- Hiệp hội các trường ĐH, CĐ vừa có bản kiến nghị 10 điểm gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kiến nghị này có nhiều điểm chưa đi vào bản chất vấn đề.

Bỏ điểm sàn, mở rộng quy mô trường tư thục

Trong bản Kiến nghị một số giải pháp cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập mà Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam (Hiệp hội) gửi Thủ tướng Chính phủ, có 2 nhóm vấn đề lớn được nêu ra bao gồm những vướng mắc về tuyển sinh và xác định bản chất sở hữu của các trường ĐH ngoài công lập.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị, Bộ GD-ĐT cần bỏ quy định “điểm sàn” trao quyền tự chủ cho các trường tư thục đồng thời siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh các trường công lập. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách mở rộng quy mô hệ thống trường ngoài công lập và chưa nên giảm quy mô đào tạo đại học.

Hiệp hội cho rằng, việc Bộ GD-ĐT cho các trường tự xác định chỉ tiêu khiến các trường công lập tăng chỉ tiêu tuyển sinh làm hẹp cửa tuyển sinh các trường tư. Đồng thời, quy định “điểm sàn” cũng làm các trường tư rất khó tuyển sinh.

Bên cạnh đó, hiện nay, quy mô SV trường ngoài công lập mới chỉ chiếm 13%, mức thấp so với khu vực và thế giới. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực có trình độ ĐH hiện nay rất lớn. Do đó, việc giảm quy mô đào tạo ĐH là không nên, ngược lại cần mở rộng quy mô hệ thống trường ngoài công lập, để tạo thành hai chiếc cánh của một con chim - là hệ thống giáo dục quốc dân.

Nhóm đề xuất thứ 2 của Hiệp hội liên quan tới việc xác định bản chất sở hữu của các loại hình trường ĐH ngoài công lập.

{keywords}
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng, cần phải bỏ điểm sàn để mở quy mô tuyển sinh cho các trường tư thục.

Cụ thể, Hiệp hội cho rằng, với mô hình trường không vì lợi nhuận, thì kinh nghiệm từ các nước đang phát triển vẫn cần có sự đền đáp vật chất hợp lý dưới dạng phần thưởng hàng năm cho các nhà góp vốn. Các cổ đông cũng có quyền lợi nhất định như cử đại diện vào Hội đồng quản trị, ứng cử chức danh quản lý trong trường, được nhận tiền thưởng hàng năm hợp lý…

Đối với loại hình trường tư thục, Hiệp hội cho rằng, cần hạn chế tối đa vận dụng mô hình quản lý công ty cổ phần vào việc quản lý trường ĐH tư thục với quá nhiều ưu tiên cho nhà đầu tư. Tốt hơn cả nên chuyển qua mô hình công ty TNHH có từ 2 thành viên trở lên của Luật Doanh nghiệp. Đồng thời có quy định hạn chế trần góp vốn của cổ đông và cổ đông nhóm để tránh tháo túng các nhóm lợi ích.

Bỏ điểm sàn mà không tính đến chất lượng sẽ để lại nhiều hệ lụy

Bình luận về kiến nghị này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ GD Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc quyết định điểm trúng tuyển đầu vào là quyền tự chủ chính đáng của các trường ĐH. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì nên cân nhắc thấu đáo.

Theo ông Vinh, hiện nay, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của các trường ĐH Việt Nam còn kém, do đó, việc bỏ điểm sàn để mở đầu vào cho các trường có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng, nhất là với các trường thuộc nhóm giữa và cuối, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

Nếu mở đầu vào thì buộc phải tăng cường đầu tư nguồn lực, thi kiểm tra đánh giá nghiêm túc, siết chặt đầu ra để loại bỏ những sinh viên thiếu năng lực trong quá trình đào tạo, đảm bảo sản phẩm đào tạo ra là sản phẩm tốt. Trong bối cảnh đó, nếu cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên còn yếu thì sinh viên sẽ dễ thất bại. Điều này sẽ để lại di hại cho xã hội khi sinh viên mất cơ hội lựa chọn nghề nghiệp khác.

Còn trong trường hợp, trong môi trường cạnh tranh không bình đẳng, thông tin đảm bảo chất lượng cạnh tranh không minh bạch, tâm lý thích bằng cấp,... các trường có thể hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá thì các sản phẩm đào tạo ra sẽ không đảm bảo chất lượng và điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới xã hội vì những sản phẩm không tốt này rất khó để có thể tái chế.

Ông Vinh cũng cho rằng, Hiệp hội nên có nhiều kiến nghị về vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo hơn là giải quyết những vướng mắc về quy mô tuyển sinh.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng, nếu hạ đầu vào để gọi cho được sinh viên vào mà không tốt nghiệp được hoặc tốt nghiệp bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và xã hội sẽ gánh hệ lụy này.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, điểm sàn chỉ là một khâu nhỏ trong quá trình đào tạo ở ĐH. Nếu như Bộ GD-ĐT tập trung vào kiểm soát chất lượng quá trình đào tạo và cả khâu đầu ra thì chắc chắn chẳng trường nào dám nhận đầu vào tồi vì cả 3 khâu liên quan chặt chẽ tới nhau.

{keywords}
Chỉ quan tâm quy mô tuyển sinh mà không chú trọng tới chất lượng có thể để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

Ông Tùng cũng kiến nghị, các trường công nên giảm chỉ tiêu mỗi năm khoảng 5%, đồng thời giữ nguyên đầu tư để suất đầu tư cho 1 SV lớn hơn, mở rộng thị trường cho trường tư. 

Quan trọng hơn, ông Tùng cho rằng, cần phải tạo điều kiện cho trường tư để mở rộng quy mô các trường ngoài công lập, từ đó thạo thành một hệ thống cân đối với trường công. "Với tỉ lệ 13% hiện nay là con số quá thấp" - ông Tùng nhận định.

Không vì lợi nhuận thì không nên đòi chia lợi nhuận

Ông Lê Trường Tùng cho rằng, đối với vấn đề sở hữu các loại hình trường ngoài công lập, việc Hiệp hội kiến nghị nên đền đáp vật chất hợp lý dưới dạng phần thưởng hàng năm cho các nhà góp vốn là không đúng tinh thần của trường phi lợi nhuận.

Theo ông Tùng, ĐH không vì lợi nhuận theo khái niệm thế giới thì không có khái niệm cổ đông, không có khái niệm chia phần thưởng theo lãi suất trái phiếu nhà nước.

Ông Tùng kiến nghị, các nhà đầu tư nên đầu tư vào một quỹ phi lợi nhuận hoặc một công ty và công ty này sẽ là chủ đầu tư các trường ĐH. Nếu là quỹ phi lợi nhuận sẽ là trường ĐH phi lợi nhuận còn nếu công ty thì sẽ là trường đại học vì lợi nhuận.

Do đó, các cổ đông sẽ là cổ đông ở công ty chứ không phải cổ đông trực tiếp của trường ĐH. Khi có ý kiến bất đồng thì việc giải quyết sẽ ở công ty hoặc ở quỹ chứ không phải ở cổ đông của trường. Ý kiến khác nhau về nguyên tắc là không có vấn đề gì nhưng trong môi trường giáo dục thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Do đó, việc xây dựng theo mô hình này sẽ hạn chế được những tranh chấp không cần thiết ở trường đại học ngoài công lập khi các cổ đông bất đồng ý kiến. Mọi việc sẽ được giải quyết ở tầm công ty và quỹ. Đến khi xuống tới trường ĐH thì chỉ còn một tiếng nói duy nhất đã được chấp nhận, thông qua.

Lê Văn