Trong năm qua, chính sách kinh tế vĩ mô bất ổn kéo dài đã khiến cho bức tranh về nền kinh tế Viêt Nam trở nên khá ảm đạm đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trước những nỗ lực thắt chặt tài khóa và tiền tệ để giảm lạm phát, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng... mà Chính phủ đang thực hiện thì liệu các nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn sáng sủa hơn về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm tới hay không? Những chia sẻ của ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại TP. Hồ Chí Minh, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh và ông Paul John Jewell, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) sẽ phần nào giải đáp câu hỏi này. Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam năm 2013 Trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách kinh tế nhưng chưa có những kết quả rõ rệt. Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài thì liệu kinh tế Việt Nam có sự phục hồi trong năm 2013? Ông Yasuzumi Hirotaka: Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã nhận thấy những dấu hiệu phục hồi nền kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013. Đây là một kết quả khá lạc quan có được nhờ chính sách ổn định lạm phát của Chính phủ. Hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục vận hành nền kinh tế vĩ mô ổn định và liên tục trong tương lai.
Ông Yasuzumi Hirotaka,
Giám đốc Điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh
Ông Herb Cochran: Mặc dù không còn là điểm đến hàng đầu trong khu vực nhưng Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp của AmCham vẫn sẽ tiếp tục tăng cường nguồn vốn vào thị trường này. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục trong năm tới, đặc biệt là kinh tế nội địa. Những bất ổn trong nền kinh tế đã có từ những năm 2007-2008 và ngày càng trầm trọng, muốn ổn định trở lại có lẽ phải chờ đến năm 2014 hoặc 2015.
Ông Paul John Jewell: Các chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ của Chính phủ đạt những hiệu quả đáng kể về các chỉ số kinh tế vĩ mô nhưng việc duy trì đà tăng trưởng này trong năm tới là điều không dễ dàng. Các doanh nghiệp châu Âu lo ngại rằng tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam vốn đã khó khăn sẽ còn tiếp tục suy giảm trong sáu tháng đầu năm 2013. Còn khá nhiều dấu hiệu tiêu cực khó giải quyết ngày một ngày hai như sự sụt giảm lực lượng lao động, giá bất động sản sụt giảm và nguy cơ phá sản trong doanh nghiệp tăng...
Hiện những ngành kinh tế nào được xem là có tiềm năng phát triển?
Ông Paul John Jewell: Hầu hết các ngành kinh tế Việt Nam đều có tiềm năng và được các thành viên của EuroCham đầu tư trong thời gian qua. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ tăng nguồn vốn đầu tư cả về chất và lượng vào nhiều ngành kinh tế hơn nhưng tình hình kinh tế chưa có những cải thiện đáng kể khiến chúng tôi vẫn còn e ngại trong việc mở rộng kinh doanh.
Ông Herb Cochran: Những ngành mà Amcham cho là rất tiềm năng phát triển là ngành hàng tiêu dùng, ngành sản xuất hiện đại xuất khẩu trên toàn thế thới (như Intel, GE, Honeywell, Jabil, Samsung, Foxconn, Nidec, Canon...) và ngành dịch vụ. Ngày càng nhiều công ty Mỹ đầu tư nguồn vốn vào ngành công nghiệp hiện đại Việt Nam với các sản phẩm tạo giá trị gia tăng xuất khẩu.
Ông Yasuzumi Hirotaka: Các nhà đầu tư Nhật Bản thì rất chú trọng vào ngành công nghiệp phụ trợ (ngành hỗ trợ việc lắp ráp các sản phẩm cuối cùng thông qua cung cấp các bộ phận chi tiết, linh kiện sản phẩm hàng hóa trung gian khác) và ngành công nghiệp dịch vụ. Hình thức đầu tư không còn thiên về gia công xuất khẩu như trước đây mà mở rộng đầu tư theo nhu cầu trong nước và thị trường ASEAN.
Bên cạnh đó thì những ngành nào được cho là kém hấp dẫn nhất hiện nay?
Ông Herb Cochran: Những ngành không còn hấp dẫn như trước đây là: may mặc, giày da, đồ nội thất... vì chi phí lao động tăng và bị cạnh tranh gay gắt với các thị trường Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Mexico, Campuchia và Myanmar.
Những vấn đề đáng lo ngại của kinh tế Việt Nam
Những vấn đề cơ bản nhất gây cản trở sự phát triển kinh tế Việt Nam là gì?
Ông Herb Cochran: Trong tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn của Việt Nam, hai vấn đề nghiêm trọng nhất là nợ xấu tràn lan và doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ quản lý quá gay gắt hoạt động của doanh nghiệp như: việc định giá, giới hạn hàng nhập khẩu, giới hạn doanh nghiệp được phép kinh doanh, chương trình được phát sóng..., gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Yasuzumi Hirotaka: Theo JETRO thì còn khá nhiều vấn đề trong nền kinh tế Việt Nam gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế. Dễ thấy nhất vấn đề cơ sở hạ tầng chưa quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục và không thống nhất trong các chính sách cũng gây trở ngại lớn cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ngành công nghiệp xe hơi.
Những bất cập trong chính sách, pháp luật Việt Nam là một trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế không?
Ông Paul John Jewell: Tôi cũng đồng ý rằng vấn đề nằm ở các văn bản pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các văn bản quy định hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn như pháp luật về luật sư thông qua ngày 20-11 năm nay, giới hạn hoạt động của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam. Điều luật này chẳng khác nào một phản ứng nhằm giảm nguồn đầu tư nước ngoài của Chính phủ.
Ông Paul John Jewell, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) |
Ông Yasuzumi Hirotaka: Ngoài ra, khó khăn của nền kinh tế cũng xuất phát từ vấn đề ngân hàng như: thông tin ngân hàng không minh bạch, cải cách ngân hàng, nợ xấu...
Với rất nhiều trở ngại như trên thì liệu Việt Nam còn có thể là một điểm đến hấp dẫn cho các công ty nước ngoài?
Ông Paul John Jewell: Một điều cần khẳng định là các doanh nghiệp châu Âu ngày càng cảm nhận rõ Việt Nam sẽ là trung tâm ASEAN, có thể xây dựng thành một trung tâm kinh tế phục vụ tốt cho cả khu vực. Nhưng điều này khó thành hiện thực khi chưa giải quyết được những vấn đề mà chúng tôi đã đưa ra trong Sách trắng (Whitebook 2013) về"Các vấn đề thương mại, đầu tư và kiến nghị". Trong đó, các vấn đề lớn là tái cấu trúc ngân hàng, giá cả, vai trò của doanh nghiệp nhà nước và quyền sở hữu trí tuệ.
Giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam từ nhà đầu tư nước ngoài
Những giải pháp nào nên được thực hiện để thay đổi màu sắc của bức tranh về kinh tế Việt Nam trong năm tới?
Ông Yasuzumi Hirotaka: Không có cách nào khác hơn là cố gắng thay đổi để vừa phát triển nội lực vừa thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện đang được xem là một điểm đến có nhiều thuận lợi trong khu vực nhưng liệu những ưu điểm này sẽ duy trì được bao lâu? Việt Nam nên gia tăng tính thuận lợi trong đầu tư, tạo sức hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài.
Làm cách nào để gia tăng tính thuận lợi trong đầu tư?
Ông Yasuzumi Hirotaka: Bằng cách xúc tiến giải quyết các vấn đề sau: Đầu tiên là tháo gỡ bớt các quy định giới hạn tính tự do trong các hoạt động doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô. Thứ hai, Chính phủ tích cực hơn trong việc thực thi các chính sách, chiến lược phù hợp với từng ngành công nghiệp. Các bộ, ngành không nên phó mặc cho hoạt động của các doanh nghiệp riêng lẻ mà cần có chiến lược phát triển quy hoạch nhiều ngành công nghiệp. Thứ ba là thực hiện một cách hiệu quả và có kế hoạch về cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, vấn đề cần giải quyết cấp bách nhất vấn nạn tham nhũng. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề trên càng nhanh càng tốt vì thời điểm năm 2015 không còn xa.
Còn theo cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ và châu Âu thì sao?
Ông Herb Cochran: Theo AmCham, chính phủ nên lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Thực tế cho thấy rất nhiều ý kiến đóng góp của chúng tôi lẫn các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khác đều chưa được Chính phủ lưu tâm thực hiện. Một số kiến nghị của chúng tôi gồm:
- Cải thiện giáo dục và đào tạo để các sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng là lực lượng lao động chất lượng, có thể làm việc ngay.
- Cải thiện chất lượng dịch vụ hải quan, nhất là dịch vụ hải quan điện tử (e-Customsin). Hàng ngàn container từ cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) qua Thái Bình Dương đến bờ Tây Hoa Kỳ chỉ mất 15 đến 16 ngày trong khi thủ tục hải quan mất đến 21 ngày.
- Phát triển chất lượng các đơn vị cung ứng trong nước.
- Thay vì sử dụng các mẫu tham vấn kiến nghị từ doanh nghiệp, Chính phủ nên có những cuộc nói chuyện, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.
- Nỗ lực hết mình để loại bỏ tham nhũng - vấn đề nghiêm trọng nhất của Việt Nam.
Ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại TP. Hồ Chí Minh |
Ông Paul John Jewell: Như tôi đã nói, những vấn đề mà các thành viên EuroCham muốn Chính phủ lưu tâm để giải quyết là giá cả, vai trò của doanh nghiệp nhà nước và quyền sở hữu trí tuệ.
- Về giá cả: Chính phủ có thái độ không nhất quán trong vấn đề giá thị trường tự do và trong nhiều ngành. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài muốn tự định giá theo chi phí sản xuất và sự cạnh tranh thì việc kiểm soát giá của Chính phủ tạo ra lo lắng cho nhà đầu tư.
- Về vai trò doanh nghiệp nhà nước: Đóng góp của doanh nghiệp nhà nước ước tính đạt khoảng 40% ngân sách quốc gia, thường được nhận những ưu đãi trong vay vốn, tiếp cận đất đai, các mục tiêu lợi nhuận hạn chế... nhưng lại hoạt động không hiệu quả, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế chung.
- Về quyền sở hữu trí tuệ: Việt Nam mong muốn chuyển từ nền kinh tế chuyên sâu về lao động sang nền kinh tế công nghệ và các giá trị gia tăng. Nhưng các nhà đầu nước ngoài sẽ không muốn mang công nghệ của họ vào Việt Nam một khi vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện.
Lúc nào EuroCham cũng sẵn sàng đóng góp ý kiến để Việt Nam vượt qua khủng hoảng và tăng chất lượng đầu tư dài hạn từ nước ngoài. Ngược lại, Chính phủ Việt Nam cần có những tín hiệu rõ ràng thể hiện khát vọng phát triển kinh tế trong tương lai qua thỏa thuận Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và giải quyết sớm những vấn đề nêu trên.
Theo Xuân Lộc/DNSG cuối tuần