"Bắt bệnh" sự trì trệ của nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế QH cho rằng, một phần nguyên nhân do nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt các khoản tín dụng tập trung thái quá vào một nhóm tập đoàn kinh tế.

>> Kinh tế Việt Nam sáng hay xám?

>> Ông Vũ Khoan: Kinh tế đi xuống do chủ quan?

Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam và VCCI chủ trì tổ chức sẽ diến ra tại TP.Huế trong hai ngày 26&27/9. Như thường lệ, đây là dịp để  các chuyên gia và những người hoạch định chính sách đánh giá tình hình, tìm giải pháp cho giai đoạn sắp tới.

Đây cũng là hoạt động thường niên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do UNDP tài trợ.

Kinh tế Việt Nam đang lộ trình... xuống đáy

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên,  trong bài phát biểu sáng nay mang chủ đề "Kinh tế VN nghẽn mạch hay thoát đáy" đã đưa ra nhận định đáng chú ý: kinh tế Việt Nam đang  một mình... nghẽn mạch.

Ông Thiên tha thiết, 5 năm kể từ 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề; dư chấn vẫn còn, thậm chí rất mạnh, song nhìn chung, kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi.

Nhưng, đáng chú ý là Việt Nam lại không nằm trong quỹ đạo đó. Hiện nay, nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình "xuống đáy" mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại. Tình thế hiện nay đó là nền kinh tế Việt Nam bị "nghẽn mạch tăng trưởng" nặng nề trong khi các nền kinh tế khác trỗi dậy.

TS Trần Du Lịch (Ủy ban Kinh tế QH) cũng nhìn nhận, các chỉ số  chung vẫn cho thấy kinh tế Việt Nam đang  trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng. Những khó khăn hiện nay có thể nói, chính là hệ quả cuối cùng của 6 năm Việt Nam lâm vào tình trạng bất ổn vĩ mô (tính từ 2008).

{keywords}
TS Trần Du Lịch. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi có ảnh hưởng nhất định nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là từ nội tại. Xuất phát từ sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng; sự nhận thức không đúng mức "căn bệnh" nền kinh tế;  sự thực thi các giải pháp ngắn hạn nhằm đối phó tình hình đã làm cho thị trường mất phương hướng...

"Năm 2013 là năm thứ 6 và là giai đoạn  bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay", ông Lịch khẳng định. Kinh tế lâm vào trì trệ từ đầu  năm  2012.

Cụ thể, bước vào năm 2012, hệ quả của các biện pháp giảm tổng cầu (chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt theo NQ 11 của Chính phủ) đã tác động kìm hãm sức mua của thị trường và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Số lượng  DN ngưng hoạt động, phá sản, giải thể có xu hướng tăng nhanh từ đầu năm. Hệ thống ngân hàng thương mại từ quý IV năm 2011 lâm vào nguy cơ đổ vỡ dây chuyền do mất thanh khoản của một nhóm ngân hàng thương mại yếu kém.

Nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt các khoản tín dụng về bất động sản và cung cấp tín dụng tập trung thái quá vào một nhóm tập đoàn kinh tế, kể cả khu vực tư nhân làm tăng tính rủi ro của tín dụng và sự kém hiệu quả trong việc phân bố nguồn lực tài chính.

Từ quý II năm 2012 nền kinh tế nước ta thể hiện càng rõ nét đặc điểm: như một cơ thể vừa thiếu máu, vừa không tiếp nhận được máu. Doanh nghiệp thiếu vốn hoạt động; nhưng ngân hàng không tăng được tín dụng. Nợ xấu như "cục máu đông" gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn; "sức khoẻ" của nền kinh tế suy giảm nặng; niềm tin thị trường giảm sút; doanh nghiệp thiếu phương hướng hoạt động. Một bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa kèm theo nhiều lo lắng kéo dài cả năm 2012.  Bên cạnh cạnh những tồn tại từ cơ cấu kinh tế tích tụ từ nhiều năm trước chưa có biện pháp căn cơ để giải quyết, thì xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn mới.

{keywords}
Ảnh minh họa

6 năm bất ổn

Từ 2008 đến nay, hầu hết các chính sách  đều mang tính chất tình thế nhằm xử lý nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, mà tập trung nhất là chống lạm phát. Sự thay đổi chính sách liên tục (lúc thắt chặt, lúc nới lỏng nhất là chính sách tiền tệ) đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn. Không phủ nhận sự tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là sự bất cập của cơ cấu kinh tế và tác động tính hai mặt của các giải pháp về tài khóa và tiền tệ. Từ đầu năm 2012, sức mua chung của nền kinh tế suy giảm mạnh đã tạo nên vòng luẩn quẩn: sức mua giảm- tồn kho tăng- sản xuất giảm- nợ xấu tăng- tín dụng giảm...

Năm 2013, nền kinh tế tiếp tục gặp khó bởi  nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường. Nợ xấu chưa được cải thiện,  dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Những nỗ lực để làm ấm thị trường BĐS chưa mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện.

TS Trần Du Lịch phân tích, với xu hướng hiện nay, mục tiêu chung nhất là tốc độ tăng GDP cả năm chỉ có thể đạt được ở mức 5,2%.  Tốc độ tăng giá cả tiêu dùng (CPI) cả năm ước khoảng 7%. Tuy nhiên nếu không phối hợp tốt giữa 3 nhóm chính sách: tiền tệ; công chi và điều chỉnh giá những hàng hoá dịch vụ công thì khó kiềm chế được CPI theo mục tiêu.

"Nhìn chung, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 diễn ra không mấy khác biệt so với những nhận định từ Diễn đàn kinh tế Mùa xuân (tháng 4.2013), tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực cá biệt, nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể", TS Lịch khẳng định.

Chưa thể thoát trì trệ

Với bức tranh không mấy sáng sủa như trên, dự kiến, năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi trì trệ. Những khó khăn đặt ra trong năm 2013 (như đã nêu trên) vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2014. Đây được xem là thời điểm  thích hợp, là thời cơ  để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình. Còn nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra.

TS Trần Du Lịch cho rằng, trước mắt, vẫn tập trung nhiệm vụ giải quyết nợ xấu của NHTM để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn; trong đó phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản, mà ngân sách đang nợ doanh nghiệp.

Điều chỉnh gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho BĐS theo hướng kích thích phân khúc thị trường nhà ở "phổ thông", tức là loại nhà ở có giá dưới 1 tỷ đồng/căn hộ ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh và khoảng 500 triệu/căn hộ ở các địa phương khác thông qua công cụ tín dụng cho người mua nhà. Hỗ trợ trực tiếp người mua, chứ không hỗ trợ trực tiếp người bán.

"Vấn đề đang đặt ra là phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế, để tạo cơ sở cho việc xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo hướng tích cực. Mục tiêu lớn nhất là, nền kinh tế Việt Nam phải tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập để từ giai đoạn 2016-2020 có thể đạt được tốc độ tăng trưởng, như đã từng đạt được trong giai đoạn 1991-1996 và giai đoạn 2001-2007. Nếu nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, tức là khoảng 7- 8% mỗi năm, trong vòng vài thập niên, thì chúng ta không thể kỳ vọng đến sự thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và cũng không có tiền đề vật chất để nâng cao phúc lợi xã hội", ông Lịch đề xuất.

Giải pháp, theo ông Lịch, là xây dựng một Chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, nhằmchấm dứt tình trạng ban hành các giải pháp theo kiểu "ăn đong" như vừa qua.

Cụ thể là chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội từ 30-32% GDP trong 3 năm tới.

Cũng theo ông Lịch, trong 2 năm 2013 và 2014 cần mạnh dạn tăng công chi dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu. Cụ thể, tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% GDP hiện nay; phát hành trái phiếu Chính phủ, ngoài định mức 45 nghìn tỷ đồng/năm như Quốc hội đã cho phép nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở. "Chúng ta ý thức việc phải bảo đảm an toàn của nợ công, nhưng trong tình thế hiện nay, chính đầu tư công là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. Một khi nền kinh tế hấp thụ được vốn tốt hơn, có điều kiện để tăng tín dụng, thì sẽ giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân, cân bằng mức nợ công như Quốc hội đã cho phép", TS Lịch lưu ý.

Riêng với khu vực DNNN, ông Lịch cho rằng, sẽ không thể thành công nếu tái cơ cấu từng đơn vị riêng rẽ. Đây là việc mà Chính phủ phải làm.

Ngọc Lê

*Thông tin cụ thể về các hoạt động của diễn đàn, tham khảo tại: http://ecna.gov.vn

----

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam