Kinh doanh online trở thành một loại hình đầu tư quen thuộc trong thời buổi các trang mạng xã hội bùng nổ. Bất cứ đối tượng nào, từ những người làm lao động tự do cho đến dân công sở, sinh viên đều có thể tạo thêm thu nhập bằng loại hình này vì tính linh hoạt về giờ giấc.

Đặc biệt, giữa thời buổi giá cả leo thang, càng nhiều người mong muốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh online nhằm tiết kiệm nguồn vốn nhưng vẫn đảm bảo có thu nhập, thoải mái về mặt thời gian. Nhưng thực tế đôi khi không hề dễ dàng như lý thuyết mà con người ta vạch ra sẵn.

{keywords}
Ảnh minh họa

Thấy nhiều người quen kinh doanh online có thu nhập khủng, công việc lại không đòi hỏi giờ giấc khắt khe, anh N.V.H (34 tuổi, quê Nam Định) từ bỏ công việc văn phòng hiện tại để chuyển hẳn sang bán những mặt hàng đồ gia dụng online. Tự tin với tư duy nhanh nhạy của mình, anh cho rằng mình sẽ thành công bởi đây là mặt hàng thiết yếu cho mọi gia đình, đặc biệt là với bối cảnh dịch bệnh, thời gian mọi người ở nhà nhiều hơn đi làm.

Thế nhưng, mọi thứ không hề dễ dàng như anh H tính toán. Do các trang mạng xã hội có những công cụ nhận biết mục đích người dùng, lượng tương tác trên các kênh bán hàng của anh bị hạn chế rất nhiều. Điều đó khiến anh buộc phải chạy quảng cáo để tìm kiếm thêm khách hàng.

Ngoài ra, anh còn phải đầu tư thêm tiền quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử. Khi đơn về nhiều, anh không có thời gian nghỉ ngơi, buộc phải thực hiện mọi công việc ròng rã từ 7g sáng đến 12g đêm. Đến khi tổng kết lại, nguồn lãi ròng thu về sau khi trừ các chi phí chỉ nhỉnh hơn tiền lương văn phòng trước đây một chút.

Lý giải về vấn đề này, anh H chia sẻ: “Tôi đã chi tiêu hết sức tiết kiệm nhưng cảm giác bỏ nhiều công sức mà số tiền thu về còn chẳng bằng lúc mình làm văn phòng nếu tăng ca. Không hẳn do ít khách mà số tiền bỏ ra quảng cáo hàng ngày quá lớn, rồi chi phí cho các sàn thương mại điện tử nữa.

Mới qua vài tháng mà sức khỏe tôi đi xuống hẳn vì làm việc quá sức. Thuê thêm người lại sợ tốn chi phí vì quảng cáo đã quá nhiều tiền rồi. Có khi hết đợt dịch này tôi lại mang hồ sơ đi xin việc để làm văn phòng như trước đây, có khi còn thoải mái hơn”.

Không phải mới vào nghề như anh H, anh T.H.G (38 tuổi, quê Ninh Bình), chủ một shop thời trang trên địa bàn quận Đống Đa từng có thâm niên kinh doanh từ lúc mới 20 tuổi cũng phải nhận “trái đắng” khi chuyển từ mô hình kinh doanh truyền thống sang online. Do tình hình dịch bệnh kéo dài suốt 3 năm qua, cửa hàng của anh ngày càng vắng khách. Thêm vào đó, có những khoảng thời gian Hà Nội bước vào những đợt giãn cách xã hội khiến tình hình càng bi đát hơn.

Do chủ nhà cũng chỉ hỗ trợ giảm một phần rất nhỏ tiền thuê mặt bằng, anh G quyết định chuyển sang hình thức kinh doanh online hoàn toàn mặt hàng thời trang. Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, tình hình thậm chí còn tệ hơn khi anh phải bỏ quá nhiều tiền chạy quảng cáo, hiệu quả lại không cao.

“Đặc thù mặt hàng thời trang này buộc lòng phải có cửa hàng để khách tới xem trực tiếp. Trước đây, người ta còn mua trên mạng nhưng sau này, dân mình cũng rút kinh nghiệm đối với các loại quần áo nhất thiết phải đến tận nơi thử mới yên tâm về chất lượng.

Trước kia tôi thuê mặt bằng còn một lượng khách tự nhiên đến do vị trí thuận lợi. Biết thế tôi cố gắng cầm cự đến qua đợt dịch thì đã không âm nặng tiền vào vốn do chi phí chạy quảng cáo quá lớn cũng kém hiệu quả”, anh G tâm sự.

{keywords}
Ảnh minh hoạ

Khác với anh H và anh G, chị T.H.P (33 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) rất tự tin khi nghĩ rằng việc kinh doanh ẩm thực dưới hình thức online sẽ đem lại siêu lợi nhuận. Bởi khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, tâm lý nhiều người dân ngại ra hàng quán sẽ tạo cơ hội thuận lợi để loại hình này nở rộ.

Do công ty chị P cắt giảm nhân sự, chị quyết định tự chủ động xin nghỉ rồi học một vài khoá nấu ăn. Chưa hết, chị còn tham gia nhiều khóa học về marketing trên các trang mạng xã hội.

Chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy song kết quả chị nhận được lại không như mong muốn. Ngoài tiền quảng cáo cho các ứng dụng chuyên về ẩm thực, số lượng khách hàng còn phụ thuộc vào đánh giá trên trang.

Chị chia sẻ: “Mình mất tiền chạy quảng cáo đã đành nhưng việc khách đặt hàng hay không còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố. Khi vào làm tôi mới biết nhiều cửa hàng họ thuê hẳn một lực lượng làm bếp hùng hậu, chuyên nghiệp còn tôi chỉ có một mình”.

Cũng theo chị P, do mọi người làm ở nhà, nghỉ dịch nhiều đã dành thời gian cho việc đọc review, chọn lựa trước khi đặt đồ ăn. Ngoài chất lượng, khách hàng còn lùng thêm cửa hàng có voucher giảm giá, miễn phí ship..

Sự cạnh tranh quá lớn trong khi nhu cầu của khách quá khắt khe, chi phí ship mùa dịch trở thành một vấn đề nan giải. Chị P cho hay, nếu miễn phí tiền ship thì lãi chẳng được bao nhiêu. Quá thất vọng vì áp lực kinh doanh, cộng với việc không đủ sức làm tiếp, chị P nhanh chóng từ bỏ chỉ sau 3 tháng thử sức.

Nhìn chung, tâm lý nhiều người khi tiến hành đầu tư những mặt hàng kinh doanh online đều mong muốn thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ vì những tính năng khác biệt so với kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, với nhiều trở ngại như chi phí quảng cáo, nhu cầu đòi hỏi của khách tăng cao,... lại thêm giá cả ngày càng leo thang, việc kinh doanh online đem lại nhiều rủi ro, không hề dễ dàng cho những người muốn làm giàu nhanh chóng.

Phạm Bắc

‘Trúng quả’ nhờ mua đất thế chấp ngân hàng

‘Trúng quả’ nhờ mua đất thế chấp ngân hàng

Do tình hình kinh tế khó khăn khiến thị trường bất động sản với loại đất đang bị thế chấp trở nên sôi động. Tôi đã thắng đậm nhờ việc đầu tư vào loại đất này.