Phân tích hệ thống kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục đại học Việt Nam từ góc độ tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định cũng như quy trình và cách thức triển khai, có thể thấy rõ sự lúng túng và thiếu ổn định của hệ thống này.

{keywords}
Nhiều trường công lập tích cực tham gia KĐCL ngay từ đầu nhưng cũng có những trường không vội vàng triển khai mà chờ đợi, thăm dò diễn biến chung. Trong ảnh: Đánh giá nội bộ chất lượng cơ sở giáo dục trường Cao đẳng Công nghệ, ĐH Đà Nẵng, tháng 12/2015. Nguồn: udn.vn 

Hai cấp KĐCL

Kiểm định chất lượng có thể được triển khai ở hai cấp, cấp cơ sở đào tạo (CSĐT), hay còn gọi là cấp trường, và cấp chương trình đào tạo (CTĐT).

Ở cấp trường, nội dung đánh giá phủ rộng các mặt hoạt động của cơ sở giáo dục, tập trung nhiều vào sứ mạng, mục tiêu, chiến lược, quản trị và quản lý của CSĐT, đồng thời đánh giá các nguồn lực như cơ sở vật chất trên phạm vi toàn trường.

Ngược lại, đối với CTĐT, việc đánh giá tập trung sâu vào chương trình và quá trình giáo dục. Trong giai đoạn đầu triển khai thí điểm và khởi động hệ thống, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ yếu tập trung triển khai KĐCL cấp trường. Mặc dù đã có chủ trương KĐCL CTĐT thể hiện qua các văn bản pháp quy do Bộ GD&ĐT ban hành suốt từ những năm 2008, 2013 và 2016, KĐCL chương trình về cơ bản vẫn để trống do các trường và cơ quan KĐCL còn đang xoay sở thực hiện KĐCL cấp trường.

Để khỏa lấp khoảng trống này, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tự tham gia KĐCL quốc tế đối với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Theo quy định hiện hành về KĐCL của Bộ GD&ĐT, chu kỳ KĐCL ở Việt Nam là 5 năm; tức là cứ 5 năm, các trường phải tiến hành tự đánh giá và đăng ký KĐCL một lần. Điều này cũng có nghĩa để thực thi quy định KĐCL đối với CSĐT theo Luật Giáo dục, các cơ quan KĐCL trong hệ thống phải hoàn thành KĐCL toàn bộ gần 450 trường trong vòng 5 năm. Chưa kể các nhiệm vụ khác như KĐCL CTĐT và đánh giá phục vụ phân tầng và xếp hạng, nhiệm vụ này là gánh nặng quá lớn đối với bốn trung tâm KĐCL hiện tại.

Nguyên tắc và quy trình KĐCL - một cái nhìn so sánh

Nguyên tắc ‘Độc lập’

Độc lập là nguyên tắc căn bản nhất trong KĐCL trên thế giới, được hiểu là hoạt động kiểm định - gồm toàn bộ quá trình đánh giá, ra quyết định điều chỉnh đối với CSĐT hoặc CTĐT - là khách quan, không thiên vị, không chịu tác động hay ảnh hưởng, dù về chính trị hay tài chính, của các bên liên quan bao gồm Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, các CSĐT hay các đối tượng tham gia vào quá trình này.

Thực tế triển khai KĐCL trên thế giới cho thấy nguyên tắc này có thể được đảm bảo bằng nhiều cơ chế khác nhau chứ không phụ thuộc vào việc tổ chức KĐCL là cơ quan nhà nước hay do Chính phủ thành lập hay không.

Chẳng hạn, hơn 60 cơ quan KĐCL CSĐT và CTĐT theo chuyên ngành của Mỹ hoạt động độc lập hoàn toàn, kể cả về hình thức tổ chức, với Chính phủ và Bộ Giáo dục Mỹ. Các cơ quan này chủ yếu là các tổ chức hiệp hội, ví dụ Hiệp hội các trường ĐH&CĐ khu vực Bắc Mỹ, hoặc là các tổ chức nghề nghiệp, được Hội đồng KĐCL giáo dục đại học Mỹ (CHEA) giám sát và công nhận. Chính phủ Mỹ không trực tiếp tham gia hay can thiệp vào toàn bộ quá trình này mà quản lý chất lượng giáo dục đại học thông qua NACIQI, một ủy ban tư vấn độc lập về việc sử dụng KĐCL và kết quả KĐCL như thế nào, và CHEA. Như vậy, toàn bộ quy trình KĐCL của Mỹ được thực hiện hoàn toàn độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, TEQSA, cơ quan KĐCL của Australia, mặc dù được thành lập theo Điều luật TEQSA 2011 của Chính phủ Australia, Chủ tịch và các Ủy viên của TEQSA đều do Chính phủ bổ nhiệm nhưng vẫn đảm bảo được nguyên tắc ‘độc lập’ thông qua các quy định: (1) Bộ chủ quản không được phép đưa ra chỉ đạo đối với hoặc liên đới tới một trường ĐH&CĐ cụ thể nào; (2) TEQSA không chịu chỉ đạo của ai trong việc thực hiện chức năng và thực thi quyền hành, ngoại trừ chỉ đạo của Bộ chủ quản trong trường hợp nhằm đảm bảo tính liêm chính trong giáo dục đại học (Điều 135-136, Mục 2, Chương 8, TEQSA 2011).

Trong hệ thống KĐCL của Việt Nam, các trung tâm KĐCL được gọi là các trung tâm độc lập nhưng toàn bộ các tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá, cũng như quy trình KĐCL là do Bộ GD&ĐT quy định. Theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT quy định về KĐCL cơ sở giáo dục đại học ban hành hồi tháng Năm mới đây, các trường phải gửi báo cáo tự đánh giá và báo cáo rà soát giữa kỳ cho Bộ GD&ĐT. Việc cấp chứng chỉ hành nghề kiểm định viên cũng là do Bộ GD&ĐT thực hiện. Sự can thiệp khá sâu của Bộ vào quá trình kiểm định cộng với việc các trung tâm KĐCL nằm trong các đại học quốc gia và đại học vùng, đặt ra dấu hỏi lớn về tính độc lập của các trung tâm KĐCL và liệu nguyên tắc độc lập của hệ thống có thể đạt được bằng cách nào.

Nguyên tắc ‘Bắt buộc’

Hệ thống KĐCL ở các nước trên thế giới đều hướng tới ràng buộc các trường trong hệ thống tham gia KĐCL nhưng bằng hai tiếp cận khác nhau, bắt buộc hoặc tự nguyện.

Ở Mỹ, nơi sinh ra KĐCL, các trường ĐH&CĐ không bắt buộc phải tham gia KĐCL, nhưng kết quả KĐCL lại được ràng buộc với việc cấp ngân sách liên bang theo đầu sinh viên. Còn ở các nước khác như Hà Lan, Australia và nhiều nước Tây Âu, KĐCL là bắt buộc.

Ở Việt Nam, KĐCL cũng là bắt buộc theo Luật Giáo dục. Thông tư 12/2017 ràng buộc KĐCL với các điều kiện tự chủ cho các trường. Thế nhưng, trên thực tế, nguyên tắc ‘bắt buộc’ về cơ bản chưa được thực hiện, đồng nghĩa với việc Luật chưa được thực thi, do những chậm trễ và non yếu trong triển khai hệ thống và cung cấp dịch vụ KĐCL.1

Nguyên tắc 'Liên tục cải tiến'

Tất cả các hệ thống KĐCL trên thế giới đều nhấn mạnh nguyên lý ‘cải tiến liên tục’, thể hiện qua việc triển khai những khuyến nghị cải tiến trong các báo cáo đánh giá ngoài. Ở Australia, TEQSA soạn thảo và xuất bản báo cáo hằng năm về kết quả KĐCL trong toàn hệ thống nhằm tổng kết và phân tích hoạt động và thực hành của các trường ĐH&CĐ, rút ra các quy tắc thực hành tốt (good practices), giới thiệu và đề xuất áp dụng những quy tắc này, qua đó khuyến khích các trường vượt ra ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn sàn trong bộ tiêu chuẩn KĐCL và thúc đẩy quá trình cải tiến chất lượng không ngừng trong hệ thống GDĐH.

Ở Việt Nam, trong Thông tư 12/2017, lần đầu tiên bộ tiêu chuẩn KĐCL mới nhất đã đưa ra tiêu chuẩn riêng về nâng cao chất lượng nhiều mặt của các cơ sở giáo dục, trong đó có đào tạo, nghiên cứu và quản trị (Tiêu chuẩn 12). Thay đổi này chắc chắn sẽ tác động đến ý thức cải tiến chất lượng ở các trường nhưng kết quả ra sao, có lẽ còn phải chờ hành động thực tế của các trường sau khi hoàn thành KĐCL theo bộ tiêu chuẩn mới.

Quy trình KĐCL

Quy trình KĐCL ở Mỹ cũng như ở các nước du nhập hệ thống này trải qua những bước căn bản sau: Đăng ký KĐCL - Tự đánh giá - Đánh giá ngoài - Thẩm định kết quả đánh giá - Ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (xem Bảng 1), với các bên tham gia bao gồm cơ sở giáo dục đại học và cơ quan KĐCL. Các khâu trong quy trình nói trên tạo ra hai sản phẩm quan trọng và đồ sộ là báo cáo tự đánh giá và báo cáo đánh giá ngoài.

Theo quy định mới nhất của Bộ GD&ĐT, quy trình KĐCL của Việt Nam cũng gồm các bước cơ bản như vậy nhưng trong quá trình thực hiện, ngoài CSĐT, cơ quan KĐCL, còn có sự liên quan trực tiếp của Bộ GD&ĐT.

Sự khác biệt này gây ra vấn đề về tính 'độc lập' như đã được nhắc tới ở trên. Một vấn đề lớn mà hệ thống KĐCL gặp phải ở các nước là sự cồng kềnh của toàn bộ quá trình đánh giá (giấy tờ, quy trình, thủ tục…). Để giải quyết vấn đề này, hệ thống KĐCL của Australia đã có cải tiến quan trọng là xóa bỏ khâu tự đánh giá và viết báo cáo tự đánh giá trong quy trình, theo đó, các trường chỉ phải tập hợp minh chứng gửi cho TEQSA, nhờ vậy khối lượng công việc các trường phải hoàn thành giảm đi đáng kể. Đây là một gợi ý cho KĐCL của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta có tới gần 450 trường trong phạm vi KĐCL, chưa kể hàng ngàn CTĐT cấp bằng, mà chỉ có bốn trung tâm KĐCL.

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ nhiều nguồn

1 Gồm các trường đại học và cao đẳng có cấp bằng nằm trong nhóm mục IV thuộc Luật Giáo dục Đại học Mỹ năm 1965, thuộc phạm vi điều chỉnh của chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên của Chính phủ Liên bang Mỹ.
2 Gồm 40 trường công lập, 2 trường quốc tế và 1 trường tư; có một số ít trường cao đẳng được cấp bằng và thuộc phạm vi KĐCL.
3 Gồm 18 trường ĐH nghiên cứu và 42 trường ĐH ứng dụng.
4 Bao gồm 60 cơ quan KĐCL được CHEA công nhận, kể cả 6 tổ chức KĐCL vùng, và một số cơ quan KĐCL được Bộ GD Mỹ (USDE) công nhận. Có những tổ chức KĐCL giả, không được CHEA hay USDE công nhận.
5 Thành lập năm 2002. Hiện nay Chính quyền Flanders (vùng đất nói tiếng Hà Lan thuộc Bỉ) đã xây dựng hệ thống KĐCL riêng.
6Hệ thống KĐCL của Hà Lan được điều chỉnh năm 2011, theo đó KĐCL trường, được triển khai từ 2002, đã được xoá bỏ, thay vào đó là thẩm định chất lượng. Hệ thống KĐCL chỉ còn triển khai KĐCL CTĐT

Đánh giá trong KĐCL từ góc độ tiêu chuẩn, tiêu chí

Năm 2005 khi triển khai thí điểm đợt 1 KĐCL với 20 trường đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã phát triển bộ tiêu chuẩn KĐCL đánh giá CSĐT gồm 10 tiêu chuẩn2 với 53 tiêu chí. Sau thí điểm, bộ tiêu chuẩn được chỉnh sửa thành 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí.

Theo Thông tư 12/2017 mới đây, bộ tiêu chuẩn KĐCL tiếp tục được sửa đổi đáng kể thành 25 tiêu chuẩn3 với 111 tiêu chí. Có thể nói bộ tiêu chuẩn mới này là 'bản dịch' của Bộ tiêu chuẩn đánh giá CSĐT của AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance, tức hệ thống KĐCL giáo dục đại học của khu vực Đông-Nam Á), kể cả thang điểm đánh giá theo 7 mức. Việc sao chép nguyên văn bộ tiêu chuẩn của khu vực để đưa vào áp dụng trong hệ thống KĐCL của Việt Nam liệu có phù hợp không – đây là câu hỏi lớn cần thời gian đánh giá, nghiên cứu mới có thể đưa ra câu trả lời xác đáng. Nhưng một điều có thể thấy ngay là có những tiêu chuẩn, như tiêu chuẩn 25 về 'Kết quả tài chính và thị trường', bao gồm hai tiêu chí yêu cầu trường phải xác lập 'chỉ số tài chính' và 'chỉ số thị trường' của các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, khá xa lạ với bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam. Hơn nữa, khi bộ tiêu chuẩn KĐCL quốc gia giống hệt với bộ tiêu chuẩn KĐCL AUN-QA thì liệu những trường đạt KĐCL của Bộ có được coi là đạt KĐCL AUN-QA không? Nếu có, kết quả có được AUN-QA công nhận để trường đỡ tốn kém triển khai KĐCL AUN-QA? Đây là những câu hỏi cần được giải đáp.

Lúng túng và thiếu ổn định

Kể từ khi KĐCL mới được bắt đầu thí điểm rồi trở thành yêu cầu bắt buộc, một hệ thống các văn bản pháp quy dày đặc điều chỉnh các hoạt động KĐCL trong giáo dục đại học đã được ban hành liên tiếp vào các năm 2007 (65/2007/QĐ-BGDĐT), 2008 (29/2008/QĐ-BGDĐT), 2012 (37/12/TT-BGDĐT; 60&61& 62/2012/TT-BGDĐT), 2013 (18/2013/TT-BGDĐT; 38/2013/ TT-BGDĐT), 2016 (04/2016/TT-BGDĐT), 2017 (12/2017/TT-BGDĐT).

Trong khi hệ thống KĐCL giáo dục đại học trên thực tế chưa vận hành đầy đủ và các trường chưa trải qua một lượt KĐCL, kể cả ở cấp CSĐT và CTĐT, thì những quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, chu kỳ… đã lại bị thay đổi và bổ sung liên tục, dẫn đến sự mất ổn định của hệ thống KĐCL. Sự mất ổn định này sẽ còn tiếp diễn ít nhất tới ngày 30/06/2018 khi thời hạn hoàn thành KĐCL theo bộ tiêu chuẩn cũ kết thúc. Cần lưu ý rằng, ở nhiều nước, những thay đổi căn bản về quy trình và bộ tiêu chuẩn thường được đưa ra sau khi có đánh giá, rà soát tối thiểu 1-2 chu kỳ KĐCL của các trường, tức là sau khoảng 10 năm.

Trước những quy định, yêu cầu của Bộ GD&ĐT với các CSĐT đại học về công tác đảm bảo chất lượng nói chung và KĐCL nói riêng, phản ứng thông thường của các trường trong một hệ thống quản lý mang tính tập trung hóa cao như Việt Nam là tuân thủ. Tuy nhiên, sau bước tìm hiểu và triển khai thụ động, một số trường đã có ý thức tạo ra những hạt nhân nhân sự KĐCL, như hai Đại học Quốc gia đã nhanh chóng tích cực đầu tư và xây dựng hệ thống KĐCL riêng, với bộ tiêu chuẩn riêng để KĐCL các trường thành viên và chương trình của mình. Có thể nói, việc hai Đại học Quốc gia xây dựng lực lượng triển khai công tác KĐCL, dù còn rất mỏng, đã đóng góp đáng kể cho việc phát triển hệ thống KĐCL của Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số trường công lập khác cũng tích cực tham gia KĐCL ngay từ đầu, như 40 trường tình nguyện tham gia chương trình KĐCL thí điểm giai đoạn 2005-2009. Ngược lại, một số trường không vội vàng triển khai mà chờ đợi, thăm dò diễn biến chung bởi họ cho rằng, tham gia KĐCL chưa thấy lợi ích đâu mà đã thấy nhiều vấn đề trước mắt như tốn kém thời gian và tiền bạc, lại đòi hỏi hiểu biết kỹ thuật đánh giá. KĐCL buộc các trường phải thống kê và công bố nhiều thông tin về các hoạt động của mình cho bên ngoài đánh giá, dẫn đến sự e ngại từ phía lãnh đạo nhà trường về kết quả đánh giá và ảnh hưởng của nó tới uy tín cá nhân lãnh đạo. Trong khi đó, nếu không (chưa) tham gia KĐCL thì trường vẫn được hoạt động, được tuyển sinh và cấp bằng bình thường. Ở những nước coi KĐCL là bắt buộc, những CSĐT/CTĐT chưa được KĐCL sẽ không được phép cấp bằng, dù có thể vẫn được phép đào tạo.

Mặt khác, sự chậm trễ và thiếu ổn định trong triển khai hệ thống KĐCL đã gây ra sự thất vọng cho không ít trường, đặc biệt là các trường tích cực, hăng hái tham KĐCL ngay từ giai đoạn đầu. Đối với 40 trường đã được đánh giá ngoài trong giai đoạn 2005-2009, kết quả KĐCL không được công bố. Còn với nhóm trường hăng hái tham gia tiếp theo, đã triển khai tự đánh giá và hoàn thành báo cáo tự đánh giá thì không được đánh giá ngoài trong suốt thời gian từ 2009 đến 2015, đồng nghĩa với việc không được KĐCL. Từ khi các trung tâm KĐCL hoạt động đến nay mới được hơn một năm thì bộ tiêu chuẩn KĐCL đã lại bị thay đổi. Có những trường đã chuẩn bị đánh giá theo bộ tiêu chuẩn cũ mà chưa kịp đăng ký KĐCL trước ngày 4/7/2017 khi Thông tư 12/2017 bắt đầu có hiệu lực, thì đều phải chuyển sang bộ tiêu chuẩn mới.

Việc thay đổi nhiều nội dung trong bộ tiêu chuẩn KĐCL mới dẫn tới việc phải tập huấn lại cho toàn bộ cán bộ ĐBCL và cán bộ tham gia tự đánh giá cấp trường. Hơn nữa, rõ ràng là đánh giá theo bộ tiêu chuẩn cũ với 61 tiêu chí chắc chắn sẽ dễ đạt chuẩn hơn so với bộ tiêu chuẩn mới tăng thêm tới 50 tiêu chí, tức là thêm 50 yêu cầu. Sự xáo trộn này hiển nhiên tác động không nhỏ tới kế hoạch hoạt động cũng như chiến lược của nhiều trường.

Theo TS Đỗ Thị Ngọc Quyên/Tia Sáng

Kỳ cuối: Một số gợi ý/đề xuất về định hướng triển khai KĐCL

***********

2 Bao gồm: (1) Sứ mạng và mục tiêu của nhà trường; (2) Tổ chức và quản lý; (3) Chương trình đào tạo; (4) Hoạt động đào tạo; (5) Đội ngũ giảng viên, nhân viên và cán bộ quản lý; (6) Người học; (7) Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; (8) Hợp tác quốc tế; (9) Thư viện, và trang thiết bị; và (10) Tài chính và quản lý tài chính.
3 Bao gồm: (1) Tầm nhìn, sứ mạng, và văn hoá; (2) Quản trị; (3) Lãnh đạo và Quản vụ cộng đồng; (6) Quản lý nguồn nhân lực; (7) Quản lý tài chính và cơ sở vật chất; (8) Các mạng lưới và quan hệ đối ngoại; (9) Hệ thống ĐBCL bên trong; (10) Tự đánh giá và đánh giá ngoài; (11) Hệ thống thông tin ĐBCL bên trong; (12) Nâng cao chất lượng; (13) Tuyển sinh và nhập học; (14) Thiết kế và rà soát chương trình dạy học; (15) Giảng dạy và học tập; (16) Đánh giá người học; (17) Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ người học; (18) Quản lý nghiên cứu khoa học; (19) Quản lý tài sản trí tuệ; (20) Hợp tác và đối tác nghiên cứu khoa học; (21) Kết nối và phục vụ cộng đồng; (22) Kết quả đào tạo; (23) Kết quả nghiên cứu khoa học; (24) Kết quả phục vụ cộng đồng; và (25) Kết quả tài chính và thị trường.