- Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm chủ đạo vẫn là tăng trưởng thấp. Nguyên nhân đã được chỉ ra là do tổng cầu yếu. Vì vậy cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp kích cầu, nhưng kích cầu như thế nào và tiền đâu để kích cầu, đến nay vẫn là câu chuyện hết sức khó khăn.
Sức mua vẫn thấp
Theo Tổng cục Thống kê, tiêu thụ hàng hóa trong nước những tháng đầu năm diễn ra khá chậm do mức cầu yếu. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn tăng 4,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,7% của cùng kỳ năm 2012.
Tham khảo chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngân hàng HSBC từ đầu năm 2013 cho thấy, tháng 1 ở mức 50,1 điểm, tháng 2 giảm còn 48,3 điểm, tháng 3 tăng lên 50,8 điểm, tháng 4 tăng nhẹ lên 51 điểm, nhưng đến tháng 5 lại giảm còn 48,8 điểm và tới tháng 6 thì giảm mạnh, còn 46,4 điểm. Chỉ số này quy định, dưới 50 điểm là biểu hiện của sản xuất đi xuống, như vậy có thể thấy hoạt động sản xuất từ đầu năm tới nay chưa ổn định, tăng yếu mà giảm thì mạnh.
Bên cạnh đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm chỉ đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 23% của cùng kỳ năm 2012.
GDP 6 tháng đầu năm 2013 tăng 4,9% là mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, như vậy có thể nói nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng yếu.
Theo các chuyên gia, khi nền kinh tế gặp vấn đề tổng cầu giảm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tăng trưởng. Vì thế, trước mắt cần nhanh chóng đẩy mạnh tín dụng để kích thích sản xuất và tăng sức mua tiêu dùng của dân cư để giảm hàng hóa tồn kho. Cụ thể Ngân hàng Nhà nước cần có các biện pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm 2013 nhằm đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Tiếp theo là đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các dự án lớn đang thiếu vốn nhằm khơi thông dòng vốn trong xây dựng cơ bản, góp phần đảm bảo mức tổng đầu tư toàn xã hội cho mục tiêu tăng trưởng; sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản (94.000 tỷ đồng ) cho các DN, đẩy nhanh tốc độ chi đầu tư ngân sách Nhà nước vào những công trình trọng điểm qui mô lớn, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013...
Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên khó thực thi. Vốn tín dụng đẩy ra thị trường đến nay vẫn thấp. Theo số liệu, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng mới đạt 4,5%. Để đạt kế hoạch 12% trong năm nay thì 6 tháng còn lại, mỗi tháng phải thực hiện hơn 1%, được cho là khăn bởi phần lớn các DN hiện đã quá yếu, không hấp thụ được vốn.
Ngân sách đang gặp khó khăn khi thu giảm, chi tăng. Từ 1/7 vừa qua, Chính phủ đã quyết định tăng lương cho những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, khiến cho bội chi 6 tháng cuối năm tăng thêm khoảng 21.000 tỷ đồng. Không những thế, thuế thu nhập cá nhân, được nâng mức thu nhập chịu thuế lên, thuế thu nhập DN nhỏ và vừa giảm, làm cho nguồn thu ngân sách mất đi một khoản đáng kể. Thu ngân sách giảm trong khi chi tăng sẽ khiến cho vốn đầu tư từ ngân sách thêm khó khăn không biết tìm kiếm nguồn nào bù đắp.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 324.420 tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán năm (cùng kỳ năm 2012 đạt 42,8%), trong khi đó tổng chi ước đạt 409.130 tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán năm. Bộ Tài chính cho biết, tình hình thu ngân sách rất khó khăn, kể cả phương án tích cực thì khả năng năm nay vẫn hụt thu 65.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
Lấy tiền đâu?
Tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn và lao động. Nếu tiếp tục giảm đầu tư thì không thể có tăng trưởng cao được. Vốn ngân sách đầu tư giảm thì phải có nguồn vốn khác bù vào, không nên để tổng vốn đầu tư hạ quá mạnh, nhưng lấy nguồn nào thì vẫn là câu hỏi.
Theo Ủy Ban giám sát Tài chính Quốc gia, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt xấp xỉ 40% kế hoạch năm. Việc cân đối vốn đầu tư cho nền kinh tế ở mức 30% GDP là một thách thức không nhỏ. Với giả định lạm phát 2013 ở mức 6,5%, tín dụng tăng 12% và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương 2012, ước tính tổng vốn đầu tư còn thiếu khoảng 50.000 - 70.000 tỷ đồng.
Một số ý kiến cho rằng để thoát khỏi tình trạng hiện nay, cần tới gói hỗ trợ từ 100.000 - 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên những ý kiến phản đối cho rằng, nếu đưa ra gói kích cầu lúc này sẽ tạo ra rủi ro cao về sự ổn định kinh tế vĩ mô. Gói kích cầu năm 2009 vẫn còn để lại dư âm không mấy tốt đẹp khi nó tạo ra sự đầu cơ mạnh trên thị trường. Mà có muốn thì cũng không biết lấy tiền ở đâu ra.
Như vậy đến nay chỉ có gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội là hiện thực, nhưng giải ngân không thể nhanh, hiện mới có 1 số rất nhỏ khách hàng và DN tiếp cận được và sẽ kéo dài khoảng 2- 3 năm vì vậy tác động của nó với 2013 sẽ không lớn.
Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 5,5%, thì 6 tháng cuối năm 2013 GDP phải đạt mức tăng 6%. Với tăng trưởng kinh tế yếu thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 vẫn là một thách thức lớn.
Trần Thủy