Từ đầu năm 2024 đến nay, hội phát triển mới 7.421 hội viên, giảm 975 hội viên, tổng số toàn tỉnh hiện có 197.008 hội viên. Hội vận động thành lập, củng cố 9 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác, 20 chi hội nông dân nghề nghiệp; xây dựng, duy trì 127 mô hình hội nông dân bảo vệ môi trường. Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang vận động xây dựng 13 “Mái ấm nông dân” cho hộ nghèo.

Kien Giang=.jpg
Các chủ thể sản phẩm OCOP huyện Giồng Riềng tham quan Cửa hàng OCOP Kiên Giang tại TP. Rạch Giá.

Chủ tịch Hội Nông dân TP. Phú Quốc Lê Đình Quảng cho biết, đô thị hóa không chỉ gây khó khăn cho công tác phát triển hội viên mà còn làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp, hiệu quả thu về thấp. Để gỡ khó, Hội Nông dân TP. Phú Quốc vận động nông dân phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác du lịch sinh thái nhằm gia tăng giá trị.

Trong những tháng gần đây, nhiều mặt hàng nông sản như lươn, hạt tiêu, sầu riêng, ếch... tăng giá giúp nông dân có lợi nhuận sau thời gian dài thua lỗ. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng Huỳnh Văn Thẳng cho biết: “Giá tiêu đang tăng, đầu năm chỉ 80.000 đồng/kg nay tăng lên 190.000 đồng/kg; sầu riêng giữ mức cao đến cuối vụ từ 60.000-70.000 đồng/kg; lươn thương phẩm tăng từ 90.000 đồng/kg lên 115.000 đồng/kg”.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân 6 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh đề nghị các cấp hội cụ thể hóa kế hoạch của Trung ương Hội về triển khai thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. 

Các cấp hội chu trọng việc kết nạp hội viên mới, quản lý chặt chẽ hội viên và chất lượng hoạt động của chi hội địa bàn dân cư; quan tâm phát triển hội viên là ngư dân. Hướng dẫn nông dân tham gia sàn thương mại điện tử theo chỉ đạo của Trung ương Hội và phần mềm quản lý hội viên trên địa bàn TP. Rạch Giá.

Tại hội nghị, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang và Công ty cổ phần giải pháp công nghệ FELIX ký kết ghi nhớ hợp tác hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất và tiêu thụ hàng hóa năm 2024 trên sàn thương mại điện tử. Công ty FELIX  sẽ hỗ trợ hội viên, nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác của tỉnh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử FELIX nhằm kết nối giao thương, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Phấn đấu đến cuối tháng 11-2024, tỉnh sẽ có 2.500 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử FELIX.

Tin và ảnh: ĐẶNG LINH (Báo Kiên Giang)