- Hơn 7 năm, trải qua 4 phiên xét xử, vụ “kỳ án vườn Mít” lại đáo tụng đình, hứa hẹn sẽ có nhiều tranh cãi gay gắt xung quanh chứng cứ buộc tội đối với “từ tù” Lê Bá Mai.

Viện Kiểm sát bảo lưu quan điểm buộc tội

Sáng 18/5, TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục đưa ra xét xử vụ trọng án giết người, hiếp dâm dã man mà dư luận quen gọi là “kỳ án vườn Mít”. Giữ vai trò chủ tọa phiên tòa là ông Hoàng Thanh Dũng.

Bị cáo Lê Bá Mai (SN 1982, ngụ tỉnh Thanh Hóa, tạm trú huyện Bình Long (nay là huyện Hớn Quản) tỉnh Bình Phước – người từng bị TAND địa phương 2 lần tuyên mức án từ hình trong 3 lần xét xử trước đây - vẫn giữ nguyên nụ cười trong lần đáo tụng đình lần thứ 4 này. Như vậy hơn 7 năm kể từ khi vụ trọng án giết – hiếp xảy ra, và đã qua 3 phiên xét xử, cơ quan công tố tỉnh Bình Phước vẫn chưa đủ chứng cứ buộc tội Lê Bá Mai là hung thủ gây ra vụ án trên.

“Tử tù” Lê Bá Mai
Bảo vệ quyền lợi của bị cáo Lê Bá Mai trong phiên xét xử vẫn là 2 luật sư gồm: ông Phan Long Ẩn (đoàn luật sư tỉnh Long An) và ông Trịnh Thanh (Văn phòng luật sư Người Nghèo thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Theo đó, văn bản mới nhất của Viện KSND tỉnh Bình Phước ký vào ngày 30/11/2010 (tức sau hơn 4 tháng phiên xét xử lần 3 diễn ra) có nói rằng “Viện KSND tỉnh Bình Phước nhận hồ sơ vụ án Lê Bá Mai để điều tra bổ sung theo yêu cầu điều tra của HĐXX”.

Suốt 7 năm nay, ông Lê Bá Triệu vẫn tin rằng con mình bị oan, đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chính quyền từ tỉnh Bình Phước đến Trung ương
Cũng tại văn bản này, cơ quan công tố địa phương đã tiếp tục giữ quan điểm buộc tội đối với bị cáo Lê Bá Mai “Sau khi nghiên cứ những tài liệu điều tra bổ sung có trong hồ sơ, Viện kSND tỉnh Bình Phước thấy rằng, kết quả điều tra bộ sung không làm thay đổi nội dung vụ án”.

Chính vì cơ sở đó, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã giữ nguyên quan điểm buộc tội Lê Bá Mai về các tội danh “giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”.

Tại phiên tòa sáng 18/5, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước đã công bố nội dung cáo buộc mới nhất, nhưng cũng không có gì khác với những bản cáo trạng buộc tội Lê Bá Mai trước đây.

Cụ thể, nội dung cơ bản của vụ án là vào ngày 12/11/2004, Lê Bá Mai được một người dân thuê đi rải phân trồng mì tại một trang trang trại tại huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Lúc làm việc, Mai thấy 2 cháu gái là Thị Út (11 tuổi) và Thị Hằng (9 tuổi) đang mót củ mì gần đó. Đến 9h sáng cùng ngày, sau khi làm việc xong, Mai về chòi lấy xe máy chạy đến, rủ Út vào khu vực vườn Mít cách đó khoảng 1,5km.

Tại đây, Mai rủ Út “làm bậy” nhưng bị cháu bé này kháng cự và dọa sẽ mách cha mẹ của mình về việc này. Lo sợ vụ việc vỡ lở, Mai đã dùng tay phải đánh vào gáy, làm Út ngất xỉu. Tiếp đó, Mai thực hiện hành vi giao cấu với Út, rồi dùng chính quần của Út để xiết cổ nạn nhân đến chết. Xong việc, Mai đặt thi thể Út dưới một gốc mít cách hiện trường khoảng 3,5 m.

Lê Bá Mai bị bắt giữ sau đó không bao lâu. Qua 2 phiên xét xử sơ và phúc thẩm, người thanh niên này bị tuyên cáo buộc 2 tội danh với hình phạt chung là tử hình. Nhưng vụ án trở thành “kỳ án” khi những người có chức trách ở cấp cao như: bà Nguyễn Thị Hoài Thu – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, ông Trần Thế Vượng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, và chính Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, cuối cùng vụ án đã được hủy để điều tra, xét xử lại từ đầu

“Kỳ án” sẽ tiếp tục.. rối

Được biết, cho đến thời điểm hiện nay, bản thân bị cáo Lê Bá Mai liên tục kêu oan, cho rằng mình không phải là hung thủ gây án.

Gia đình của “tử tù” này liên tục có đơn gửi đến các cơ quan từ địa phương đến Trung ương để kêu oan. Họ đã có những ngày đối mặt với sự lo sợ kinh hoàng, vì Lê Bá Mai có thể sẽ bị thi hành án bất cứ lúc nào. Nhưng đến nay, vụ án lại quay lại điểm xuất phát ban đầu, họ cảm thấy nhẹ nhõm được phần nào.

Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ “kỳ án vườn Mít” ngày 18/5
Xuất hiện trước phiên tòa sáng 18/5, cũng như trong phiên tòa xét xử diễn ra vào tháng 7/2010, Lê Bá Mai vẫn khẳng định là đã bị cán bộ điều tra đánh, ép cung, bắt phải học thuộc lòng lời khai theo sự chỉ dẫn của các điều tra viên.

HĐXX cũng chú ý đến tình tiết này, truy hỏi Lê Bá Mai về việc bị “mớn, ép cung” như thế nào? Vì sao ở nhiều bản tự khai có sự khác biết nhau.

Dư luận cho rằng, việc cơ quan công tố bảo lưu quan điểm như ban đầu cho đến thời điểm hiện nay, thì có khả năng kỳ án sẽ tiếp tục đi vào vòng lẩn quẩn, không biết khi nào có hồi kết.

Cụ thể là Viện KSND vẫn dùng những chứng cứ cũ để buộc tội, mà trước đây tại phiên xét xử lần 3 nhưng quan điểm về chứng cứ có vẻ đuối lý trước 2 luật sư của bị cáo. Việc bị cáo Lê Bá Mai có tội hay không, đến nay dư luận có nhiều luồng khác nhau.

Tuy nhiên, có sự thật mà dư luận đang quan tâm và đặt ra trong tiến trình diễn tiến vụ án là cơ quan công an đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Cụ thể như lời khai của nhân chứng Thị Hằng (lúc đó 9 tuổi), tường trình không thống nhất. Lúc thì khai báo người đi với Thị Út trước khi xảy ra vụ án là người thanh niên có nhân dạng giống Lê Bá Mai; có lúc khẳng định đó chính là Lê Bá Mai. Những nhân chứng khác thì cũng khai báo dựa trên cơ sở lời kể lại của Hằng.

Về các vật chứng của vụ án như: bình xịt thuốc, bình đựng nước đá… trước sau có sự bất nhất trong lời khai của các nhân chứng và bút lục của cơ quan điều tra. Hay việc cơ quan công an tự ý vào nơi ở của Lê Bá Mai thu giữ tang vật, không có sự chứng kiến của những người tại đây; bỏ sót 4 cọng tóc lạ ngay tại hiện trường vụ án; cũng như hồ sơ vụ án có dấu hiệu bị cạo sửa, thêm bớt; việc bảo quản vật chứng cũng có… vấn đề…

Mà theo 2 vị luật sư bào chữa cho Lê Bá Mai thì những tiền trình này của cơ quan công an có dấu hiệu vi phạm và cần phải làm rõ trong những ngày xét xử sắp tới.

Đàm Đệ