10 tháng đầu năm 2018, bức tranh kinh tế của Quảng Ninh có nhiều điểm sáng. Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế của miền Bắc.
Những gam màu sáng
9 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh ước tính tăng 10,7%, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, Quảng Ninh hoạt động kinh tế trên các lĩnh vực tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.
Tính đến hết tháng 10/2018, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của Quảng Ninh tăng 8,81% so với cùng kỳ, trong đó tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp khai khoáng và hoạt động quản lý, xử lý nước thải.
Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định, có tăng trưởng nhẹ; sản lượng lương thực tăng 9,2% CK; chăn nuôi phát triển cả về lượng và chất; trồng rừng đảm bảo đúng kế hoạch, công tác bảo vệ, chăm sóc, quản lý, vận chuyển, kinh doanh được quan tâm tốt.
Khu vực thương mại dịch vụ tăng trưởng cao, tập trung vào thương mại nội địa với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 72 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% CK. Chỉ số giá (CPI) tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ.
Về du lịch, hết tháng 10/2018, tổng khách du lịch đến tỉnh Quảng Ninh đạt trên 10,7 triệu lượt, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và bằng 89% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 3,6 triệu lượt, tăng 19%, đạt 72% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 17.500 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 80% so với kế hoạch năm.
Tại Quảng Ninh, môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện. Trong 10 tháng, UBND tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 43 dự án có vốn đầu tư trong và ngoài nước với tổng mức đầu tư đăng ký là 15,331 tỷ đồng, tăng 11% CK. Sau 10 tháng, Quảng Ninh có thêm 2.106 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 17.226 với tổng vốn đăng ký là 165.144 tỷ đồng.
Kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh
Với mục tiêu phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thành một địa bàn động lực, xứng đáng là cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh Quảng Ninh đã sớm quan tâm công tác xây dựng quy hoạch chiến lược với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.
Tỉnh luôn tìm tòi các giải pháp nhằm thu hút đầu tư ngoài ngân sách và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông, kết nối các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường ra biên giới, đường vào khu công nghiệp… góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm ở phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và quốc tế.
Việc xây dựng thể chế, cải cách hành chính được Quảng Ninh thực hiện theo hướng giảm thủ tục và thời gian giải quyết. Tỉnh thường xuyên tìm tòi, đưa ra các sáng kiến, giải pháp mới gắn với nhu cầu thực tiễn, mong muốn của doanh nghiệp. Quảng Ninh cũng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, nhất là đội ngũ quản trị, để đưa ra những giải pháp, quyết sách phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp song hành với lợi ích của người dân trong dài hạn. Việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng.
Hiện Quảng Ninh đang tập trung hoàn thiện Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn; hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xin phép thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên, với những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội; tập trung triển khai đề án xây dựng mô hình thành phố thông minh.
Với sự quyết liệt từ chính quyền trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, kết nối và lắng nghe doanh nghiệp, chủ trương thu hút đầu tư các dự án lớn cùng những đột phá chiến lược đã giúp tỉnh Quảng Ninh khẳng định vai trò là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế của miền Bắc.
Ngọc Minh