Cây nhãn giúp đổi đời

Ngồi trước căn nhà mái ngói đã nhuốm màu thời gian vì rêu phong nhưng bên trong khá tiện nghi, ông Trần Văn Lộc (bản Tân Lập), cho biết, hiện ông có cả một mảnh vườn chỉ để trồng nhãn. Nhiều gốc nhãn ghép cho thu hoạch 400 kg quả, bán với giá đầu vụ lên tới 35-37 nghìn đồng/kg, cho thu nhập gần 15-16 triệu đồng,

Ông Thành tâm sự, năm nay ông đã gần 60 tuổi. Tuy đã già, cháu nội, cháu ngoại cũng đã đi học, thế nhưng hai vợ chồng ông vẫn tự tay chăm sóc vườn nhãn. Bởi, ông  bảo, cả cuộc đời ông đã gắn bó với mảnh vườn này.

Ở mảnh vườn này, trước đó gia đình ông chỉ  trồng cây ngô. Ông cho biết, lúc đó gia đình ông khá nghèo khó, ở trong ngôi nhà bé tí teo đủ chỗ chui ra chui vào bởi trồng lúa, ngô thu nhập chẳng được là bao.

Trong khi đất vườn nhà rộng, khoảng vườn sau nhà để không cũng chẳng làm gì nên ông nghĩ đến việc tập trung vào trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Nhận thấy cây nhãn phù hợp với điều kiện của địa phương, lại là cây sẵn có nhưng do chưa chú trọng đầu tư nên cho hiệu quả kinh tế không cao, ông Lộc chuyển từ trồng ngô sang tập trung trồng nhãn.

Điều thuận lợi là tại địa phương lúc đó cũng có chính sách cải tạo, phát triển cây nhãn để tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Thông qua các lớp tập huấn của địa phương, ông Lộc đã tiến hành ghép giống nhãn Miền thiết ở Hưng Yên vào các gốc nhãn cũ.

Không ai có thể ngờ được, chỉ sau một năm ghép cải tạo, nương nhãn của gia đình ông đã cho cho lứa quả đầu tiên, sai trĩu cành. Bất ngờ hơn, nhãn được thương lái đến tận nhà mua với giá cao. Thế là hái được bao nhiêu nhãn trong vườn, ông đem bán hết lấy tiền.

Mấy năm sau, giá nhãn càng ngày càng tăng, thương lái tranh nhau mua nên có thời điểm, nhãn có giá 37.000 đồng/kg. Trong khi, cây nhãn cứ vụ sau lại sai quả hơn vụ trước nên khoản tiền thu được từ bán nhãn cũng ngày càng nhiều.

Sau vụ thu hoạch, ông Lộc đã sửa được căn nhà khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi trong gia đình.

Tuy nhiên, nhận thấy nếu sản xuất một mình thì đầu ra không ổn định, chính vì vậy, năm 2017, ông Lộc đã cùng các hộ dân thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, do ông làm giám đốc nhằm sản xuất theo chuỗi, lấy liên doanh, liên kết với doanh nghiệp làm nền tảng mở rộng đầu ra và nâng cao thu nhập.

{keywords}
Ông Lộc đã tiến hành ghép giống nhãn Miền thiết ở Hưng Yên vào các gốc nhãn cũ.

Hiện nay, ngoài diện tích nhãn cũ, các thành viên đã tiến hành trồng những gốc nhãn mới, nâng tổng diện tích lên 41 ha. Nhãn được sản xuất theo quy trình VietGAP, cho năng suất 600 tấn/vụ.

“HTX sẽ bảo đảm chất lượng từ khi trồng, chăm sóc, đến thu hoạch, đóng gói sản phẩm. Trung bình 1kg nhãn hiện có 70 – 75 quả, các thành viên HTX đang cố gắng đạt trọng lượng bình quân 45 – 50 quả/kg nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, ông Lộc nói.

Ông cũng cho hay, Sản phẩm nhãn của HTX ngoài xuất vào các siêu thị, hệ thống cửa hàng nông sản sạch còn phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra còn có nhiều đối tác đặt hàng xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ, Úc…

Với năng suất 13 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư, công hái, thành viên HTX có thể “ẵm” về không dưới 400 triệu đồng.

Phát triển cây nhãn theo hướng hàng hóa

Theo ông Lộc, trồng nhãn trên diện tích lớn thực chất không nhàn hơn so với một số cây trồng khác. Việc chăm bón cho cây nhãn cũng phải tuân thủ theo quy trình, từ việc cho “ăn” phân theo tỷ lệ phù hợp đến việc dọn cỏ bằng tay, chú trọng xua đuổi côn trùng bằng phương pháp thủ công cũng đều cần thời gian và công sức thì cây nhãn sẽ sinh trưởng, phát triển tốt.

Mỗi năm, các thành viên chỉ bón phân 2 lần. Sau khi thu quả xong, HTX tiến hành cắt tỉa, dọn dẹp cành sâu bệnh, cành xấu, sau đó làm cỏ sạch sẽ rồi đào rãnh xung quanh gốc, bỏ phân chuồng xuống và lấp đất lại. Khi cây nhãn ra hoa, các thành viên lại cho “ăn” thêm phân một lần nữa.

Ngoài bón phân đúng thời điểm, đúng liều lượng, chủng loại, HTX còn thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây nhãn. Khi phát hiện sâu bệnh hại, thành viên diệt trừ ngay không để lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, việc tiến hành như thế nào, sử dụng thuốc hay phương pháp nào đều phải được ghi chép cẩn thận.

Nhờ đầu tư sản xuất, HTX Hưng Lộc đã tham gia vào việc đưa cây nhãn phủ xanh đồi trọc và trở thành cây giảm nghèo tại địa phương.

Đến nay, Chiềng Khương là một trong những xã đi đầu ở huyện Sông Mã về phát triển cây nhãn theo hướng hàng hóa.

Theo UBND xã Chiềng Khương, diện tích nhãn của địa phương là hơn 700 ha, trong đó, khoảng 350ha là nhãn ghép với gốc cũ, còn lại là nhãn trồng mới.

Theo ông Trần Văn Lộc, đến nay, cây nhãn đã trở thành cây hàng hóa chủ lực không chỉ làm giàu cho các thành viên mà còn cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số học và làm theo.

Trần Hào
Ảnh: Thu Hằng HP