- Lương giáo viên từ tháng 5/2011 có thêm khoản "phụ cấp thâm niên" nếu đủ các điều kiện. Kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đã được rót về cơ sở. Nhà giáo được truy lĩnh sớm hay muộn phụ thuộc khâu duyệt danh sách của các cơ sở.  Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) Trần Kim Tự cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet.


TIN LIÊN QUAN

Hơn 1 triệu nhà giáo nhận tin vui thu nhập

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) Trần Kim Tự

Nhà giáo được truy lĩnh từ tháng 5/2011

- Xin ông cho biết những đối tượng nào sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên? Quy định hướng dẫn chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo dạy trường công và trường tư có sự khác biệt nào không, thưa ông?

Ông Trần Kim Tự: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 54 quy định chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo trong các trường công lập, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch số 68 hướng dẫn thực hiện. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/2.

Trong Thông tư cũng khẳng định rõ, đối tượng được hưởng là các nhà giáo dạy trong các trường công lập, trong các cơ sở giáo dục công lập. Phạm vi của các cơ sở giáo dục công lập được nêu rất rõ ở Điều 1 của Nghị định. 

Nhà giáo trường tư có được hưởng không thì Nghị định cũng không cấm không được hưởng. Vì đây là hướng dẫn thực hiện ngân sách nhà nước cho nên được quy định trong các trường công. Còn các trường tư có thể vận dụng chính sách này đưa vào giao kết hợp đồng lao động về chế độ chính sách đối với các nhà giáo làm việc trong các trường tư, các cơ sở giáo dục tư. Có thể áp dụng dưới hình thức như tăng lương, thâm niên hoặc hình thức khác phụ thuộc vào chế độ hợp đồng. 

Tuy nhiên, nhà giáo dạy trường tư có tham gia đóng bảo hiểm xã hội, sau đó lại được tuyển dụng vào trường công thì trong thông tư hướng dẫn có nêu rất rõ. Những nhà giáo chưa thuộc diện biên chế trong các trường công lập nhưng đã có thời gian tham gia bảo hiểm bắt buộc ở trường tư, sau đó được tuyển ngay vào các trường công lập thì thời gian đó sẽ được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

- Theo hướng dẫn ban hành thì mốc tính phụ cấp thâm niên cho những nhà giáo công tác tính hưởng từ thời gian 1/5/2011 đến nay. Vậy thời gian công tác từ tháng 4/2011 trở về trước được tính như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Kim Tự: Nghị định ban hành ngày 4/7/2011 và có hiệu lực sau đó 45 ngày. Tuy nhiên hiệu lực của chế độ thì lại được Chính phủ đồng ý cho các nhà giáo hưởng phụ cấp thâm niên từ 1/5/2011 phù hợp với mốc tăng lương tối thiểu chung đối với cán bộ công chức, viên chức của nhà nước.  Như vậy tất cả giáo viên đủ điều kiên nhận phụ cấp thâm niên từ tháng 5/2011. 

Về kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo tôi khẳng định là không thiếu nguồn. Nhà giáo được truy lĩnh sớm hay muộn phụ thuộc khâu duyệt danh sách của các cơ sở. 
Còn từ trước ngày 1/4/2011 trở về trước thì không được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Nghĩa là trong lương của nhà giáo từ tháng 4/2011 trở về trước thì không có phụ cấp thâm niên. 

Lương giáo viên từ tháng 5/2011 bắt đầu được tính phụ cấp thâm niên nếu đủ các điều kiện. Thời gian hưởng, cách tính và mức hưởng cụ thể thông tư quy định rất rõ.

Kinh phí chi phụ cấp không thiếu

- Ngân sách chi phụ cấp thâm niên cho nhà giáo dạy trường công lấy từ đâu? Và trường tư lấy nguồn từ đâu? Vì nhiều ý kiến băn khoăn, thời điểm hướng dẫn có hiệu lực cũng là thời điểm năm học gần kết thúc, liệu có lý do "thiếu ngân sách" dẫn đến nợ phụ cấp của giáo viên không thưa ông?

Ông Trần Kim Tự: Trong hướng dẫn xác định rất rõ, đối với các cơ sở giáo dục được ngân sách nhà nước đảm bảo 100% thì kinh phí thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo do nhà nước chi trả. Thông tin từ Bộ Tài chính tôi được biết thì ngân sách chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đã rót về các cơ sở.

Về kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo tôi khẳng định là không thiếu nguồn. Nhà giáo được truy lĩnh sớm hay muộn phụ thuộc khâu duyệt danh sách của các cơ sở. 

Đối với cơ sở giáo dục ngân sách nhà nước đảm bảo một phần kinh phí hoạt động, một phần tự chủ thì kết hợp hai nguồn này để chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo. 

Còn những cơ sở giáo dục tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thì họ sẽ trích từ nguồn ngân sách tự chủ để chi trả.

- Điều này đồng nghĩa với việc không xảy ra tình trạng nợ phụ cấp thâm niên của nhà giáo?

Ông Trần Kim Tự: Việc chi trả phụ cấp thâm niên, đặc biệt là phần truy lĩnh từ tháng 5/2011 đến nay chắc chắn còn phụ thuộc vào việc tính toán quyết định của địa phương. Còn nguồn tiền tôi khẳng định họ đã chuẩn bị được rồi. 

Nhà giáo được truy lĩnh vào thời điểm nào thì còn phụ thuộc vào tốc độ triển khai thực hiện theo hướng dẫn thông tư 68 của các cơ sở. Tuy nhiên, theo như tôi biết thì khi chưa có thông tư liên tịch hướng dẫn thì đã có một số trường ĐH tự chủ về ngân sách họ đã tính cho các nhà giáo từ tháng 9, tháng 10/2011. 

Mặt khác, các sở GD địa phương cũng căn cứ vào Nghị định để có dự toán nguồn chi. Vì hàng năm vào cuối năm thì các cơ sở phải tính dự toán nguồn chi cho năm sau. Do đó, dù chưa có hướng dẫn nhưng các sở đã có dự toán nguồn chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo để báo cáo với UBND tỉnh. 

- Bộ GD-ĐT sẽ giám sát thế nào để tin vui này không làm giáo viên dài cổ ngóng chờ, thưa ông?

Ông Trần Kim Tự: Trong quản lý nhà nước không thể bỏ qua chức năng giám sát. Tuy nhiên, căn cứ tính tự chủ của các cơ sở thì Bộ sẽ có giám sát thông qua các hệ thống của mình. Ví như giám sát việc thực hiên của các địa phương thông qua các sở, phòng GD-ĐT. 

Đồng thời giám sát trực tiếp các đơn vị trực thuộc và sẽ giám sát thông qua phản ánh của dư luận. Vì mình Bộ không thể đi hết tất cả các cơ sở giáo dục được nên phải chủ động thông qua các kênh như đã nói và thông qua chế độ báo cáo. 

Hiện lực lượng nhà giáo có gần 1,1 triệu nhưng không phải tất cả các nhà giáo đều được hưởng. Nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên phải đủ điều kiện theo quy định. Chúng tôi ước tính thì có khoảng gần 1 triệu nhà giáo hưởng phụ cấp thâm niên. Có những nhà giáo đang đứng lớp nhưng thiếu số năm thì phải chờ.

- Cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh (thực hiện)