Trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, một số chỉ tiêu về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học được nêu rõ. Theo đó, tất cả trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% trường học ở khu vực nông thôn xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm.
Thực tế, sau một số vụ việc ngộ độc thực phẩm tại trường học xảy ra, phát hiện một số khâu trong quy trình "từ trang trại đến bàn ăn" chưa được kiểm soát chặt, gây nên ngộ độc thực phẩm cho học sinh, giáo viên, thậm chí có trường hợp tử vong, điều này khiến nhiều người lo lắng.
Ngày 9/5, 267 trẻ ở Trường mầm non Thuận Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An ăn bữa xế với món sữa chua, đến đêm 76 em bị đau bụng, nôn, được phụ huynh đưa đi cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là ngộ độc thực phẩm từ sữa chua do các cô nuôi của trường tự ủ từ sữa chua và sữa đặc còn hạn sử dụng.
Trước đó, sự việc 650 học sinh trường Ischool Nha Trang ở Khánh Hòa bị ngộ độc sau bữa ăn trưa tại trường, một em tử vong cũng khiến nhiều người lo lắng. Trong vụ việc này, món cánh gà chiên và nước mắm nhiễm khuẩn được cho là nguyên nhân gây ra.
Tại Hà Nội, hiện có hơn 4.600 bếp ăn tập thể trường học và căng tin trường học. Các hình thức nhà trường đang triển khai gồm tự tổ chức nấu, liên kết ký hợp đồng với nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn (trung bình khoảng 500 suất/ngày/trường). Nhiều trường học ở Hà Nội thành lập Ban giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, thành lập tổ giám sát nguồn thực phẩm cung ứng cho bếp ăn gồm đại diện ban phụ huynh, hiệu trưởng, giáo viên.
Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nhìn chung, các doanh nghiệp đã có ý thức và quan tâm hơn đến bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở tại bếp ăn, còn truy xuất nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm đưa vào các bếp ăn.
Kiểm soát an toàn không dừng lại ở truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Không chỉ truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho rằng, câu chuyện vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn trường học là cả quy trình từ ngoài đồng ruộng cho đến bàn ăn của học sinh. Tất cả các khâu, quy trình đều phải được kiểm soát chặt chẽ. Bởi, chỉ cần sai sót ở một khâu nào đó sẽ gây mất an toàn thực phẩm.
“Nếu kiểm soát được nguồn thực phẩm tốt, nhưng khâu chế biến, hoặc bảo quản không bảo đảm vệ sinh cũng khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn. Ngay cả khâu bảo quản thực phẩm sau khi nấu xong, từ nhiệt độ đến vận chuyển tới trường thế nào… cũng là vấn đề không nhỏ”, Tiến sĩ Sơn nói.
Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt tất cả các khâu, Tiến sĩ Sơn cho rằng nhà trường cần thành lập các ban kiểm tra việc tiếp nhận thực phẩm, có sự góp mặt của ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh để kiểm tra về số lượng, chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, nhãn mác.
Ngoài ra, nhà trường cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm với người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm, cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến, nguồn nước… Nhân viên y tế nhà trường cũng phải thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm hằng ngày tại các bếp ăn tập thể, xét nghiệm chuyên sâu định kỳ, phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm.