Nổi bật trong bức tranh tổng thể phát triển của tỉnh Kiên Giang thời gian qua là sự thay đổi nhanh chóng, rõ nét ở khu vực nông thôn. Đó không chỉ là sự phát triển về kết cấu hạ tầng, chuyển đổi về phương thức sản xuất, mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân.

Huyện Vĩnh Thuận là địa phương cách trung tâm tỉnh Kiên Giang gần 80 km, có xuất phát điểm đi lên xây dựng nông thôn mới thấp. Tuy nhiên, sau 10 năm, huyện Vĩnh Thuận có sự đổi thay rõ nét trên tất cả các lĩnh vực và được công nhận huyện nông thôn mới năm 2020. Hiện, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm, giao thông liên xã, liên ấp thông suốt; đời sống người dân ngày một nâng lên. Huyện Vĩnh Thuận phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới nâng cao.

W-vinhthuan.png
Huyện Giồng Giềng có 30 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao

Xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023. Ở xã Long Thạnh, các sản phẩm OCOP được chú trọng hỗ trợ phát triển, trong đó mắm đu đủ chay ấp Năm Hải, xã Long Thạnh là một trong 27 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023.

Giồng Riềng được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2020. Toàn huyện có 30 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đạt chuẩn OCOP đã giúp người dân phát triển kinh tế hộ trên toàn huyện Giồng Riềng. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; điện, đường, trường, trạm, giao thông nông thôn… được đầu tư và phát triển. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Từ đó cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư đồng bộ, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn. Nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm.

Đến nay, 100% xã trong đất liền, các đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, tổng chiều dài hơn 6.810/9.565 km, đạt tỷ lệ 71,2%. Hạ tầng điện, trường học, trạm y tế được đầu tư. Đời sống dân cư nông thôn ngày càng cải thiện, nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 46,7 triệu đồng/người (năm 2020), hiện nay tăng lên 57,8 triệu đồng/người.

Ông Giang Thanh Khoa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang thông tin: địa phương hiện có 269 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 36 sản phẩm 4 sao và 227 sản phẩm 3 sao của hơn 130 chủ thể…  gồm nước mắm truyền thống Phú Quốc, mắm cá lóc, khô cá, rượu sim, trà mãng cầu, gạo hữu cơ… và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như túi xách, nón được làm từ cỏ bàng.

“Các sản phẩm OCOP Kiên Giang không chỉ phản ánh sự sáng tạo tâm huyết của người dân mà còn là niềm tự hào của địa phương; sản phẩm OCOP Kiên Giang còn đa dạng, chất lượng và có tiềm năng lớn để thương mại hóa, kết nối tiêu thụ trong nước và quốc tế... UBND tỉnh cũng khuyến khích mỗi địa phương có điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP để giúp người dân phát triển kinh tế”, ông Khoa nói.