Trong 5 năm qua, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) đã đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân, giúp bộ mặt khu vực biên giới có nhiều thay đổi.

{keywords}

Đến năm 2019, số hộ nghèo tại huyện này giảm xuống còn gần 2.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 23 triệu/người/năm, đời sống bà con ngày càng được ổn định hơn.

Quan Sơn là huyện biên giới đặc biệt khó khăn, dân số chủ yếu là người dân tộc Thái, Mường và Mông sinh sống. Trong giai đoạn 2014-2019, huyện đã được Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội, với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng, vốn giao đã thực hiện 780 tỷ đồng.

Huyện đã dùng nguồn vốn này xây dựng 279 công trình giao thông; xây dựng nhà văn hóa, trường học và nhiều các công trình khác. Đồng thời, huyện cũng thực hiện các dự án: phục tráng rừng vầu, rừng luồng; trồng cây ăn quả, hỗ trợ vật nuôi, đưa giống cây và giống vật nuôi mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng.

Bên cạnh đó, huyện lồng ghép các chương trình, dự án nhằm huy động nhiều nguồn lực phát triển kinh tế -  xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác của người dân. Đặc biệt, huyện cũng nêu cao vai trò Bí thư, Trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số phải đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế của địa phương.

Bà Lương Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Nhờ thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, năm 2014, số hộ nghèo của huyện Quan Sơn khoảng 5.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo là 51%. Đến năm 2019, số hộ nghèo tại huyện này giảm xuống còn gần 2.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 23 triệu/người/năm, đời sống bà con ngày càng được ổn định hơn.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phân công lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể đến dự sinh hoạt chi bộ cơ sở để nắm bắt tình hình đời sống nhân dân và nâng cao công tác tuyên truyền, nhân rộng các gương tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số trong học tập, lao động sản xuất; đồng thời, nâng cao vai trò của Bí thư, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Qua đó, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững chính trị, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng vùng biên giới ngày càng bình yên.

Bài: Phùng Thu Thủy - nhóm PV
Ảnh: Phan Thị Thân - nhóm PV