Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 tại các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang, sáng 15/11, Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo do ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất làm Trưởng đoàn đã đến làm việc tại huyện Sơn Dương và Chiêm Hóa. 

Đoàn kiểm tra đã chia thành các tổ kiểm tra thực tế cơ sở vật chất các trường học, các nhà văn hóa và thăm một số mô hình kinh tế tại các xã Cấp Tiến, Quyết Thắng, huyện Sơn Dương.

img 20230406 124218.jpg
Năm 2023, huyện Sơn Dương phấn đấu 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đầu năm 2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã có Quyết định số 150/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu đến năm 2025, huyện Sơn Dương có 100% số xã (30/30 xã) đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ mà toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương đã và đang tích cực triển khai thực hiện.

Theo đó, huyện sẽ củng cố nâng cao tiêu chí các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (13 xã); Xây dựng thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Ninh Lai, Hồng Lạc (năm 2023); hoàn thành xây dựng xã Sơn Nam đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024.

Năm 2023 phấn đấu 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Phú Lương, Tam Đa, Phúc Ứng, Kháng Nhật, Văn Phú. Năm 2024 phấn đấu có 6 xã đạt  chuẩn nông thôn mới là Quyết  Thắng, Đông Lợi, Đông Thọ, Vân Sơn, Hợp Hòa, Minh Thanh. Năm 2025 phấn đấu thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Bình Yên, Lương Thiện, Trung Yên, Đồng Quý, Chi Thiết, Tân Thanh. Xây dựng và  phát triển thị trấn Sơn Dương đạt tiêu chí đô thị văn minh.

Cũng trong năm 2023, hoàn thành chỉ tiêu số 7 thuộc Tiêu chí số 1 về quy hoạch đô thị, chỉ tiêu số 1 thuộc Tiêu chí số 8 về giáo dục, y tế đô thị. Năm 2024 hoàn thành chỉ tiêu số 3 thuộc Tiêu chí số 1 về quy hoạch đô thị, chỉ tiêu số 2 thuộc Tiêu chí số 3 về môi trường và an toàn thực phẩm đô thị. Năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu số 1, số 3 thuộc Tiêu chí số 2 về giao thông đô thị.

Cùng ngày, Đoàn đã có tổ kiểm tra đến các xã Yên Nguyên, Kim Bình thuộc huyện Chiêm Hóa làm việc. Năm 2023, huyện Chiêm Hoá có 18 xã được phê duyệt kinh phí thuộc nguồn vốn sự nghiệp nông thôn mới thực hiện điều chỉnh quy hoạch; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện xây dựng, nâng cấp 78,072 km đường giao thông.

Thực hiện kiên cố hóa 9,053 km kênh mương theo Nghị quyết 09/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa tại các xã mục tiêu năm 2023 tại các xã Ngọc Hội, Yên Nguyên, Vinh Quang.

Hỗ trợ thực hiện xóa 137 nhà tạm, dột nát; sửa chữa, nâng cấp 310 nhà ở đạt chuẩn. Xây dựng, nâng cấp 709 nhà tiêu, 981 nhà tắm, 308 hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Xây dựng 01 nghĩa trang theo quy hoạch; xây dựng 01 điểm tập kết rác thải, mua xe chở rác… Tổng kế hoạch nhu cầu vốn năm 2023 là 153 tỷ đồng.

Đồng thời, huyện Chiêm Hoá tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí tại 11 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 16,30 tiêu chí/xã. Có 03 thôn được công nhận thôn nông thôn mới; 03 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 08 vườn hộ gia đình được công nhận vườn mẫu nông thôn mới.

Đoàn kiểm tra đánh giá cao những kết quả xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang thời gian qua. Đặc biệt là việc huy động các nguồn lực, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đã triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và áp dụng thực tiễn vào địa phương để xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến vấn đề huy động, kết hợp các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học.

Đoàn đề nghị các địa phương bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước tiếp tục huy động các nguồn lực từ nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là nâng cấp cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn bản. Các trường học chú trọng đầu tư cơ sở vất chất phục vụ công tác dạy và học; chú trọng đầu tư sân chơi đảm bảo quy mô cho học sinh. Các phòng học chức năng cần đầu tư theo hướng tích hợp để có thể sử dụng cho nhiều môn học.

Quỳnh Nga