9 năm làm được 30 đôi giày thủ công
Anh Lê Hoàng Trung (36 tuổi) đang sống và làm việc tại Tokyo, Nhật Bản. Chín năm trước, anh quyết định rời Việt Nam sang Nhật tìm cơ hội phát triển nghề IT. Thế nhưng, anh không thể ngờ chuyến đi này lại đưa mình đến với niềm đam mê đóng giày thủ công.
Những ngày đầu ở đất nước mặt trời mọc, anh Trung gặp nhiều khó khăn do vốn tiếng Nhật ít ỏi.
Anh Trung chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi rất căng thẳng bởi không hiểu được hết nội dung mà khách hàng nói hoặc email. Dần dần, vốn tiếng Nhật của tôi khá hơn. Tôi được cất nhắc vào các vị trí tốt hơn, công việc trôi chảy, thu nhập cũng khá tốt”.
Cũng trong khoảng thời gian này, anh được bạn giới thiệu đến đặt giày tại xưởng của một nghệ nhân đóng giày thủ công nổi tiếng. Nhìn ngắm những đôi giày thủ công tinh xảo, niềm đam mê đóng giày bespoke (dựa theo số đo và sở thích cá nhân) của chàng kỹ sư IT bắt đầu từ đó.
Để thực hiện đam mê, Anh Trung theo học cách đóng giày thủ công trực tiếp với nghệ nhân người Nhật. Anh được học tất cả các khâu trong quá trình làm giày thủ công.
“Để làm được một đôi giày bespoke đúng nghĩa, người thợ đóng giày phải thực hiện hơn 200-300 công đoạn, tuỳ độ phức tạp. Do phải trải qua nhiều công đoạn nên người thợ mất khá nhiều thời gian để hoàn thành một đôi giày thủ công tinh xảo đẹp mắt”, anh Trung chia sẻ.
Thông thường, anh cần hơn 6 tháng để làm xong một đôi giày bespoke. Hiện tại, anh đang nghiên cứu cách giảm thời gian thực hiện.
Giày bespoke có giá từ 5.000 USD đến hơn 10.000 USD một đôi, tùy theo độ công phu, tính cá nhân của từng sản phẩm.
Càng học về giày và làm giày, anh Trung càng đam mê và quyết tâm theo đuổi nghề. Sau đó, anh thành lập một thương hiệu của riêng mình chuyên làm giày bespoke thủ công truyền thống.
Giày do anh đóng được các Blog giày thế giới nổi tiếng đánh giá cao. Từ đó, anh có nhiều khách hàng liên hệ đặt làm giày thủ công.
Chín năm qua, ban ngày, anh Trung làm kỹ sư IT, căng thẳng với các thuật toán, phần mềm… Đêm về, anh lại đắm chìm trong sự sáng tạo, tỉ mỉ của công việc đóng giày thủ công.
Đóng giày vào ban đêm và cuối tuần giúp chàng kỹ sư IT cân bằng cảm xúc, giảm căng thẳng trong công việc và cuộc sống.
Đôi giày bespoke đầu tiên được anh Trung đóng cho cấp trên người Nhật. Tất cả công đoạn thực hiện đôi giày này đều làm thủ công, thậm chí cả mũ giày cũng được anh cẩn thận làm bằng tay.
Anh Trung mất hơn 1 năm mới hoàn thành đôi giày thủ công đầu tiên. Dù mất khá nhiều thời gian nhưng khi cấp trên hài lòng với sản phẩm, anh cảm thấy rất hãnh diện. Vị khách đặc biệt này còn động viên anh theo đuổi đam mê đóng giày bespoke.
Tính đến nay, anh Trung đã hoàn thành 30 đôi giày bespoke và còn rất nhiều đơn đặt hàng đang chờ anh thực hiện.
Dự định bỏ việc IT về Việt Nam làm giày
Thông thường, anh Trung mất khoảng từ 6 tháng đến 1 năm để làm xong một đôi giày bespoke. Dù phải chờ lâu nhưng các khách am hiểu về quá trình đóng giày bespoke không hề nôn nóng.
“Họ cần sự vừa vặn, mong muốn nghệ nhân thể hiện yếu tố cá nhân của họ lên sản phẩm. Họ cần một đôi giày duy nhất, chỉ mình họ sở hữu. Cho nên, họ không gấp gáp, hối thúc nghệ nhân”, anh Trung nói về khách hàng của mình.
Một số khách hàng của anh khá bận rộn nên việc gặp họ để đo chân cũng rất khó khăn. Những cái hẹn đều phải dời đổi bởi họ bận việc.
Thêm vào đó, quá trình chờ nguyên liệu cũng kéo dài thời gian hoàn thành sản phẩm. Cho nên, một số ít sản phẩm có thời gian hoàn thành rất lâu, khoảng từ 2-5 năm.
Khách hàng của anh Trung chủ yếu đến từ các nước châu Âu, đa phần rất khó tính, đòi hỏi sản phẩm có chất lượng. Chính sự khắt khe của khách hàng giúp anh ngày càng hoàn thiện các kỹ năng, nâng cao tay nghề. Anh luôn xem khách hàng là những người bạn để chia sẻ, tư vấn nhiệt tình.
Với chàng kỹ sư IT, làm được một đôi giày thủ công là chưa đủ mà sản phẩm phải đẹp tinh xảo, sáng tạo và kết hợp nhiều yếu tố. Để có được điều đó, người thợ phải có niềm đam mê đi đến cùng với nghề.
Anh học được khá nhiều từ những nghệ nhân người Nhật Bản. Thầy dạy anh rất tận tâm, tỉ mỉ từng chi tiết từ lúc anh chưa biết gì. Ngoài ra, anh cũng trau dồi được tính kỷ luật từ văn hóa Nhật thông qua việc làm giày.
Sắp tới, anh Trung dự định đào tạo thêm thành viên để làm những dòng giày Ready to wear (giày làm sẵn theo size phổ thông) hoàn toàn thủ công, còn bản thân vẫn đảm nhận làm giày bespoke.
Thậm chí, chàng kỹ sư IT đã lên kế hoạch bỏ công việc có thu nhập cao để theo đuổi đam mê đóng giày.
Anh Trung tâm sự: “Hiện tại, công việc IT là nguồn thu nhập chính của tôi. Mức lương này nhiều hơn hẳn tiền công đóng giày. Thế nhưng, tôi mong muốn gây dựng được thương hiệu giày của riêng mình trong tương lai. Vì vậy, tôi đã lên kế hoạch nghỉ việc IT, năm sau về Việt Nam tập trung phát triển nghề đóng giày thủ công”.
Để đi đến quyết định này, anh Trung đã rất đắn đo, mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên, anh nhìn thấy được tiềm năng phát triển thành một ngành công nghiệp của nghề đóng giày thủ công.
Bởi năm 2008, Nhật Bản chỉ có 3 thợ đóng giày đặt làm riêng ở Tokyo nhưng hiện tại, cả nước có khoảng hơn 100 người và 40 người trong số họ ở Tokyo.
Bên cạnh đó, khát khao truyền lại các kiến thức mà bản thân được học từ những nghệ nhân Nhật Bản luôn cho anh Trung niềm tin “còn trẻ cứ thử sức, có đam mê thì hy vọng sẽ thấy con đường”.
Ảnh: Nhân vật cung cấp