- Các chỉ báo kinh tế vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh của một bộ phận không nhỏ các DN niêm yết đang cho thấy tình trạng suy giảm kinh tế trở nên rõ ràng. Những gói 'giải cứu' kinh tế đã lần lượt được triển khai trên nhiều mặt: tài khóa, tiền tệ, BĐS... nhưng đã qua gần nửa năm, DN vẫn ở trong thảm cạnh ngập trong lỗ và nợ.
Lún sâu vào khó khăn
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2013 đầy thất vọng với doanh thu thuần sụt giảm xuống còn chưa đầy 40 tỷ, so với mức 147 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Phần lỗ thuộc công ty mẹ lên tới 53 tỷ đồng.
KBC được biết đến là một đại gia trong lĩnh vực BĐS công nghiệp. Tuy nhiên, sự khó khăn đã không buông tha KBC. Doanh thu của doanh nghiệp này liên tục tụt giảm trong hơn 3 năm qua, từ mức hơn 2.000 tỷ năm 2010 xuống còn 330 tỷ năm ngoái và trong quý I năm nay chỉ còn chưa đầy 40 tỷ.
Doanh thu của KBC một phần nào đó đã nói lên được sự bế tắc của hoạt động của nền kinh tế và của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lãi vay lên tới 70-80 tỷ đồng và số dư hàng tồn kho cuối quý I/2013 lên tiếp tục tăng lên tới trên 7.050 tỷ đồng (cao gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu, và bằng tới gần 75% tổng tài sản) còn cho thấy DN này đang khó khăn tới mức nào.
Một DN khác của đại gia Đặng Thành Tâm là Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng vừa công bố tài chính hợp nhất quý I/2013 cũng đầy thất vọng. Doanh nghiệp đang quản lý khu công nghiệp Tân Tạo báo lãi vỏn vẹn 2 tỷ đồng trong quý. Và điểm đáng chú ý là các khoản giảm trừ doanh thu 154 tỷ đồng, vượt quá doanh thu bán hàng nên doanh thu thuần của ITA âm 6,76 tỷ đồng.
Thực tế trong hoạt động kinh doanh ITA lỗ trước thuế gần 25 tỷ đồng nhưng nhờ thuế thu nhập hoãn lại 28,27 tỷ đồng nên công ty vẫn đạt lãi sau thuế hơn 2 tỷ đồng.
Báo cáo cùng thời điểm với KBC, ITA, nhiều doanh nghiệp khác cũng trong tình trạng khá khó khăn như: PXM thua lỗ quý thứ 4 liên tiếp; POM lỗ hơn 23 tỷ đồng hợp nhất trong quý I; MHC thoát lỗ nhờ liên doanh liên kết; Sacomreal lợi nhuận sụt giảm còn hơn 1,5 tỷ đồng…
Trước đó, khá nhiều DN đã công bố báo cáo quý I. Trong đó có một số DN bất ngờ báo cáo lãi lớn, đột phá như thuộc nhóm điện, dầu khí, ống thép, tôn… Tuy nhiên, nhìn chung khó khăn vẫn tràn ngập khắp nơi với đại đa số các DN chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh và khoảng 70 doanh nghiệp trên hai sàn báo cáo lỗ quý đầu năm cho dù đa phần các đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu trong cả năm qua, cắt giảm chi phí, giảm đầu tư dàn trải…
Một số nhóm như BĐS, vật liệu xây dựng, vận tải biển, chứng khoán… vẫn đang chứng kiến thua lỗ, nợ nần bám đuổi với nhiều trường hợp không thấy lối thoát, hầu hết đang nằm trong tình trạng cầm cự sống qua ngày.
Giải cứu mong manh, tái cơ cấu vẫn chờ đợi
Tình trạng chung của các doanh nghiệp là vậy, lao đao vì nợ nần, thua lỗ, hoạt động trầm lắng, buồn tẻ theo nhịp đập rời rạc của nền kinh tế. Tình hình kinh tế vĩ mô cũng phản ánh điều này, với nhiều dấu hiệu suy giảm rõ nét.
Nhìn nhận thực trạng nền kinh tế tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Ủy ban Kinh tế lo ngại về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế với những chỉ báo suy giảm đang rõ nét hơn.
Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp trong quý I đã là một vấn đề nổi cộm. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức rất thấp, chưa có dấu hiệu cải thiện, cùng với các số liệu tồn kho khủng, cũng như chỉ số công nghiệp tăng thấp và tổng vốn đầu tư toàn xã hội sụt giảm… góp phần cho thấy nền kinh tế đang vào vùng xoáy đáng lo ngại, khả năng tăng trưởng về dài hạn chưa đoán định được.
Điểm mà nhiều người lo ngại trong thời gian vừa qua không chỉ là số lượng doanh nghiệp ngừng sản xuất, giải thể, phá sản quá nhiều mà còn ở chỗ, liệu còn bao nhiêu doanh nghiệp đang chìm ngập trong khó khăn như các doanh nghiệp BĐS, vật liệu xây dựng, vận tải biển… nói trên? Và trong đó có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự đã chết nhưng vẫn được “cấp đông” nằm đó? Có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ trụ được tới cuối năm nay? Tỷ lệ thất nghiệp thực tế như thế nào? Liệu có ngày càng nghiêm trọng và có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân lao động hay không?
Gần đây, hiện tượng các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực trong đó có xây dựng, BĐS, vận tải biển, giao thông vận tải… nợ lương, thưởng người lao động trở nên rất phổ biến. Hiện tượng công nhân viên không có việc làm, truy lùng các ông chủ để đòi nợ không phải hiếm mà nguyên nhân có lẽ không gì khác là các doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thua lỗ, nợ nần dây dưa lẫn nhau. Doanh nghiệp nợ doanh nghiệp, nợ người lao đông; Nhà nước nợ doanh nghiệp… và ngược lại.
Nhìn chung, nền kinh tế hay đại diện là các doanh nghiệp đang gặp phải một vấn đề khá lớn là đang đối mặt với nguy cơ không thể duy trì được tăng trưởng sau một thời gian dài phát triển nóng, theo chiều rộng.
Để giải quyết tình trạng này, điều cần thiết đầu tiên có lẽ là chấp nhận sự thật và quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng như trong cộng đồng doanh nghiệp sau đó phải được triển khai mạnh mẽ. Doanh nghiệp yếu kém có thể khai tử.
Nền kinh tế sẽ phát triển trở lại nhờ vào các biện pháp thực sự khuyến khích người dân tham gia vào phát triển sản xuất kinh doanh; khuyến khích đa dạng hàng hóa xuất khẩu; khuyến khích tiêu dùng nội địa; khuyến khích cơ chế làm ăn hiệu quả, lương thưởng cao và từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Mạnh Hà