- Năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%. Sau những khó khăn chạm đáy vào năm 2012, nền kinh tế quốc gia đang cho thấy sự tăng trưởng khá ổn định khi luôn cao hơn mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2011 - 2017.
Những bước tăng tốc trên nền tảng vững chắc hơn
Tăng trưởng kinh tế tăng cao trong bối cảnh các biến số phản ánh ổn định kinh tế được cải thiện.
Thứ nhất, về tỉ lệ lạm phát. Trong những năm gần đây, tỉ lệ lạm phát có xu hướng giảm rõ rệt, năm 2017 là dưới 5% (thấp hơn tỉ lệ lạm phát trung bình giai đoạn 2011-2017 là 6,5%).
Thứ hai, về tỉ lệ nợ công/GDP. Từ 63,6% năm 2016, tỉ lệ nợ công/GDP năm nay đã giảm xuống còn 62%. Tốc độ tăng nợ công cũng đang có xu hướng giảm dần; giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng nợ công trung bình đạt 18,4%, năm 2016 tăng 15% và năm 2017 là 9%. Cùng với đó, bội chi ngân sách đang giảm, tỉ lệ chi thường xuyên trong chi ngân sách đã giảm xuống còn 64,9% năm nay và dự kiến là 64% vào năm 2018.
Thứ ba, cán cân thương mại cải thiện từ nhập siêu năm 2015 (3,2 tỷ USD), năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD và khả năng năm 2017 đạt thặng dư cán cân thương mại.
Như vậy, tăng trưởng kinh tế đang tăng tốc trên nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mức độ, tăng trưởng kinh tế còn thấp hơn so với những năm trước 2008, tỷ lệ nợ công cao, bội chi ngân sách còn lớn cho dù xu hướng đang dần cải thiện. Điều này phản ánh nhiều chính sách kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng nhưng tốc độ thẩm thấu các chính sách tốt vào cuộc sống còn chậm.
Riêng với sự phát triển của các ngành, dịch vụ đang chiếm vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng sản lượng ngành dịch vụ ở mức cao, cao hơn so với tăng trưởng sản lượng ngành công nghiệp và xây dựng và ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra, đóng góp cho tăng trưởng của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng cũng đạt mức cao nhất.
Triển vọng tăng trưởng trên nền tảng cải thiện hiệu quả và năng lực cạnh tranh
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và nền tảng kinh tế vĩ mô dần được cải thiện sẽ là cơ sở để duy trì tốc độ tăng trưởng cho năm 2018.
Bên cạnh diễn biến tích cực của các chỉ số kinh tế như bội chi ngân sách, nợ công, cán cân thương mại, tỷ lệ lạm phát... nền kinh tế đã có những cải thiện trong hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh. Hệ số ICOR năm 2017 đạt 4,93, thấp hơn so với năm 2016 là 5,15. Mặc dù có thể biến động lên xuống do nhiều yếu tố tác động, nhưng rõ ràng đường xu hướng ICOR giảm xuống. Điều này phản ánh hiệu quả đầu tư của nền kinh tế đang dần được cải thiện.
Hình 1. ICOR của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2017. Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của các tác giả. |
Ngoài ra, theo Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng từ 4,31 năm 2016 lên 4,4 năm 2017. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây.
Vai trò của doanh nghiệp lớn và Chính phủ trong nền kinh tế số
Danh sách 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017 của Vietnam Report được công bố ngày 05/12/2017 vừa qua đã vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho nền kinh tế nước nhà; trong số đó, 10 doanh nghiệp dẫn đầu phần lớn vẫn là các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng của Nhà nước. Cụ thể, 4/10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản, tài nguyên như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam; 2/10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; và chỉ có một doanh nghiệp FDI là Công ty Samsung Việt Nam.
Phần nào “bộ mặt” của nền kinh tế đang được phản ánh qua hoạt động của những doanh nghiệp lớn kể trên. Kinh tế nước ta tuy vẫn tiếp tục dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản nhưng về mặt xu hướng, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực – ít dựa vào khai thác tài nguyên và dựa nhiều hơn vào công nghệ, năng suất – sẽ đòi hỏi thời gian.
Kỷ nguyên công nghệ – cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với nhịp độ nhanh có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Nếu năm 2006, nhiều người biết đến Microsoft như một tập đoàn thuộc lĩnh vực công nghệ hiếm hoi nằm trong top đầu những công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, thì nay Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon hay Facebook đều đã xây dựng được tiếng tăm và chiếm giữ những vị trí đầu bảng.
Tại Việt Nam, một mặt, cuộc cách mạng này sẽ đem đến cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp và ngành nghề có sự chuẩn bị năng lực tốt để tận dụng cơ hội. Mặt khác, đó là thách thức cho nền kinh tế nói chung, một số ngành nghề không phù hợp và các doanh nghiệp thích nghi chậm với bối cảnh mới. Chẳng hạn, trong khi đem lại nhiều công nghệ mới và do đó là cơ hội mới cho các doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp như Hachi – doanh nghiệp xây dựng trang trại thủy canh trồng rau sạch bằng việc áp dụng công nghệ cao, điều khiển trồng rau từ xa, nó cũng gây ra nhiều khó khăn trong cạnh tranh cho các ngành nghề như taxi truyền thống...
Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ đã cảm nhận và nhận thức rõ ràng hơn về diễn biến của của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, tận dụng cơ hội hay giảm thiểu thách thức đòi hỏi sự nhận thức của các Bộ, Ban, ngành, địa phương; sau đó là sự tích hợp bối cảnh mới vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương; và đưa ra các giải pháp cụ thể, kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm làm cho cuộc cách mạng 4.0 trở thành cơ hội của nền kinh tế, đem lại lợi ích cho các ngành và doanh nghiệp thay vì thách thức và các phí tổn cho ngành và doanh nghiệp.
Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, nhiều doanh nghiệp lớn đánh giá tốt về hiệu quả của những chính sách giúp doanh nghiệp tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thủ tục hành chính hay nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... từ phía Chính phủ trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập.
Đánh giá của doanh nghiệp về những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ được thực hiện trong thời gian qua. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp lớn Việt Nam (VNR500) – Vietnam Report, tháng 11/2017. |
Nhìn chung, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn là rất tích cực, tuy nhiên về trung và dài hạn, nó sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các chính sách của Chính phủ và tốc độ thẩm thấu của các chính sách tốt vào nền kinh tế. Chính sách của Chính phủ có thể được thiết kế tốt nhưng việc gỡ bỏ các rào cản, cản trở và sức ỳ thể chế để chính sách tốt có tác động hiệu quả tích cực lên nền kinh tế, lên hoạt động của các doanh nghiệp mà đón đầu là những doanh nghiệp lớn sẽ là thước đo quan trọng phản ánh năng lực thực sự của một “Chính phủ kiến tạo và hành động để phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp tới cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước. Năm thứ 11 liên tiếp, Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietnamNet tổ chức Lễ công bố VNR500 vào ngày 19/01/2018 tại Khách sạn Grand Plaza, Hà Nội. |
TS. Phạm Sĩ An