- “Các công cụ pháp lý của chúng ta đang đặt phim VN vào thế chịu thiệt so với phim nhập ngoại”, đạo diễn Phan Đăng Di.

Các tin liên quan

Chợ Lớn không thể có bụi đời?

Bi kịch của "sao" Việt trượt dốc quá sớm

{keywords}
Đạo diễn Phan Đăng Di.

Anh nhận thấy rắc rối gần đây của đồng nghiệp Charlie Nguyễn và phim “Bụi đời Chợ Lớn” có điểm gì chung và khác biệt so với câu chuyện từng xảy ra cho anh và phim “Bi, đừng sợ” ở Hội đồng duyệt phim Quốc gia?

Tôi không nói về khác biệt, vì tôi cũng chưa được xem phim của anh Charlie Nguyễn hay biết rõ những thông tin xung quanh rắc rối phim anh gặp phải với Hội đồng duyệt phim quốc gia. Nhưng từ góc độ của một người làm nghề, tôi tin rằng bất kì người làm phim nào cũng sẽ rất buồn và căng thẳng khi bộ phim mình làm ra không được đến với khán giả, hoặc đến được nhưng trong một hình hài đã phải cắt gọt.

Buồn hơn nữa là, có thể, sau những căng thẳng ấy, người làm phim dù vô thức hay chủ động, sẽ hình thành trong tâm thức mình một cơ chế tự kiểm duyệt với tác phẩm tiếp theo của họ, đó là điều hoàn toàn không tốt cho sáng tạo, cho nghệ sĩ và dĩ nhiên cho cả công chúng.

Thông điệp nội dung và hiệu quả nghệ thuật, mà phim ảnh tác động lên người xem, quả thật là hai yếu tố rất khó định lượng, mơ hồ và tùy biến. Từ góc độ người làm phim, theo anh, phương pháp kỹ thuật nào có thể được áp dụng để xác định một bộ phim là vi phạm pháp luật về điện ảnh, từ đó ban lệnh cấm chiếu hay cắt duyệt?

Tác động của điện ảnh lên người xem là một tác động trực tiếp, và thường là mạnh. Nhận thấy điều này, nhiều quốc gia ngay từ rất sớm đã ban hành các quy định cấm trong điện ảnh. Có một quy định, nếu tôi nhớ không nhầm, hình như do người Mỹ nghĩ ra, là hôn nhau trên màn ảnh thì không được quá 3 giây, và giới làm phim rồi cũng vượt qua bằng cách cho diễn viên hôn khoảng 2,5 giây một lần thôi, nhưng hôn làm nhiều lần…

Những quy định buồn cười như vậy đã từng nhan nhản trong luật Điện ảnh khắp nơi trên thế giới, nhưng nay thì tại các nước văn minh, người ta đã bỏ hết rồi. Ở các nước này,  không có phim nào được làm ra  phải bị cắt gọt hay cấm chiếu cả, ngay cả khi nó bị cho là phân biệt chủng tộc, phỉ báng tôn giáo…bởi hành động như vậy được xem là vi phạm quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp của họ. Họ giải quyết chuyện này bằng cách phân loại phim theo độ tuổi, kèm lời cảnh báo về nội dung có thể gây ảnh hưởng lên người xem.

{keywords}
“Bụi đời Chợ Lớn”, bộ phim mới nhất bị yêu cầu phải cắt bớt số cảnh bạo lực.

Hiện hệ thống duyệt phim ở nước ta chỉ có hai mức là cấm người dưới 16 tuổi và cấm chiếu. Hệ thống này có phân loại được hết các thể loại, nội dung phim ảnh không? Các nước trên thế giới xây dựng hệ thống này ra sao? 

Tùy vào mỗi nước người ta đều có cách phân loại riêng, thông thường có các mức phân loại 13, 16, 18, nhưng dù là cách phân loại nào thì cũng không thể bao trùm hết được các thể loại, nội dung phim ảnh và một nguyên tắc tối cao mà các nước văn minh áp dụng là sau 18 tuổi thì việc anh xem phim gì là việc của anh, anh đã bình đẳng như tôi trong việc chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật, lúc này thì tôi không có quyền hay nghĩa vụ quyết định thay cho anh được nữa. 

Để tránh ý chí chủ quan và có tiếng nói đa chiều, hội đồng phân loại phim ảnh của các nước thường có sự tham gia của đại diện các tổ chức dân sự như hội phụ huynh, hội giáo viên…Nhà sản xuất phim hoàn toàn có thể khiếu nại quyết định áp nhãn phân loại của hội đồng, và hai bên đưa ra các bằng chứng thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình. 

Một hội đồng thẩm định nghệ thuật và duyệt phim được vận hành bởi con người chắc chắn sẽ không tránh được yếu tố chủ quan, hoặc thậm chí lạm quyền. Vậy cơ chế nào để giám sát quyền lực của hội đồng, thưa anh?

Trong điều kiện chưa áp dụng được nguyên tắc: Không cấm hay yêu cầu cắt gọt phim, chỉ hạn chế độ tuổi như một số nước đã làm, thì cơ chế hay nhất là khi một phim bị dừng chiếu hay yêu cầu sửa chữa, nên có sự đối thoại rõ ràng giữa cơ quan chịu trách nhiệm kiểm duyệt và người làm phim hoặc nhà phát hành phim đó. Nếu vẫn không tìm được sự đồng thuận thì có thể phân xử bằng một bên thứ 3, có vai trò giống như ban hội thẩm nhân dân hay bồi thẩm đoàn bên tòa án, và ý kiến của họ sẽ là ý kiến cuối cùng về bộ phim. 

{keywords}
“Hunger Games” bị cấm chiếu ở rạp VN nhưng người xem có thể dễ dàng được xem nhờ các bản sao chép lậu.

Thị trường chiếu bóng bùng nổ những năm qua đã mang lại cho màn ảnh Việt sự đa dạng của những bộ phim thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau. Theo anh, Hội đồng duyệt phim nên dùng công cụ luật pháp để cắt gọt, kiểm duyệt, làm chúng vừa vặn với nền văn hóa địa phương như lâu nay. Hay là giữ nguyên bản gốc và phân loại khán giả được phép xem nhằm tôn trọng sự đa dạng văn hóa?

Nếu chúng ta muốn điện ảnh Việt Nam thực sự hòa nhập với thế giới, khán giả Việt nam được chia sẻ  những giá trị chung với  nhân loại thì chúng ta tuyệt đối không nên dùng công cụ pháp luật để cắt gọt hay kiểm duyệt. Ngăn chặn những tác động có thể ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ thì có thể áp dụng cách phân như một số nước đã làm thành công.

Hơn nữa, cùng với mạng internet, và thực trạng băng đĩa lậu tràn lan ở Việt Nam thì một quyết định cấm hay cắt gọt phim từ Hội đồng chủ yếu chỉ có tác động tiêu cực đối với các nhà làm phim và đạo diễn trong nước, còn phim nước ngoài thì bị tác động rất ít. Chẳng hạn như phim “Hunger Games” bị cấm chiếu ở rạp nhưng lại được bán công khai ở bất kì hàng băng đĩa nào và cũng dễ dàng tải về từ internet… Nếu xét trong một tương quan như vậy, thì rõ ràng các công cụ pháp lý của chúng ta đang đặt phim VN vào thế chịu thiệt so với phim ngoại nhập.


Xung quanh sự kiện bộ phim hành động “Bụi đời Chợ Lớn” dời lịch chiếu vì bị cắt duyệt một số cảnh hành động, diễn viên Johnny Trí Nguyễn vừa chia sẻ trên trang facebook của anh: “Có những bạn hỏi tại sao không đem phim bán cho nước ngoài. Luật điện ảnh nước ta không cho phép phổ biến phim khi chưa được duyệt. Nghiêm túc tuân thủ luật này, anh em đang tích cực hoàn chỉnh phim “Bụi đời Chợ Lớn” để có thể sớm trình thẩm định lại, vì đây là cơ hội vàng cuối cùng... Nhà phân phối điện ảnh XYZ films (Bắc Mỹ) cùng Quickfire Films (Châu Âu) đã đưa ra một hợp đồng mua bản quyền phân phối bộ phim trên toàn cầu cực kỳ hấp dẫn. Họ đang rất hào hứng với phim mình và đã hứa hẹn với đối tác của họ là sẽ trình làng một bộ phim mà họ gọi là "rất đặc biệt" ở sự kiện điện ảnh đình đám nhất thế giới, liên hoan phim Cannes. Thế nhưng anh em làm phim “Bụi đời Chợ Lớn” đang phải nhìn cơ hội này dần dần trôi qua…”.

Minh Chánh thực hiện