Giao diện hiện đại, đầy đủ tính năng, dễ sử dụng của sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh tại địa chỉ “https://ocopquangninh.com.vn/”.

Xác định kinh tế số phải được triển khai từ những phần việc, nội dung thiết thực nhất gắn với doanh nghiệp và người dân, để doanh nghiệp, người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng những thành quả, thời gian qua các sở, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế số, trước hết tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử (TMĐT).

Là dấu ấn tiêu biểu của tỉnh trên hành trình phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) hiện đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội rộng mở trên môi trường TMĐT.

Không chỉ giới hạn với các kênh phân phối, tiêu thụ truyền thống như các đại lý, các nhà bán lẻ, các đợt hội chợ, hiện trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của Quảng Ninh đã được quảng bá, kinh doanh trên các sàn TMĐT có tên tuổi của Việt Nam như: Voso, Postmart, Tiki,…

Riêng sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh tại địa chỉ “https://ocopquangninh.com.vn/” hiện giới thiệu 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh.

Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng, như: Miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, nước mắm Vân Đồn, nông sản Đông Triều, hải sản Cô Tô, gà Tiên Yên, trứng vịt biển Đồng Rui…

Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đã ký kết với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như: Giao hàng nhanh - GHN Express, giao hàng Viettel - Viettel Post, VNPT - VietNamPost... và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn, có tiếng, như: Lazada, Shopee, Fado, Tiki…

Đồng thời, tất cả sản phẩm đưa lên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong tất cả các khâu từ lựa chọn sản phẩm, chọn hình thức giao hàng, chọn phương thức thanh toán…

Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương tổ chức Tuần hàng Việt tại TX Đông Triều gắn với tổ chức hoạt động livestream quảng bá trực tuyến sản phẩm Na Đông Triều.

Là một trong những sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên) hiện được dán tem nhận diện thương hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc và đưa lên các sàn TMĐT, thu về nhiều kết quả tích cực hơn so với việc chỉ sử dụng kênh bán hàng truyền thống trước đây.

Anh Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tiến – một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất, kinh doanh trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên) chia sẻ: Từ khi HTX thay đổi hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh bán hàng online, đơn hàng cả trong và ngoài địa bàn tỉnh đã tăng đáng kể so với trước đây.

Hiện nay, trung bình 1 ngày HTX xuất ra thị trường từ 12.000 đến 15.000 quả trứng, trong đó có đến trên 60% đơn hàng đến từ sàn TMĐT hoặc mạng xã hội.

TMĐT cũng giúp đơn vị tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí không chính thức, giúp tập trung nhân lực vật lực vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh mạnh cho sản phẩm trên thị trường…

Bên cạnh sự phát triển của loại hình giao thương kinh tế mới trên môi trường điện tử, các loại hình thương mại truyền thống cũng từng bước được thụ hưởng những lợi ích do chuyển đổi số mang lại, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến mô hình "Chợ 4.0" đang được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn.

Từ năm 2022, bên cạnh việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở các trung tâm thương mại, khu hành chính và trong các lĩnh vực trọng yếu của kinh tế, xã hội như y tế, giáo dục, điện, nước… 13 địa phương của tỉnh đã đồng loạt triển khai mô hình "Chợ 4.0" – Thanh toán không dùng tiền mặt đối với các chợ trung tâm và chợ hạng I truyền thống trên địa bàn.

Thay vì phải chuẩn bị tiền lẻ và đối mặt với những rắc rối về việc trả tiền thừa, người mua và người bán chỉ cần sử dụng điện thoại di động để thực hiện giao dịch thông qua các hình thức như ngân hàng số, thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện tử, hay Mobile Money.

Người dân sử dụng thành thạo các hình thức thanh toán trực tuyến không dùng đến tiền mặt khi mua sắm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh.

Tính đến nay, đã có 19 chợ hạng 1; 11 chợ hạng 2 và 13 chợ hạng 3 đã triển khai thực hiện mô hình "Chợ 4.0"; 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%.

Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chuyển đổi số toàn diện, cùng với những kết quả đã đạt được trong phát triển TMĐT là cơ sở để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hoá đơn điện tử...

Nhân viên ngân hàng hướng dẫn, hỗ trợ các tiểu thương tại chợ Trung tâm huyện Hải Hà sử dụng dịch vụ internet banking.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu và quyết tâm đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm; tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%...

Đồng thời, tỉnh phấn đấu quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó, ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lĩnh vực lao động đạt trên 2%; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp được tiếp cận và có năng lực sử dụng nền tảng số.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải…

 Theo Minh Hà (Báo Quảng Ninh)