- Trên nóc núi cao hun hút của dãy Ngọc Linh, người làng Tu Ton bao đời nay cùng nhau bảo vệ khu rừng kỳ lạ. Không ai được phạm vào, còn rừng này là còn làng.
Rừng giữ rốn cả làng
Một sáng sớm gió lạnh thấu xương, sương mù giăng phủ cây cối, già làng Hồ Văn Canh mang bọc vải cũ treo lên cành cây trong khu rừng. Bên trong bọc là phần rốn vừa rụng của đứa cháu nội.
Già Canh cẩn thận chọn cây cao, cành khỏe để treo bọc vải. “Phải thế cháu nội mới luôn mạnh khỏe, vững chãi như cây rừng", già nói khi đứng dưới tán lá cây, bên trên treo đầy những bọc vải khác.
Người Xê Đăng ở làng Tu Ton (thôn 4 Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn lưu giữ tập tục kỳ lạ này suốt bao đời nay. Ngay cạnh làng hiện đã có cả một khu ‘rừng rốn’, nơi linh thiêng của cả làng.
Rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng được người làng Tu Ton bọc kỹ trong tấm vải rồi buộc vào cây rừng khỏe mạnh |
Khu rừng thiêng của người Xê Đăng ở Tu Ton rộng chừng 1,5ha, cách làng độ 200m. Trên những cành cây, các bọc vải được gói cẩn thận và buộc chặt. Đó là nơi cất giữ rốn người Xê Đăng cả trăm năm qua.
Đi dưới những tán lá rừng đầy linh thiêng, già Canh nói người làng Tu Ton quan niệm con người sinh ra thì cái rốn là một phần cơ thể, không được chôn lấp mà phải đưa vào rừng cất giữ cẩn thận.
“Rốn treo lên cây thì đứa bé sẽ mạnh khỏe. Con trai có đôi chân vững chãi, leo núi giỏi, con gái có đôi tay dịu dàng, dệt thổ cẩm khéo”, già Canh giải thích. “Rừng này còn là nơi để người làng đi xa nhớ về nguồn cội. Trai gái đi làm, lấy vợ gả chồng nơi nào thì cũng không quên, hằng năm đều tìm về thăm rừng. Người làng dù chết đi thì bọc rốn vẫn lưu giữ mãi mãi với cây rừng”.
Rừng thiêng không ai được phạm
Các già làng ở Tu Ton nói rằng, rừng rốn với người Xê Đăng ở đây là chốn linh thiêng. Còn rừng này là còn làng.
Già làng Hồ Văn Canh là người tự tay treo rốn của đứa cháu nội vào rừng. Trong năm 2016, làng Tu Ton có 9 trẻ chào đời, tất cả đều được treo rốn ở rừng theo tập tục xưa nay |
Người làng nói rằng, họ bảo vệ khu rừng đến mức mới đây đã đề nghị chủ đầu tư mở đường vào vùng trồng sâm có phương án né rừng rốn, nơi họ canh giữ cẩn thận qua nhiều đời.
Từ cuối năm trước, dự án mở đường vào thủ phủ sâm Ngọc Linh được triển khai. Người làng Tu Ton vừa phấn khởi vì sắp tới ô tô, xe máy có thể vào tận nơi mà không phải đi bộ leo núi hàng giờ đồng hồ; nhưng họ cũng lo âu vì con đường mới có thể xuyên ngang rừng rốn.
Già làng Hồ Văn Nam trầm ngâm nói, nếu là rừng ma (nghĩa địa) thì bà con sẵn sàng di dời mồ mả để mở đường, nhưng đây là khu rừng cất giữ nhau rốn bao đời nay của người làng, không ai được phạm vào!
Già làng Hồ Văn Nam nói thêm, xưa nay người làng có thể vào ra khu rừng bất cứ lúc nào, nhưng là để dọn dẹp sạch sẽ chứ tuyệt nhiên không được xâm phạm gì. Tục làng không cho phép họ chặt, đốn cây hay đốt lửa. Họ cho rằng nếu phá khu rừng thì sẽ làm mất đi cái gốc của người Xê Đăng ở Tu Ton.
“Với người Xê Đăng, nơi lưu giữ phần cơ thể con người sinh ra quan trọng hơn là nơi chôn cất khi họ chết đi. Cái rừng này nó gắn bó với bà con từ thuở mới lập làng. Cha ông đã lưu giữ qua bao đời nên thế hệ chúng tôi cũng có trách nhiệm giữ gìn”, già Canh trầm ngâm nói.
Đồng bào Xê Đăng ở Nam Trà My, Quảng Nam vẫn còn lưu giữ nhiều tập tục |
Chính sự bảo vệ nghiêm ngặt của người làng mà hàng chục năm qua, núi rừng ở lưng chừng dãy Ngọc Linh không có ai xâm phạm. Ông Nguyễn Văn Trị, Hạt trưởng kiểm lâm Nam Trà My vui mừng nói rằng, nơi nào có thể xảy ra phá rừng, nhưng rừng ở Trà Linh luôn được dân làng bảo vệ. Lực lượng chức năng cũng yên tâm.
“Chúng tôi rồi cũng sẽ ra đi nhưng khu rừng này sẽ luôn ở đó, thế hệ con cháu sẽ tiếp nối truyền thống. Cha ông đã nói lại với tôi, và tôi nói với con cháu, rằng còn rừng này là còn làng Tu Ton”, già Canh nói.
Phết nhọ mặt rước sinh thực khí cầu mùa
Cộng đồng người Tày xã Trấn Yên mở hội xuân cầu an. Hàng vạn người đã đổ về dự lễ hội Ná Nhèm rước sinh thực khí nam, nữ.
Trai làng băng ruộng, đè lên nhau cướp phết Hiền Quan
Hàng trăm thanh niên ùn ùn phá rào lao vào cướp phết Hiền Quan tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Cao Thái - Thọ Hoàng