Đề-pa lên dốc là một trong những phần thi khó nhằn nhất khi thi sát hạch lái xe ô tô số sàn. Với một số thí sinh “non tay”, thì bài vượt dốc là một cơn ác mộng vì rất dễ bị đánh trượt. Đây là một phần thi khó nhưng hoàn toàn có thể vượt qua nếu chúng ta luyện tập đúng cách.

Kinh nghiệm đề-pa lên dốc xe số sàn

Với xe sử dụng số tự động thì việc đề-pa lên dốc sẽ “dễ như ăn kẹo” chưa kể đến xe có hỗ trợ công nghệ khởi hành ngang dốc thì khái niệm đề pa lên dốc bị lãng quên cũng là dễ hiểu. Còn với những xe số sàn thì đây lại là việc không đơn giản bởi nếu không xử lý đúng thì xe sẽ bị trôi, gây ảnh hưởng cho các phương tiện phía sau, thậm chí gây tai nạn.

{keywords}

Hiện nay có 2 kinh nghiệm cơ bản về cách để đề-pa lên dốc mà các lái xe mới lái nên ghi nhớ để vận hành chiếc xe một cách hiệu quả hơn:

1. Sử dụng phanh tay

Sử dụng phanh tay (hay phanh khẩn cấp - emergency brake) là cách an toàn và hiệu quả nhất dành cho lái xe, đặc biệt lái mới khi cần đề-pa xe ngang dốc.

Sau khi xe đã dừng trên dốc, lái xe kéo phanh tay với mục đích là thay phanh chân giữ xe tại điểm dừng. Khi đó, lái xe có thể bỏ chân phanh ra và đặt vào chân ga mớm lên.

Khi cần di chuyển trở lại từ vị trí đứng yên trên dốc, lái xe cắt côn vào số và thực hiện nhả côn, đạp mớm ga như khởi động bình thường trên đường bằng, lúc này phanh tay vẫn chưa hạ nên xe chắc chắn không bị trôi.

{keywords}

Sử dụng phanh tay

Tiếp tục nhả côn từ từ đến khi thấy tay lái hoặc cần số rung lên (báo hiệu các lá côn đã bắt vào nhau) thì nhả nhẹ phanh tay, nghe ngóng nếu thấy xe không trượt thì thả nốt phanh tay, xe sẽ tự bò lên. Có thể mớm nhẹ chân ga nếu xe chưa di chuyển.

2. Sử dụng côn, ga và phanh chân

Đây là cách mạo hiểm hơn của những người có kinh nghiệm lái xe thường dùng trong thực tế là không dùng đến phanh tay. Tuy nhiên, cách này chỉ dùng với những trường hợp dừng trong thời gian ngắn chứ không nên dùng trong trường hợp đỗ hay dừng lâu.

Sau khi xe dừng, bạn nhả côn từ từ, đến khi thấy tay lái hoặc cần số rung lên thì nhả nhẹ phanh chân, nghe ngóng. Nếu cảm thấy xe trôi thì đạp phanh vào, làm lại. Nếu thấy xe không trượt thì thả cho hết phanh chân, xe sẽ tự bò lên.

Nếu nhả hết phanh chân mà xe vẫn đứng yên thì tiếp vào chân ga một chút, đồng thời hơi nhả côn ra thêm. Khi xe đã đi thì giữ nguyên vị trí chân côn và ga cho đến khi xe qua khỏi đỉnh dốc.

Khi mới tập, chắc chắn sẽ không tránh khỏi vài lần chết máy. Đó là điều bình thường, và chúng ta chỉ cần luyện nhiều lần sẽ tự rút ra kinh nghiệm để tránh phạm vào những lỗi nặng như: dừng quá vạch, chết máy, xe trôi dốc. Tùy theo tay lái và kinh nghiệm lái cũng như hoàn cảnh gặp phải trên đoạn đường dốc, hãy luyện tập 2 cách đề pa này để điều khiển chiếc xe một cách an toàn và hiệu quả nhất.

(Theo Pháp luật Việt Nam)