì vậy, giải pháp này không những không làm giảm ùn tắc giao thông mà còn khiến cho việc quản lý các loại xe chở khách này trở nên khó khăn hơn.

"Việc không chế số lượng xe sẽ làm cho ngành dịch vụ vận tải trở thành sân chơi chỉ của riêng một số doanh nghiệp nhất định đã được cấp phép tạo nên môi trương cạnh tranh thiếu bình đằng và kém cạnh tranh", đại diện Uber cho biết thêm.