Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống được thành lập năm 2002, với tổng diện tích 46 nghìn ha đất rừng tự nhiên. Khu có 1.806 loài thực vật, trong đó có 130 loài có nguy cơ tuyệt chủng (76 loài trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, 39 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính Phủ và 15 loài trong IUCN năm 2020). Nhiều loại gỗ quý hiếm điển hình như Lim xanh, Pơ mu, Sa mu dầu, Chò chỉ, Mun, Gõ đỏ, Trầm hương, Kim giao, Gụ, Sa mộc, Sến mật, Táu mật...
Về động vật, tại đây ghi nhận nhiều loài động vật quý hiếm, rất đa dạng về chủng loại, đã thống kê được 568 loài động vật trong đó có 69 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam. Các động vật quý hiểm như các loài Khỉ mặt đỏ, Rùa núi viền, Gà lôi trắng, Cu li, Vượn đen tuyền, Vượn đen bạc má, Voọc xám... Ngoài ra, Khu bảo tồn này còn ghi nhận 273 loài chim. Nhiều loài chim đã được Chính phủ đưa vào danh sách các loài chim quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn, nhiều loài quý hiếm như Trĩ sao, Công, Hồng Hoàng, Niệc mỏ vằn, Niệc nâu, Gà tiền mặt vàng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có địa hình hiểm trở nhiều dốc gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát rừng nên đây cũng là nơi nhiều đối tượng lén lút vào rừng khai thác lâm sản quý và động vật hoang dã.
Nhiều năm qua, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học của khu bảo tồn trong đó có tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật trong bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện chính sách giao rừng.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đều xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền tập trung trong hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật quản lý bảo vệ và phát triển rừng là cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ bảo vệ rừng, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sống ven rừng, các hộ nhận khoán. Đa dạng các hình thức tuyên truyền như tổ chức các hội nghị tuyên truyền từ xã đến các thôn bản, lồng ghép tuyên truyền vào các buổi họp thôn bản, phát tờ rơi, panô, áp phích, soạn kỷ yếu giới thiệu về Khu bảo tồn thiên niên Pù Huống.
Qua các buổi tuyên truyền, ban quản lý cũng nắm bắt nguyện vọng chính đáng của người dân quanh vùng đệm của khu bảo tồn và phản ánh đến các cấp có những chủ trương, chính sách phù hợp phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho họ để giảm áp lực lên rừng.
Nhờ tuyên truyền, giáo dục nhận thức, người dân tại dây đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan tới đa dạng sinh học của người dân trong vùng đệm.
Ban quản lý rừng tại đây còn thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng cho 285 hộ gia đình thuộc cộng đồng 04 thôn bản, tổ bảo vệ rừng của 02 xã với tổng diện tích là 8.431ha. Khi nhận giao rừng, các hộ đã tăng cường kiểm tra bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật, thực vật quý và phòng chống cháy rừng.
Các cán bộ của Khu bảo tồn thường xuyên đôn đốc các gia đình nhận khoán rừng tăng cường kiểm tra, giám sát đồng thời tuyên truyền cho họ về cách nhận biết các loại lâm sản quý hiếm cần bảo vệ. Đến nay, có hơn 800 lượt tuần tra rừng, nhiều vụ việc khai thác, tập kết lâm sản nhỏ lẻ, rải rác được phát hiện.
Ngoài ra, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cũng tăng cường nâng cao năng lực của cán bộ về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đầu năm tới nay, Khu bảo tồn đã tổ chức 7 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị: Kỹ năng nhận diện động vật hoang dã; điều tra giám sát đa dạng sinh học, nghiệp vụ thanh tra pháp chế, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, kỹ năng tuyên tuyền, phòng cháy chữa cháy cứu hộ cứu nạn, kỹ năng giáo dục truyền thông môi trường đối với cộng đồng và biện pháp quản lý đối tượng vi phạm trong cộng đồng.
Nhờ các giải pháp trên, Khu bảo tồn thiện nhiên Pù Huống đang bảo vệ tốt đa dạng hệ sinh thái rừng được giao quản lý.