Dựa trên số liệu của những nghiên cứu mới có hơn 100.000 trên toàn thế giới  tham gia, các nhà khoa học thế giới tuyên bố việc đo lường trí thông minh, trong số đó có kiểm tra chỉ số IQ là hoàn toàn không có ý nghĩa, vì thực ra một trí thông minh cụ thể sẵn có không hề tồn tại.

Lịch sử của chỉ số thông minh IQ bắt đầu từ năm 1904, khi nhà tâm lý học người Anh Charles Spearman khẳng định là khả năng giải một số bài toán các loại có mối liên hệ với nhau.

Các bài kiểm tra IQ không phản ánh hết được trí thông minh.

Theo ông việc giải được những bài toán thông minh sẽ đáp ứng được một trong những yếu tố tổng quát gọi là yếu tố g (general). Tiếp nhận nguyên lý do Spearman đưa ra, các nhà tâm lý học đã soạn ra hàng loạt những câu hỏi trắc nghiệm chỉ số thông minh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự liên quan giữa chỉ số IQ và sự di truyền, yếu tố kinh tế-xã hội và giới tính.

Ông Adrian Owen, một trong những nhà tổ chức nghiên cứu cho biết là các nhà khoa học đều hết sức ngạc nhiên về kết quả cũng như về sự quan tâm của mọi người đến đề tài này.

Các nghiên cứu được thực hiện qua mạng (online), bao gồm 12 trắc nghiệm về tư duy, trí nhớ và những khả năng tập trung sự chú ý của người tham gia sống ở khắp nơi trên thế giới, có bổ sung thêm vài câu về cách sống và gia đình của họ để tham khảo.

Lúc đầu, những người tổ chức nghĩ rằng chỉ một số người thường xuyên sử dụng Internet quan tâm, không ngờ số người tự nguyện tham gia lên tới hàng chục nghìn người với tôn giáo, trình độ văn hoá và lứa tuổi khác nhau.

Khi nghiên cứu kết quả trắc nghiệm, các nhà khoa học đi đến kết luận rằng có 3 yếu tố làm thay đổi sự đánh giá, đó là tư duy, trí nhớ ngắn hạn và khả năng phát biểu. Tuy nhiên không có một hợp phần chung nào có thể giải thích hết mọi điều.

Ngoài ra những kết quả nghiên cứu cộng hưởng từ cũng khẳng định sơ đồ bộ não xác định sự khác biệt khá nhiều trong bản đồ nhận thức của những người tình nguyện. Những người được coi là có chỉ số IQ giống nhau không có điểm chung nào trên các hình ảnh này.

Trên cơ sở đó các chuyên gia đã kết luận không hề có khái niệm “trí thông minh” như một thực thể duy nhất, không hề tồn tại các loại khả năng khác nhau, tác động độc lập đối với nhau và tổng hợp lại hình thành nên một bức tranh chung.

Như vậy các trắc nghiệm IQ là không đúng vì những trắc nghiệm đó không thể phản ánh một bức tranh chân thực.

Ngoài ra các nhà khoa học cũng đề cập đến sự phụ thuộc khả năng nhận thức của con người vào tuổi tác, khuynh hướng nghiện thuôc lá, chơi games và những thói quen khác. Về lứa tuổi thì không có phát hiện nào đáng ngạc nhiên vì từ lâu ai cung biết rằng tuổi tác bao giờ cũng kèm theo sự suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy.

Dường như những người thường xuyên chơi games trên máy tính đều có trí nhớ ngắn hạn rất tốt, ngược lại những người nghiện thuốc lá thường cho kết quả kém, vừa về trí nhớ ngắn hạn vừa về cả yêu tố diễn đạt bằng lời. Ở những người trong tâm trạng bất an trí nhớ ngắn hạn cũng không bình thường.

Bảo Châu