Trước đây, để vào được xã Mường Hoong, người dân phải băng rừng lội suối nhiều ngày trời mới đến nơi. Đường đi khó nên hàng hóa, nông sản không đi ra được nên có làm cũng không ai vào thu mua.

Nhưng từ khi tuyến giao thông liên xã nối trung tâm huyện với các xã dưới chân núi Ngọc Linh, con đường đến với xã đã thuận tiện hơn rất nhiều. Xe máy, xe ô tô, xe tải thu mua nông sản vào tận xã nên rất thuận lợi cho bà con, góp phần thúc đẩy bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

{keywords}
Kon Tum nâng cấp các tuyến giao thông, đời sống vùng biên thay đổi rõ

Hay như tuyến nối trung tâm huyện Đăk Glei vào xã biên giới Đăk Nhoong cũng được đầu tư mở rộng. Từ đó, tạo động lực cho các làng biên giới mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nhiều loại nông sản tăng thu nhập và cải thiện đời sống vùng biên thay đổi rõ rệt.

Xác định giao thông thuận lợi chính là cầu nối để phát triển kinh tế liên vùng, tạo điều kiện thông thương thuận lợi cho hàng hóa, nông sản… chính quyền huyện Đăk Glei đã tận dụng mọi nguồn lực, kêu gọi sự đầu tư kết hợp cùng các chính sách của Đảng và Nhà nước nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là những tuyến đường giao thông nối các vùng khó khăn với trung tâm huyện.

Thời gian qua, huyện luôn chú trọng vào công tác phát triển, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn. Hàng năm, từ các nguồn kinh phí, huyện đều trích phần lớn ưu tiên để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn.  Chẳng hạn, năm 2019 trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 kể cả vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, huyện Đăk Glei được bố trí hơn 73 tỷ đồng; trong đó, ưu tiên lĩnh vực giao thông hơn 54 tỷ đồng.

Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện đã có 9/11 xã đạt tiêu chí giao thông về nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triền kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã khó khăn.

Bài: Lê Hồng Hạnh - nhóm PV
Ảnh: Trương Thanh Tùng - nhóm PV