Nằm ở ngã ba Ðông Dương, giáp với Lào và Campuchia, Kon Tum có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm nên thích nghi, là môi trường thuận lợi cho nhiều loại dược liệu quý hiếm sinh trưởng và phát triển. Theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc; 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, lan Kim Tuyến, Hồng đẳng sâm...
Từ tài nguyên đất đai, khí hậu sẵn có, cộng với quyết tâm của tỉnh, Kon Tum có cơ hội lớn để phát triển thành vùng dược liệu quốc gia.
Xây dựng tầm nhìn, lộ trình nâng tầm cây dược liệu
Nghị quyết Ðại hội lần thứ 16 Ðảng bộ tỉnh Kon Tum xác định, tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh... Tăng cường đầu tư đồng bộ từ khâu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý giống, nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
Ðể khai thác tiềm năng, thế mạnh về dược liệu, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển dược liệu với mục tiêu đến năm 2030, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 10 nghìn ha, các cây dược liệu khác khoảng 15 nghìn ha, sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130 nghìn tấn. Ðến năm 2045, tỉnh Kon Tum phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu lớn của cả nước với 16 nghìn ha sâm Ngọc Linh, 20 nghìn ha cây dược liệu khác.
Xây dựng tầm nhìn, lộ trình nâng tầm cây dược liệu, UBND tỉnh đã ban hành quyết định 871 về phê duyệt đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mới đây là kế hoạch số 2232 nhằm sớm đưa tỉnh thành vùng trồng dược liệu trọng điểm quốc gia để cụ thể hóa Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh giao thực hiện là tăng cường thu hút doanh nghiệp lớn, uy tín để liên doanh, liên kết với người dân trồng và tiêu thụ dược liệu; đưa dược liệu trở thành yếu tố thu hút khách du lịch; tận dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu dược liệu.
Quy hoạch 1.220ha trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh
Kon Tum sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng và tăng cường chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm, hàng hóa từ sâm Ngọc Linh. Theo kế hoạch, tỉnh đã xây dựng quy hoạch 1.220ha trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh để phát triển các loài dược liệu; xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng với tổng diện tích hơn 102.000ha, trong đó có 10.000ha rừng để phát triển sâm dưới tán rừng.
Tỉnh đề ra mục tiêu, hình thành mới 5 cơ sở sản xuất giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, bảo đảm nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích dược liệu… Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống; khai thác khoảng 5.000 tấn dược liệu các loại, trong đó khai thác từ tự nhiên 700 tấn; khai thác từ dược liệu trồng khoảng 4.300 tấn...
Để hình thành được vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và sớm trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, tỉnh Kon Tum đang đề nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng chương trình/dự án đầu tư phát triển dược liệu trọng điểm quốc gia sử dụng Ngân sách hỗ trợ của Trung ương; đồng thời ban hành chương trình phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến 2045 để các địa phương chủ động triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy mở rộng diện tích có sâm Ngọc Linh, đa dạng các sản phẩm chế biến từ sâm để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum đề nghị được thực hiện thí điểm trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bảo vệ bền vững tài nguyên rừng đặc dụng.