Ngày 16/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2021.
Theo Kế hoạch, năm 2021, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá, cấp giấy công nhận và phát triển ít nhất từ 70 sản phẩm mới và hiện có (mỗi huyện, thành phố có ít nhất 4 sản phẩm) đạt 3 sao trở lên. Trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 5 sao cấp tỉnh và có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
Kế hoạch số 138/KH-UBND cũng nhấn mạnh phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Theo đó, lựa chọn và củng cố khoảng 10 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các huyện, thành phố tham gia Chương trình OCOP.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và lãnh đạo các doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia OCOP. 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn.
Bên cạnh đó, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được tuyên truyền, phổ biến về Chương trình OCOP.
Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai chu trình OCOP và nâng cấp các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo Chu trình OCOP.
Đề án cũng nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai các dự án khai thác thế mạnh nông nghiệp kết hợp với du lịch của tỉnh như chế biến nông sản, thuỷ sản... và thủ công mỹ nghệ.
Trong quá trình triển khai, Chương trình OCOP của tỉnh Kiên Giang cũng cần tổ chức thực hiện và tuân thủ 3 nguyên tắc. Sản phẩm được chấp thuận ở cấp độ toàn cầu phản ánh niềm tự hào của văn hóa, tính đặc trưng của địa phương; các sản phẩm được cải tiến, thiết kể phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, được thị trường trong nước và thế giới chấp nhận.
Lựa chọn sản phẩm phù hợp và tổ chức sản xuất sản phẩm một cách hiệu quả nhất, có tính đặc trưng nhất; khuyến khích tính sáng tạo phát triển một cách tối đa trong cộng động dân cư và các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ sản xuất khi tham gia chương trình.
Trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các đối tượng tham gia chương trình từ khâu tạo vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, thiết kế bao bì, quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm...
Thanh Hà