- Cục Tần số (Bộ TT&TT) đề xuất các Bộ, ngành liên quan trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp đang sản xuất, nhập khẩu đầu thu truyền hình số DVB-T2 (set-top box, tức STB), hướng dẫn các thủ tục cần thiết để ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp.


{keywords}

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định liên quan tới quản lý chất lượng tín hiệu, thiết bị thu/phát truyền hình trên thị trường do Liên Bộ tiến hành vào tháng 6, hiện nay, tại VN, có một số doanh nghiệp truyền hình đang cung cấp các sản phẩm đầu thu truyền hình số, gồm VTV, VTC, AVG và Công ty TNHH MTV Hanel. Ngoài ra, có hai doanh nghiệp là công ty VTV Broadcom và Công ty Đông Đô đã công bố hợp quy cho sản phẩm STB DVB-T2, một công ty là 4T đang trong quá trình xử lý hồ sơ để thực hiện công bố hợp quy các sản phẩm đầu thu.

Tuy nhiên, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số thừa nhận rằng hiện số lượng sản phẩm STB made-in-Việt Nam thực sự "rất ít". Ngay cả VTV là một thành viên tích cực nhất cũng chỉ mới đầu tư sản xuất thử 1000 STB, do đó, giá thành đang ở mức cao, xấp xỉ 800.000 đồng. Trong khi đó, Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình chỉ dự định hỗ trợ đầu thu có giá trị dưới 600.000 đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc.

"Để tạo động lực cho doanh nghiệp nội tham gia vào thị trường sản xuất STB hợp chuẩn và để chuẩn bị cho kế hoạch triển khai số hóa thí điểm tại Đà Nẵng, Tiểu ban giúp việc kiến nghị Ban chỉ đạo Đề án xem xét vấn đề đấu thầu, hoặc đặt hàng doanh nghiệp sản xuất STB DVB-T2 để kịp thời hỗ trợ cho các gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách", ông Hoan nêu rõ. Theo kế hoạch đã được đưa ra trong Đề án Số hóa truyền hình toàn quốc đến năm 2020, việc hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo sẽ phải thực hiện xong chậm nhất là tháng Giêng 2015.

Nếu không có các chính sách đặt hàng số lượng lớn cũng như ưu đãi về thuế từ Nhà nước, doanh nghiệp sẽ không thể sản xuất đại trà và giá thành sản xuất sẽ không thể tiệm cận mức 600.000 đồng mà Nhà nước có thể chi trả, ông Hoan phân tích.

Không còn hàng tồn TV không hợp chuẩn

Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu TV đều đã tuân thủ nghiêm chỉnh yêu cầu và quy định từ Bộ TT&TT về việc tích hợp chuẩn DVB-T2 vào các sản phẩm trên 32-inch được nhập vào Việt Nam. Trên thực tế, nhiều hãng TV đã chủ động tích hợp của chuẩn DVB-T2 vào các model 32-inch dù việc này chưa bị bắt buộc. Các hãng cũng chủ động gắn biểu trưng số hóa truyền hình và xây dựng hồ sơ công bố hợp quy, đăng ký mẫu dấu hợp quy, thực hiện gắn dấu hợp quy cho nhiều dòng sản phẩm khác nhau.

Đối với các dòng TV được đưa ra thị trường trước ngày 1/5/2014, các hãng đã chủ động phối hợp với đơn vị phân phối gắn bổ sung biểu trưng số hóa truyền hình, dán nhãn hàng hóa theo quy định. Họ cũng thống kê số lượng sản phẩm tồn, tổ chức các khóa đào tạo cơ bản về DVB-T2 cho nhân viên bán hàng để tư vấn cho người dùng.

Riêng với các dòng sản phẩm có kích thước dưới 32-inch chưa được tích hợp DVB-T2, các nhà phân phối hiện đều đã có kế hoạch dừng nhập sản phẩm và lên phương án tiêu thụ hàng tồn. Theo báo cáo, số lượng hàng tồn còn rất ít và các doanh nghiệp đều khẳng định họ có phương án tiêu thụ "khả thi".

Theo kết quả kiểm tra, 6 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp đã đưa ra thị trưởng 128.000 TV hợp chuẩn, số mẫu được tích hợp DVB-T2 là 85 mẫu và số mẫu được công bố hợp quy là 76 model. Điều quan trọng là việc tích hợp DVB-T2 không hề khiến giá bán sản phẩm bị đội lên và người dùng hoàn toàn được hưởng lợi từ chính sách này từ phía cơ quan quản lý, đại diện Cục Tần số chia sẻ.

Trọng Cầm