Với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, phục vụ hội nhập và phát triển", Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18, với sự tham dự của hơn 450 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các cơ quan ngoại vụ của 63 tỉnh thành trên toàn quốc cùng các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của đất nước... đã diễn ra ngày 21/8 tại Hà Nội.
Sau một ngày làm việc, Bộ Ngoại giao và các lãnh đạo các địa phương đã nhất trí và thể hiện quyết tâm trong việc nâng cao vai trò, vị trí của Cơ quan ngoại vụ địa phương; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ biên - phiên dịch để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thời gian qua, đó là tập trung xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển và hành động. Các đại biểu cũng nhất trí thông qua Định hướng công tác đối ngoại địa phương giai đoạn 2016-2018.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Hội nghị và những định hướng của công tác ngoại vụ trong thời gian tới.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 năm nay?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Hội nghị Ngoại vụ năm nay có ý nghĩa rất đặc biệt vì nó được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Nhiệm vụ đặt ra tại Hội nghị lần này là đánh giá lại công tác ngoại vụ - một lĩnh vực quan trọng của ngành ngoại giao - kể từ hội nghị lần thứ 17, đồng thời đề ra những phương hướng trong thời gian tới, với những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện được mục tiêu như chủ đề của Hội nghị đặt ra là “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, phục vụ hội nhập và phát triển”. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất của Hội nghị lần này.
PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thu được của hoạt động ngoại vụ thời gian qua sau một ngày thảo luận với nhiều ý kiến của các địa phương cũng như ý kiến của các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Theo tôi, kết quả thu được rất tích cực. Qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu cũng như các đại sứ đều đánh giá: Thứ nhất, trong thời gian vừa qua các hoạt động ngoại vụ đã được các bộ, ban, ngành ở trung ương trong đó có Bộ Ngoại giao - cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ các địa phương quản lý hoạt động ngoại vụ - quan tâm hơn. Điều này thể hiện ở việc các văn bản về mặt pháp lý liên quan đến công tác ngoại vụ đã được tăng cường. Bộ máy làm công tác ngoại vụ đã được củng cố (hiện gần 50 tỉnh, thành phố đã có Sở Ngoại vụ). Đội ngũ cán bộ đã có sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng.
Thứ hai, công tác ngoại vụ đã đóng góp ngày càng thiết thực đối với các hoạt động của địa phương trên tất cả các lĩnh vực. Đơn cử như trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các Sở Ngoại vụ đã kết nối với Bộ Ngoại giao và các bộ, ban ngành ở Trung ương để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong vấn đề đảm bảo an ninh, đặc biệt là các tỉnh biên giới với mục tiêu đảm bảo trật tự đường biên và xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Về chính trị đối ngoại, công tác ngoại vụ cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các bộ, ban ngành của Trung ương trong việc tạo dựng mối quan hệ với các nước, đặc biệt là với các địa phương của các nước. Trong khoảng 2-3 năm vừa qua, đã có gần 300 văn bản hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của các nước được ký kết.
Đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, công tác ngoại vụ đã có sự kết nối với Bộ Ngoại giao, qua đó có sự kết nối với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy đầu tư, tìm các nguồn đầu tư công nghệ mới.
Tại Hội nghị, một số Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản, Israel, Liên bang Nga, Pháp… đã nêu những ví dụ hợp tác cụ thể. Nhiều đại diện địa phương cũng đã nêu những ví dụ như về hợp tác giống cây trồng mới, đề cập tới vấn đề phát huy công nghệ cao. Các đại biểu cho rằng, để phát triển tốt ngành nông nghiệp, việc tìm thị trường đã là một vấn đề nhưng vẫn cần chú trọng tới khía cạnh công nghệ để đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng cũng như giảm giá thành sản phẩm, qua đó mới có thể đáp ứng được thị trường, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và làm cho nông nghiệp phát triển bền vững.
Liên quan tới vấn đề chống biến đổi khí hậu, rõ ràng sự hỗ trợ của bên ngoài có ý nghĩa quan trọng không chỉ về vốn mà còn về công nghệ xử lý biến đổi khí hậu.
Về văn hóa, đây cũng là một lĩnh vực có tiềm năng lớn. Trong 2 năm vừa qua, đã có thêm 9 danh hiệu mới được UNESCO trao tặng cho các địa phương của Việt Nam. Điều này rõ ràng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển văn hóa đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch ở các địa phương đó.
Đánh giá chung các đại biểu, lãnh đạo các địa phương, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều cho rằng trong thời gian vừa qua về mặt tổ chức, về mặt chính sách liên quan đến công tác ngoại vụ đã có bước phát triển. Sự hợp tác giữa các địa phương với Bộ Ngoại giao, các bộ, ban ngành liên quan ở trung ương và với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã được tăng cường. Sự hợp tác đó đã đem lại những kết quả cụ thể xét về tổng số lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như trong vấn đề tranh thủ công nghệ. Có thể nói ngày càng nhiều địa phương đã có bước chủ động để tranh thủ công nghệ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp ở địa phương mình. Rất nhiều địa phương cũng qua đó để thúc đẩy quan hệ với các địa phương, doanh nghiệp ở nhiều nước khác nhau để thu hút nguồn chất xám, thu hút du lịch…
PV:
Trong một số cuộc trao đổi bên lề Hội nghị, có ý kiến cho rằng hoạt động đối ngoại địa phương hiện vẫn còn đang ở mức tiềm năng, nhiều dự án vẫn còn nằm trên giấy. Vậy trong thời gian tới Bộ Ngoại giao cũng như ở cấp trung ương sẽ có sự hỗ trợ như thế nào để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đối ngoại địa phương thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Qua theo dõi của tôi cũng như qua quá trình nghiên cứu của các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao cho thấy, các cơ quan ở địa phương đã rất nỗ lực. Nhiều đơn vị, ban ngành khác nhau của địa phương đã tham gia vào công tác này như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ và nhiều đơn vị chuyên môn khác.
Tuy nhiên, chúng ta biết quá trình triển khai các dự án còn phụ thuộc vào không chỉ ở phía Việt Nam mà còn ở đối tác quốc tế. Về phần Bộ Ngoại giao từ trước tới nay luôn cố gắng phối hợp với các địa phương để xây dựng những kế hoạch ví dụ như chiến lược về hội nhập quốc tế. Sau khi có chủ trương, chiến lược về hội nhập quốc tế chung trong đó có nội dung là các địa phương xây dựng chiến lược về hội nhập quốc tế riêng cho địa phương của mình. Hiện đã có nhiều địa phương làm và một số địa phương đang làm, trong đó có việc tranh thủ nguồn FDI như thế nào, tranh thủ nguồn viện trợ như thế nào, tranh thủ các điều kiện mới của các hiệp định thương mại ra làm sao… Tôi nghĩ đó là vấn đề rất quan trọng.
Thứ hai là Bộ Ngoại giao cùng các địa phương làm việc với các bộ, ban ngành ở trung ương để xác định thế mạnh của địa phương mình và các đối tác phù hợp để mà mình có thể tranh thủ. Ví dụ khi chúng ta nói tới địa bàn ở Nhật Bản chẳng hạn thì chúng ta tranh thủ về công nghệ, về vốn nhưng có những địa bàn khác chúng ta lại coi trọng việc tìm các đối tác phù hợp để chúng ta có thể xuất các mặt hàng mà chúng ta có thế mạnh và các địa bàn đó cần. Từ đó xây dựng kế hoạch, xác định những đối tác phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương là rất quan trọng.
Bộ sẽ cùng với các địa phương và các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài, nhất là các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài để tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, giúp cho hai bên có thể gặp gỡ nhau giải quyết vấn đề sớm hơn. Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức các buổi giới thiệu về những điểm mới, những nội dung mới của các Hiệp định thương mại đa phương và song phương sắp tới có hiệu lực ở Việt Nam. Những điểm thuận là gì, những thách thức đặt ra là gì?...
Theo số liệu năm vừa qua, Bộ Ngoại giao theo chương trình của Chính phủ đã giúp đào tạo khoảng 2.000 lượt cán bộ làm về công tác đối ngoại ở địa phương, trong đó không chỉ là cán bộ làm về công tác ngoại vụ mà ở cả các ban ngành khác có liên quan đến công tác đối ngoại. Việc đào tạo này giúp nâng cao về trình độ ngoại ngữ, trình độ biên-phiên dịch, nâng cao kiến thức về kinh tế, những kiến thức chuyên môn rất cần khi làm việc với nước ngoài như công tác lãnh sự, giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân nước ngoài sinh sống và hoạt động trên địa bàn, đồng thời là những kiến thức về kết nối với các đối tác khác nhau…
Để làm tốt hơn, tôi nghĩ Bộ Ngoại giao cùng với các địa phương sẽ xây dựng các chiến lược, kế hoạch liên quan đến hội nhập quốc tế, từ đó xác định ra các đối tượng nào, nước nào, tổ chức nào thậm chí là cá nhân nào phù hợp với nhu cầu địa phương của mình.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!.