LTS: Câu chuyện về quản lý thị trường vàng đang nóng. Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về diễn biến không bình thường của giá vàng SJC trong suốt thời gian dài. Điều này gây thiệt thòi và tạo tâm lý bất an cho người dân, làm méo mó thị trường. Từ thực tế trên, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia… đề nghị cần có giải pháp kéo giá vàng SJC về đúng giá trị thực.

Kỳ lạ giá vàng Việt Nam một mình một chợ ảnh 1

Biểu đồ trên cho thấy giá vàng tại Việt Nam gần như cách ly hoàn toàn với giá vàng thế giới. Biểu đồ: THÙY LINH

Mới đây, trong phiên chất vấn Quốc hội, một số đại biểu đã nêu rõ những bất hợp lý trên thị trường vàng trong nước. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC quá đắt so với giá vàng thế giới, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng/lượng.

Vàng SJC gần như cách ly với thế giới

Vào khoảng cuối tháng 6-2020, giá mua vào - bán ra đối với vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ ở mức 48,9-49,27 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm này, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch phổ biến ở mức 1.770 USD/ounce, tương đương khoảng 49,7 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Với mức này, giá vàng SJC thấp hơn so với giá vàng thế giới 400.000-500.000 đồng/lượng.

Thế nhưng đùng một cái đến cuối năm 2020, vàng SJC lội ngược dòng khi đắt hơn vàng quốc tế khoảng 2,5 triệu đồng/lượng. Biên độ này ngày càng rộng thêm và đến cuối năm ngoái, mức chênh lệch giữa vàng SJC và giá vàng quốc tế lên đến gần 12 triệu đồng/lượng.

Đỉnh điểm là vào ngày 8-3 vừa qua, giá vàng SJC liên tục tăng sốc, có lúc giá bán ra được các tiệm vàng đẩy lên mức trên 74,4 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao kỷ lục của giá vàng SJC. Đáng chú ý là vàng SJC xác lập kỷ lục mới trong bối cảnh vàng quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt. Diễn biến quá bất thường này khiến vàng SJC đắt hơn gần 20 triệu đồng so với giá vàng thế giới quy đổi.

Lý giải về mức chênh lệch ngày càng khủng này, anh Tuấn, chủ một tiệm vàng ở quận 5, TP.HCM, cho biết: Tính từ đầu năm đến tháng 3 vừa qua, giá vàng thế giới quy đổi chỉ tăng hơn 7 triệu đồng/lượng, trong khi vàng SJC lại tăng sốc tới trên 13 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng thế giới đảo chiều giảm và đến thời điểm này đã bốc hơi gần hết phần lợi nhuận đạt được trong ba tháng đầu năm.

Thế nhưng điều lạ lùng là trong cùng thời gian trên, giá vàng miếng SJC chỉ giảm hơn 6 triệu đồng/lượng, tức giảm chưa bằng một nửa so với thế giới. Do biên độ giảm không tương xứng khiến vàng SJC một mình một chợ.

Giá vàng thế giới tăng giảm do tác động của những yếu tố như bất ổn địa chính trị, lạm phát tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất... Còn vàng SJC gần như nằm ngoài các yếu tố kể trên.

“Cần lưu ý, vào những thời điểm giá vàng biến động mạnh, các tiệm vàng cũng nới rộng chênh lệch giữa giá bán và giá mua để giảm thiểu rủi ro cho mình, do giá tăng cao thì nhu cầu bán vàng để chốt lời của người dân cũng tăng theo. Có thời điểm tiệm vàng kéo rộng giá bán và mua lên tới 2-3 triệu đồng” - anh Tuấn dẫn chứng.

Méo mó thị trường vàng, người dùng bị “móc túi”

Giới chuyên gia về vàng có chung nhận định rằng nguồn cung vàng SJC đang ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu của người dân lại chủ yếu nhắm vào mặt hàng này. Chính vì lý do trên, giá vàng SJC không chỉ chênh lệch bất thường so với giá vàng thế giới mà còn đắt hơn vàng nữ trang 24K đến mức khó tin.

Chị Thảo Vân, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM, chia sẻ: Ngay cả khi giá vàng SJC bật lên trên 74 triệu đồng/lượng thì giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn loanh quanh ở mốc 56 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa người dân mua vàng SJC không chỉ chịu lỗ đậm so với giá vàng quốc tế mà so với vàng nhẫn tròn trơn, họ cũng bị “móc túi” ngay lập tức 16-20 triệu đồng/lượng.

“Khi chênh lệch giá vàng nhẫn và vàng SJC ở mức cao nhất, nếu tôi mua 1 lượng vàng SJC sẽ phải chi ra số tiền 74,4 triệu đồng. Cùng với số tiền này, nếu tôi chọn mua vàng nhẫn 9999 sẽ được gần 1,4 lượng vàng. Rõ ràng việc độc quyền sản xuất thương hiệu vàng miếng SJC đã gây thiệt hại cho người dân trong nước” - chị Vân bày tỏ.

Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia ngành vàng, phân tích: Tình trạng chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam với quốc tế kéo dài sẽ khiến cho nền kinh tế nói chung và thị trường vàng nói riêng đều phải gánh thiệt hại. Đối với nền kinh tế, chênh lệch giá vàng quá cao gây ra tình trạng nhập lậu vàng và điều đó sẽ tác động lên tỉ giá chợ đen cũng như gây “chảy máu” ngoại tệ.

Cụ thể, khi hoạt động nhập lậu vàng mạnh lên sẽ hình thành tình trạng hai tỉ giá với chênh lệch ngày càng rõ giữa tỉ giá ngân hàng và tỉ giá trên thị trường tự do. Ví dụ hồi đầu năm nay, khi giá vàng Việt Nam cao hơn gần 12 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, tỉ giá USD trên thị trường tự do ở mức 23.480 VND/USD. Khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới 18 triệu đồng/lượng, giá USD trên thị trường tự do có lúc tăng mạnh lên gần 24.000 VND/USD.

“Thực tế thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng với giá trị hàng chục tỉ đồng. Chênh lệch giá vàng SJC với thế giới ngày càng lớn thì nguy cơ buôn lậu vàng không chấm dứt mà còn gia tăng với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn” - ông Vũ dẫn chứng.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng đối với thị trường vàng, việc nhập lậu sẽ khiến người dân và nhà đầu tư có thể mua phải sản phẩm kém chất lượng. Bởi số vàng lậu rất có thể sẽ được gia công, chế tác ở những cửa hàng không được phép sản xuất, kinh doanh vàng (chưa có giấy phép sản xuất, kinh doanh do NHNN cấp). Từ nguồn vàng này sẽ xuất hiện sản phẩm kém chất lượng, thiếu trọng lượng… làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi mua vàng.•

Kỳ lạ giá vàng Việt Nam một mình một chợ ảnh 2

Người tiêu dùng Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi vì giá vàng trong nước quá đắt so với giá vàng thế giới. Ảnh: THÙY LINH

Không bình thường

Giá vàng diễn biến không bình thường khi chênh lệch quá cao giữa vàng trong nước và thế giới cũng như giữa các thương hiệu trong nước.  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nhu cầu mua vàng của người Việt tăng

Một thống kê của Hội đồng Vàng thế giới công bố mới đây cho thấy trong quý I-2022, nhu cầu vàng trên toàn cầu đã tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại Việt Nam, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ, từ mức 18,6 tấn trong quý IV-2021 lên 19,6 tấn trong quý I-2022.

Cũng theo Hội đồng Vàng thế giới, năm 2019 nhu cầu về vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đạt 56,4 tấn, đứng thứ bảy trên thế giới.

Có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, cho biết: Các công ty của Thái Lan, Malaysia, Indonesia… được chính phủ khuyến khích phát triển và xuất khẩu vàng nữ trang ra thế giới. Mỗi năm ngành này mang về cho đất nước họ 2-3 tỉ USD.

Đáng chú ý, nhìn sang các nước láng giềng thấy rõ gần như nước nào cũng cho phép nhập vàng nguyên liệu với số lượng lớn và cho phép thành lập sàn giao dịch vàng. Ví dụ, tính đến hết năm 2019, riêng Indonesia đã nhập 55 tấn vàng, Thái Lan nhập 46 tấn, Malaysia nhập 18 tấn.

Trong khi đó, nước ta có nhiều tiềm năng xuất khẩu vàng nữ trang nhưng lại chưa khai thác được nhiều. Nguyên nhân chính là do nước ta hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang khiến ngành này đi sau rất nhiều nước.

“Nếu Nhà nước có cơ chế phù hợp thì ngành chế tác vàng nữ trang nước ta hoàn toàn có thể vươn ra biển lớn, cạnh tranh với các nước” - ông Khánh nhận xét.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)