- Hiến pháp nên mạnh dạn giao Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng Bảo hiến - ý kiến của bà Lê Thị Thu Ba, ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ.
>> Có 'phanh' tốt để kiểm soát quyền lực
>> Hiến pháp là mái nhà bảo vệ nhân dân
>> 'Ngự lâm quân' của hiến pháp
Từ Hiến pháp 1946 đến nay - trừ giai đoạn Hiến pháp 1980 ảnh hưởng nhiều từ mô hình nhà nước Xô viết - trong tổ chức bộ máy nhà nước ta luôn có thiết chế Chủ tịch nước (CTN). Nay dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng vậy, duy trì một chương về CTN, xác định “CTN là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.
Dự thảo cũng tiếp tục quy định rõ hơn thẩm quyền của CTN ở vị trí gắn kết ba quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp.
Chẳng hạn, CTN có thẩm quyền công bố luật, pháp lệnh, dự họp Ủy ban Thường vụ QH - gắn với lập pháp; đề nghị QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng, dự họp Chính phủ - gắn với hành pháp; đề nghị QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TAND Tối cao, căn cứ vào nghị quyết QH mà bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán TAND Tối cao...
Bà Lê Thị Thu Ba: Hiến pháp nên mạnh dạn giao Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng Bảo hiến |
Vấn đề cần bàn thêm là CTN tham gia thế nào để đáp ứng yêu cầu về kiểm soát quyền lực nhà nước - nội dung rất mới được đưa vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này?
Bảo hiến - xin đừng né tránh!
Góp ý vào nội dung này, xin bắt đầu từ “Hội đồng Hiến pháp”. Về bản chất, đây là thiết chế được sinh ra để bảo vệ Hiến pháp. Vậy thì đừng né tránh, mà hãy gọi đúng tên của nó: Hội đồng Bảo hiến - tên gọi mà nhiều nước khác đang sử dụng.
Nếu gọi đúng tên như thế, các quyền kiểm tra tính hợp hiến, kiến nghị QH xem xét lại các luật bị phát hiện vi hiến, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao... sửa đổi văn bản vi hiến - được nêu trong dự thảo - là chưa đủ. Thẩm quyền hẹp như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu mà Đại hội X đề ra là “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Theo đúng định hướng ấy, dự thảo cần phải thiết kế lại để Hội đồng Bảo hiến có vị trí độc lập (tương tự như thiết chế Kiểm toán Nhà nước trong dự thảo), và có thẩm quyền đầy đủ trong tiền kiểm (chẳng hạn, quyền phát biểu với QH trước khi thông qua luật, nghị quyết), hậu kiểm (kiểm tra tính hợp hiến của những văn bản pháp luật đã ban hành mà bị phản ánh, khiếu nại là vi hiến), và phán quyết về cả hành vi bị khiếu nại là vi hiến.
Để thực hiện các nhiệm vụ ấy, Hội đồng Bảo hiến cũng phải được trao quyền để trở thành thiết chế chuyên nghiệp về giải thích Hiến pháp, thay vì lâu nay giao cho Ủy ban Thường vụ QH mà chưa thấy bao giờ vận hành. Như thế sẽ giúp cho Hiến pháp trở nên có sức sống, không để các quy phạm Hiến pháp bị “treo” như một số nhận xét lâu nay.
Thiết kế Hội đồng Bảo hiến với thẩm quyền phản ánh đúng tên gọi của nó chính là tạo ra một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực nhà nước, hỗ trợ các cơ chế khác vẫn đang tồn tại.
Với các chức năng, nhiệm vụ ấy, Hiến pháp nên mạnh dạn giao CTN làm Chủ tịch Hội đồng Bảo hiến, bên cạnh là các phó chủ tịch, các thành viên do QH bầu - gồm đại diện từ Chính phủ, QH, TAND Tối cao, VKSND Tối cao... và cả chuyên gia đầu ngành, có uy tín thuộc các lĩnh vực KT-XH và pháp lý. Quy định như vậy là phù hợp với vị trí gắn kết quyền lực của CTN.
Quy định vị thế độc lập, thẩm quyền đầy đủ như vậy cho Hội đồng Bảo hiến, với CTN là người đứng đầu không hề mâu thuẫn với vị trí của QH - được giữ nguyên như Hiến pháp 1992 - là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong vòng vây báo chí sau khi được Quốc hội bầu, tháng 7/2011. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bởi dù là “cao nhất” thì QH cũng như các cơ quan nhà nước khác đều phải chịu sự kiểm soát quyền lực. Hơn nữa, một cơ quan bảo hiến hiệu quả cũng chính là để QH thực hiện tốt hơn trách nhiệm cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của mình.
Tư pháp độc lập? Cần Hội đồng Tư pháp quốc gia
Cũng liên quan đến phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, để tòa án thực sự là cơ quan thực hiện quyền tư pháp với đầy đủ quyền năng độc lập của nó, thì cần tính đến việc hình thành một Hội đồng Tư pháp quốc gia, do CTN đứng đầu.
Nhưng sự độc lập của thẩm phán hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng khi mà thẩm phán chịu sự quản lý về hành chính của chánh án trong bổ nhiệm, kỷ luật, khen thưởng, nâng bậc lương. Sự độc lập của tòa huyện, tòa tỉnh bị hạn chế khi mà họ là cấp dưới trong quan hệ hành chính với tòa cấp trên.
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đặt ra nhiều yêu cầu cải cách tư pháp. Mục đích là tăng tính độc lập của thẩm phán, không chỉ với cơ quan hành chính cùng cấp, mà cần được hiểu đầy đủ là độc lập ngay trong nội bộ tòa án. Thẩm phán độc lập, chỉ tuân theo pháp luật là độc lập với ngay cả các thành viên trong HĐXX, ngay trong tòa án với chánh tòa, và với cả tòa phúc thẩm, tòa tối cao.
Thiết lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, có bộ máy giúp việc chuyên trách chính là tách phần hành chính ra khỏi tổ chức, hoạt động của tòa án. Hội đồng sẽ đánh giá năng lực, trình độ, tư cách đạo đức; khen thưởng, kỷ luật; thi tuyển, sát hạch thẩm phán; tham mưu với CTN về các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực tư pháp...
Một thiết chế như vậy vừa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, vừa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của CTN khi gắn kết với nhánh quyền tư pháp.
Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 5 khóa XI khi bàn về định hướng sửa đổi Hiến pháp đã đặt ra yêu cầu nghiên cứu làm rõ hơn vị trí, trách nhiệm, quyền hạn của CTN. Các kiến nghị nêu trên góp phần giải quyết yêu cầu đó, góp phần để chế định CTN vận hành hiệu quả hơn trong đặc thù nền chính trị VN.
Nghĩa Nhân ghi