Thịt ôi thiu, thịt heo chết được những thương lái gom từ nhiều nơi về khu chợ này để bán cho người lao động nghèo hay quán cơm bụi với giá chỉ từ 30-50 ngàn đồng/kg.
Bí mật từ những chuyến xe máy lao vun vút từ nội thành qua cầu Thăng Long
Bắt đầu từ 12 giờ trưa, hàng trăm chiếc xe máy cà càng phía sau chở theo thùng hàng, bao tải lao vun vút với tốc độ cao từ phía nội thành Hà Nội để qua cầu Thăng Long. Qua nhiều lần theo dõi và quan sát, chúng tôi biết được rằng, đây chính là những chiếc xe chở lợn thối, ôi thiu, lợn chết để mang đến chợ cóc trên để tiêu thụ.
Đến địa phận xã Kim Chung, những chiếc xe này nuối đuôi nhau tuồn thịt bẩn vào chợ. |
Tầm 12 giờ trưa, hàng trăm chiếc xe máy chở theo thịt thối, thịt ôi thiu lao vun vút qua cầu Thăng Long.
Theo quan sát, những chiếc xe máy cà tàng này thường chạy với tốc độ trên 60km/giờ, sở dĩ những thương lái chạy nhanh bởi sợ cơ quan chức năng kiểm tra cũng như sợ muộn chợ. Không khó để chúng tôi phát hiện những hàng hóa gì bởi chính những thương lái này không cần che đậy hay “ngụy trang” cho những món hàng chở trên xe cà tàng. Thịt heo được đóng trong thùng hoặc "nhồi" vào túi nilon treo đầy trên xe.
Theo chân những thương lái chạy với tốc độ qua cầu Thăng Long, đến khu vực dưới chân cầu vượt lối rẽ vào xã Kim Chung một số thương lái đã nhanh chóng thực hiện việc “trao đổi hàng hóa”.
Tại bãi tập kết xe máy, nhiều chủ vẫn treo lủng lẳng những túi thịt ôi thiu vì chưa có khách. |
Trao đổi với chúng tôi, một người dân cho biết: “Họ là những người buôn bán thịt lợn ở nội thành, lợn ôi thiu, hôi thối hay bị bệnh họ gom lại rồi mang về đây bán. Trước khi vào chợ, một số người đã bán trao tay cho những thương lái khác với giá rẻ mạt”.
Điểm đến cuối cùng của hàng trăm chiếc xe máy là một chợ cóc thuộc xã Kim Chung. Tại đây, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi lượng xe máy, lượng thương lái đổ về đông đúc mặc dù đồng hồ đã điểm gần 13 giờ chiều.
Điểm đến cuối cùng của những chiếc xe máy lao vun vút từ nội thành qua cầu Thăng Long. |
Tiếp tục theo chân chủ xe, chúng tôi được biết khu chợ cóc này hoạt động từ 12 giờ trưa đến 15 giờ chiều. Các loại mặt hàng chủ yếu là thịt lợn, thịt gà, cá, rau – củ - quả, nhưng tất cả các mặt hàng trên đều là đồ được bán với giá siêu rẻ vì đã ôi thiu, hôi thối, thậm chí lợn chết bệnh.
Điều đặc biệt nhất tại khu chợ này là tất cả đàn ông chỉ có nhiệm vụ chở phụ nữ đến rồi ngồi uống trà, hút thuốc chờ đợi, mọi giao dịch đều là phần của phụ nữ.
Thịt lợn, lòng, mỡ bẩn vứt chỏng chơ dưới đất trong chợ. |
Sợ xanh mặt với những tảng thịt bốc mùi ôi giá 30 nghìn đồng/kg
Đặt chân lại gần hàng trăm quầy bán thịt chúng tôi không khỏi sợ hãi khi những tảng thịt có trọng lượng 5-7kg nằm ngay dưới đất, phía dưới chỉ có 1 mảnh nilon hoặc bao tải.
Chưa dừng lại ở đó, những tảng thịt đều bị ngả sang màu đỏ thâm hoặc nâu, màu ngà ngà, có nhiều tảng thịt còn chuyển sang màu tím đen. Không chỉ có thịt lợn, những cây giò, thịt gà, thịt vịt, lòng lợn, xương… tất cả đều vứt chỏng chơ dưới đất.
Khi thấy chúng tôi bước vào, những người tiểu thương không ngớt miệng chào mời thậm chí còn hô to giá: “Lợn đi anh ơi, thịt ngon này, giá chỉ có 5 đồng (tức 50 ngàn đồng/kg) thôi”.
Hầu hết tất cả thịt lợn ở đây đều đã chuyển sang nhiều màu khác nhau. |
Chúng tôi đến trước "quầy hàng" của một phụ nữ trạc 30, người này đon đả: “Mua đi anh, thịt này chỉ có 6 đồng một kg thôi, thịt mông luôn đó”. Khi bị chúng tôi chê đắt, người phụ nữ này nói thêm: “Thịt còn ngon thế này, nhiều nạc mà còn chê à anh, thịt chúng em bị ế mới phải mang sang đây bán chứ thực ra ở bên nội thành chúng em toàn bán 9 đồng thôi”.
Thịt ế thì chỉ vài ba cân được bán cho khách lẻ về sử dụng, còn thịt thối, thịt lợn bệnh, lợn chết được bán nguyên tảng hoặc miếng lớn cho các quán ăn. |
Tiến đến một quầy thịt đã ngả sang màu trắng bệch còn nguyên tảng khi tôi hỏi tại sao thịt lại có màu này, người phụ nữ nhanh nhảu nói: “Lợn mới chết thôi ăn không sao đâu, anh cứ yên tâm về chất lượng đi. Mà anh mua để nhà ăn thì em khuyên không nên mua nhé, loại này em chỉ bán cho những nhà hàng, quán cơm bụi thôi”.
Khi tôi có nhã ý lấy với số lượng lớn về làm quán cơm bụi thì người phụ nữ nói: “Nhiều người cũng lấy hàng của em lắm, giá chỉ 3 đồng/kg thôi (tức 3.000đ/ lạng, tương đương 30.000đ/ kg - PV), thích loại nào cũng có. Mà nếu anh lấy từ 30kg trở lên thì em mang tận nơi luôn, anh không phải đến đây làm gì”.
Thịt ế thì chỉ vài ba cân được bán cho khách lẻ về sử dụng, còn thịt thối, thịt lợn bệnh, lợn chết được bán nguyên tảng hoặc miếng lớn cho các quán ăn. |
Qua khảo sát chúng tôi nhận ra, ở khu chợ này thịt lợn được chia làm 2 loại gồm: Thịt ôi thiu, thịt ế và thịt lợn bị ốm, chết. Đối với thịt lợn ôi thiu, thịt ế thì thường được các thương lái bán từ buổi sáng ở các chợ trong nội thành, đến trưa không bán hết nên mang sang khu chợ này. Riêng đối với thịt lợn ốm, lợn chếtthì được một số tiểu thương chuyên thu gom lại bán với giá rẻ đến mức không tưởng.
Trao đổi với chúng tôi, một người dân sống tại đây cho biết khu chợ này đã tồn tại nhiều năm nay và chỉ hoạt động từ 12 giờ trưa đến 15 giờ chiều. Các mặt hàng ở đây đều rẻ đến mức khó tưởng đơn cử như: Thịt lợn giá từ 30 ngàn đồng/kg, thịt gà chỉ 40 ngàn đồng/kg, thậm chí loại "xấu" nhiều mỡ thì chỉ có 20 ngàn đồng, giò lụa chỉ 55 ngàn đồng/kg.
Khách hàng mua những loại thực phẩm này đều là dân lao động, công nhân và chủ nhiều quán cơm bụi tại địa bàn hoặc nội thành. Chính vì vậy dù thịt lợn ôi thiu, lợn chết, bị bệnh nhiều bao nhiêu thì đến 15 giờ chiều cũng bán gần hết. Một tiểu thương tiết lộ, nếu không bán hết họ mang về để tủ lạnh và đến trưa hay chiều mai... bán tiếp!
(Theo Tri Thức Trẻ)