- Lệnh "bắt ngay" được phát ra khi đối tượng xách cả bao tải ma túy bước chân vào phòng số 7, khách sạn Viêng Thong (huyện Pạc Ca Đinh, tỉnh Bô ly khăm xay, Lào) lúc 11h25' ngày 8/4/2012. Cửa mở tung. Phải tới 6 trinh sát thiện nghệ mới trói gô được người đàn ông to béo, trắng trẻo mà người dân Việt Nam đã từng quen mặt từ năm 1996: Xiêng Phênh.
Kỳ trước:
Kỳ 2: Bí mật quây bắt 'cá voi 5.000 tấn' trên biển Đông
Kỳ 1: Quây bắt 'cá voi' trên biển Đông
Đánh án
11h25' ngày 8/4/2012, một chiếc xe bán tải Toyota VIGO biển kiểm soát Lào chạy vào góc cắt giữa 2 dãy nhà của khách sạn Viêng Thong (bản Viêng Khăm, huyện Pạc Ca Đinh, tỉnh Bô-ly-khăm-xay, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào). Một người đàn ông to béo, áo trắng từ trên xe bước xuống, sau một lúc quan sát thì lôi từ trên xe một bao tải nặng xách vào căn phòng số 7.
Người này xô cửa vào phòng, cửa vừa khép lại, giao dịch chưa kịp diễn ra thì cánh cửa bật tung, một bóng đen thấp đậm từ ngoài lao vào. Một cú đá song phi như trời giáng trúng ngay giữa ngực người đàn ông áo trắng, hất người này vào sát góc tường. Hàng loạt bóng đen khác từ ngoài cửa lao ào vào, đè nghiến người áo trắng xuống đất.
Sau vài giây choáng váng, người đàn ông áo trắng bắt đầu vùng vẫy, kêu rống lên vang khắp khu nhà bằng tiếng Lào. Những người truy bắt phải vơ vội ga trải giường nhét thẳng vào miệng để bịt tiếng kêu. Phải mất gần 10 phút, dưới sức đè nghiến của 6 người, người đàn ông áo trắng mới chịu thúc thủ, tra tay vào còng.
Căn phòng số 7 trong dãy nhà 3 phòng đánh số từ 7-9 này là nơi Xiêng Phênh bị 6 trinh sát đặc nhiệm phòng chống ma túy của biên phòng Việt Nam và công an Bô-ly-khăm-xay đè nghiến, còng lại cùng tang vật 39 bánh heroin ngày 8/4/2012. |
Khám xét tại chỗ, trong bao tải người đàn ông to béo xách theo là 39 bánh heroin. Lật ngửa gương mặt, thấy không phải ai xa lạ, mà là một cái tên rất quen: Xiêng Phênh.
Cùng thời điểm cuộc giằng co quyết liệt diễn ra ở căn phòng số 7, ngay cổng vào khách sạn Viêng Thong, một chiếc bán tải lao tới chắn ngang cổng, bịt kín đường vào. 20 chiến sỹ mặc giáp sắt, mũ sắt, AK báng gập lên đạn sẵn sàng, mang sắc phục công an Lào xuất hiện, khống chế mọi nẻo đường vào-ra khách sạn này. Toàn bộ khách sạn Viêng Thong bị vây kín trong vòng bảo vệ an ninh tuyệt đối, "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Ngoài quốc lộ 13, con đường xương sống xuyên dọc nước Lào, 3 chiếc xe bán tải chạy qua chạy lại, như muốn tìm cách xâm nhập cứu ông trùm. Trên chiếc xe bán tải mà Xiêng Phênh dùng chở 39 bánh heroin đang đậu trong góc khuất khách sạn Viêng Thong, máy điện thoại của y đổ chuông liên tục.
Trước đó, lúc 10h45', Xiêng Phênh đến kiểm đếm tiền giao dịch, quan sát địa điểm giao hàng cùng với tài xế là con rể của y. Sau khi thấy an toàn, "con cáo già" mới đi lấy hàng, rồi một mình lái xe quay lại địa điểm mua bán.
Chiếc xe tải chở 1 tấn cần sa từ thị trấn Lạc Xao ra ngã 3 Thàng Bèng để xuôi đường 13 về phía Hạ Lào, bị chặn bắt ngày 7/4/2012 tại đường cua hẹp thuộc địa phận bản Pà Kha (huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô-ly-khăm-xay), thu giữ 1 tấn cần sa ếp khô trên xe. Cứ 1 xe tải này đưa trót lọt về sát biên giới Campuchia, đổi ngang được chiếc ô tô bán tải Toyota VIGO. Chuyên án này bí số 433-LV, trong đường dây ma túy của Xiêng Phênh. |
Chỉ sau 15 phút trói gọn Xiêng Phênh, chiếc xe bán tải của ông trùm có tài xế mới, là một cán bộ công an Lào cầm lái. Xiêng Phênh được quấn kín trong tấm chăn của khách sạn, nằm bẹp ở hàng ghế sau. Đoàn xe rời khách sạn Viêng Thong, chiếc chở Xiêng Phênh đi giữa, lao thẳng về trụ sở công an tỉnh Bô-ly-khăm-xay.
39 bánh heroin, 250 ngàn đô la Mỹ, một chiếc xe bán tải Toyota VIGO, ông trùm ma túy nổi danh Xiêng Phênh vừa được đặc xá ở Việt Nam ngày 2/9/2010, sau 16 năm ngồi tù vì tội "Buôn bán trái phép chất ma túy" là kết quả thu được. Chuyên án mang bí số 432-LV chính thức khép lại.
"Ước mơ đuổi gà" của ông trùm ma túy
Cái tin Xiêng Phênh bị bắt tại tỉnh Bô-ly-khăm-xay (CHDCND Lào) chỉ chưa đầy 2 năm sau ngày được đặc xá tại Việt Nam gây xôn xao dư luận. Thậm chí có nhà báo ở Việt Nam còn đặt câu hỏi "có thật là tù nhân Xiêng Phênh hay cười?" từng rất nổi tiếng với vụ án buôn cùng lúc 90 bánh heroin trong đường dây ma túy Xiêng Phênh-Vũ Xuân Trường năm 1996.
Lịch sử tư pháp Việt Nam ghi nhận cái tên Xiêng Phênh là một trường hợp hy hữu sống sót, sau khi bị Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá, trước giờ ra pháp trường "dựa cột" mới chịu khai ra một đường dây buôn bán ma túy lớn nhất thời điểm lúc bấy giờ. Với việc khai ra đường dây này, Xiêng Phênh được giảm án tử hình xuống chung thân.
Ngày 18/1/1995, Xiêng Phênh cùng em họ vợ là Xiêng Nhông, trú bản Xốp Nạo, huyện Mường Mày, tỉnh Phông Xa Lỳ (CHDCND Lào) lái chiếc Toyota biển số Lào 0054 di chuyển trên đoạn đường Giảng Võ - Đê La Thành (Hà Nội) thì bất ngờ bị cảnh sát chặn lại. Qua kiểm tra, khám xét lực lượng cảnh sát phát hiện 90 bánh hêrôin (trọng lượng 15,05 kg) được giấu ở các ngóc ngách trong xe. Ngay lập tức, Xiêng Phênh và Xiêng Nhông bị bắt.
Sau 7 tháng giam cứu, Xiêng Nhông được thả vì Nhông khai là lái xe thuê, không biết việc làm của Phênh, còn Phênh cũng khai như vậy. Thế nhưng, chỉ một tháng rưỡi sau khi được trả tự do, Xiêng Nhông bị Công an tỉnh Lai Châu lúc đó (nay là tỉnh Điện Biên) bắt quả tang buôn ma túy qua cửa khẩu Pa Thơm và bị tuyên án tử hình sau đó.
Năm 1997, Xiêng Phênh ra trước vành móng ngựa trong vai trò nhân chứng, trong một phiên tòa nhiều kỷ lục ở Việt Nam lúc đó: Buôn lớn nhất (90 bánh heroin), nhiều người liên quan nhất, thời gian kéo dài nhất... Phênh thoát án tử hình nhờ khai ra Vũ Xuân Trường và nhiều đồng bọn khác trước giờ ra pháp trường "dựa cột". |
Còn Xiêng Phênh, y vẫn nghĩ Vũ Xuân Trường và các bậc đàn anh sẽ có cách cứu nguy cho mình nên trong suốt hơn một năm rưỡi, mặc cho tra khảo, y quyết không khai ra một đồng bọn nào. "Khoảng một tháng sau ngày bị bắt, Vũ Hữu Chỉnh cùng Vũ Xuân Trường vào gặp tôi. Trong khi Trường động viên tôi cứ khai hết sự thật thì Vũ Hữu Chỉnh lại có thái độ ngược lại, ý nói rằng khai với cơ quan điều tra thế nào thì ra tòa cứ khai như thế, mọi việc sẽ an bài... Lúc đó tôi vẫn nghĩ, rồi họ sẽ có cách cứu tôi vì một đường dây phải vài người bị bắt nhưng đằng này chỉ có mình tôi nên tôi rất tin họ đã có cách. Nghĩ vậy nên tôi tin chắc mình sẽ không bị xử bắn và nhất quyết không khai ra ai, thậm chí khi cán bộ điều tra bảo với số lượng từng ấy ma túy, phải dựa cột tới vài lần, tôi vẫn cười...", Xiêng Phênh kể.
Rạng sáng 21/6/1996, Xiêng Phênh được cán bộ thi hành án cho ăn bữa cơm cuối cùng để ra pháp trường "dựa cột". Đến lúc đó, Phênh mới hiểu đồng bọn đã "hứa một đằng làm một nẻo", để y chịu tội một mình. Phênh xin khai. Người ra quyết định táo bạo, đứng ra đảm bảo cho Phênh được hoãn thi hành án tử hình lúc đó là ông Nguyễn Đức Nhanh (lúc bấy giờ là Trung tá, Trưởng phòng cảnh sát điều tra (PC16) - Công an TP. Hà Nội, thành viên Hội đồng thi hành án), về sau là Trung tướng, nguyên Giám đốc Công an TP.Hà Nội.
Từ lời khai của Phênh, đường dây buôn ma túy với sự tham gia của Vũ Xuân Trường, Vũ Hữu Chỉnh... và một số cán bộ công an, biên phòng lần lượt bị lôi ra ánh sáng. Thời điểm đó, đường dây ma túy Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường chiếm ngôi vị quán quân trên nhiều phương diện: Thời gian dài nhất, số lượng ma túy lớn nhất, nhiều án tử hình, chung thân nhất và cũng được dư luận chú ý nhiều nhất...
Chỉ 2 tuần sau cuộc hoãn thi hành án tử hình Xiêng Phênh, ngày 4/7/1996 Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự, đồng thời bắt tạm giam và khám xét nơi ở cùng lúc Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe, Nguyễn Trọng Thắng, Dương Ngọc Thắng, Tạ Thị Hiển, Lại Thị Ngấn. 16 đối tượng còn lại bị bắt rải rác sau đó.
Xiêng Phênh, tử tù thoát án dựa cột phút 89' tại Việt Nam năm 1996, tại trại giam Thanh Xuân ngày 2/9/2010, ngày anh ta được nhận quyết định đặc xá. |
Sau 10 tháng tiến hành các hoạt động tố tụng, chuyên án đường dây ma túy xuyên quốc gia Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường kết thúc bằng phiên tòa xét xử sơ thẩm kéo dài 12 ngày (từ ngày 2 đến 14/5/1997) tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. Trong số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử trong giai đoạn 1 đã có nhiều bị cáo bị tuyên án tử hình.
Đó là Vũ Xuân Trường (nguyên đại úy, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống ma túy Phòng 5, C14), Bùi Danh Ca (nguyên đại úy, đồn phó, kiêm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu Tây Trang, Lai Châu), Vũ Phong Mã (nguyên đại úy, trưởng Phòng hậu cần Công an Lai Châu), Đào Xuân Xe (lái xe Công ty Vận tải ôtô số 3), Nguyễn Trọng Thắng, Dương Ngọc Thắng (đều là công an ở Lai Châu) và Lại Thị Ngấn (không nghề nghiệp)...
Tính từ ngày Xiêng Phênh bị bắt (ngày 18/1/1995) đến khi kết thúc điều tra (ngày 30/3/1997), Công an TP. Hà Nội đã làm rõ tổng số ma túy mà đường dây này buôn bán, vận chuyển là 250,605kg heroin và 210kg thuốc phiện (trong khi số ma túy bị thu giữ chỉ có 5,455kg heroin). Ngoài hơn 5kg heroin, CQĐT còn thu giữ của các đối tượng 2 xe du lịch, 172.500 USD và 63 triệu đồng.
Các đối tượng Xiêng Phênh, Xiêng Văn Đi, Xiêng Khăm Chăn, Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe, Bùi Danh Ca đã dẫn dắt đường dây ma túy này hoạt động từ năm 1992, 11 lần đưa ma túy thẩm lậu vào Việt Nam qua các cửa khẩu tỉnh Lai Châu cũ, sau đó vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ.
Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh, người vẫn được biết tới như một "sát thủ" đối với giới buôn ma túy qua đường 8A vào Việt Nam. Trong 5 năm, trực tiếp thượng tá Hải chỉ huy 100 chuyên án, bắt 115 đối tượng buôn bán ma túy qua ngã cửa khẩu Cầu Treo và trên đất bạn Lào. |
40 bị can bị tạm giữ, 34 đối tượng có liên quan cũng được triệu tập, trong đó 22 đối tượng bị đưa ra truy tố. 8 án tử hình được tuyên; 8 bị cáo bị kết án chung thân trong đó có Xiêng Phênh vì "có công" giúp công an Việt Nam bóc gỡ đường dây ma túy lớn nên được tha tội chết.
Năm 1998, Vũ Xuân Trường bị thi hành án tử hình, những đồng bọn như Vũ Hữu Chỉnh, Nguyễn Trọng Kỳ, Đỗ Tuấn Anh bị đưa đi cải tạo ở các trại giam Nam Hà. Đến năm 2005, Đỗ Tuấn Anh được đặc xá, những người khác vẫn ở lại đây cho đến nay.
Thụ án tại trại giam Thanh Xuân, Xiêng Phênh nổi tiếng bởi biệt tài khéo tay khi khâu bóng. Gương mặt luôn cười rất tươi như cám ơn cuộc đời đã cho y tiếp tục được sống, Phênh ngoan ngoãn chấp hành tốt mọi nội quy của trại, 5 lần được giảm án. Năm 2009, Phênh từng tâm sự với cánh phóng viên rằng, ước mơ lớn nhất của tù nhân "nổi tiếng" này là có ngày được ra tù, về nước, "được sống những ngày tự do đuổi gà giúp vợ".
Ngày 2/9/2010, Xiêng Phênh được đặc xá, tha tù trước một tháng thời hạn hoàn thành chấp hành hình phạt tù, đích thân Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Trương Vĩnh Trọng lúc đó trao quyết định đặc xá cho y.
Nhưng cùng lúc đó, cách Hà Nội hơn 400km, có một người đeo quân hàm trung tá thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh không tin vào ước mơ "về nhà đuổi gà giúp vợ" tưởng chừng rất giản dị của ông trùm ma túy xuyên quốc gia này.
Trường Minh - Duy Tuấn
(Còn nữa)