Các nhà chuyên môn nêu thực trạng gia đình, nhà trường là những môi trường thường xảy ra bạo lực đối với trẻ em. Trong đó, bạo lực học đường có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ giáo dục gia đình. Quan niệm “yêu cho roi cho vọt” vẫn ăn sâu, bám rễ trong nhiều gia đình. 

Với quan niệm này, giáo dục đòn roi trở thành “chuyện thường ngày” với không ít những đứa trẻ. Nhẹ thì mắng nhiếc, nặng thì ăn bạt tai, thậm chí roi vọt nếu con trẻ lười học, điểm kém, trẻ không vâng lời… Nhiều trẻ quen với cách ứng xử này đã mang “văn hoá” ấy đến trường học. Nhiều vụ học sinh đánh hội đồng cũng chỉ vì “cái nhìn đểu” hay đơn giản “ngứa mắt”…

Một đánh giá của Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) vào tháng 5 vừa qua cho thấy, tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn gia tăng, đặc biệt là bạo lực trong trường học và trong gia đình.

 Các đại biểu tham dự Toạ đàm “Chấm dứt trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ trong gia đình và nhà trường” . 

Trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022.

Trong 469.408 cuộc gọi tư vấn của Tổng đài 111 có 252.345 ca tư vấn chuyên sâu, chiếm 53,8%; 96.732 ca tư vấn liên quan đến những khó khăn của trẻ em trong quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình, với bạn bè, thầy cô giáo và ngoài cộng đồng (chiếm 38,3%).

Tại Toạ đàm “Chấm dứt trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ trong gia đình và nhà trường”  do Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD Vietnam phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì (TP.Hà Nội) tổ chức ngày 9/9, PGS.TS Lê Văn Hảo, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích. 

PGS. TS Hảo lưu ý các bậc phụ huynh, giáo viên cần kỷ luật trẻ em bằng hình thức kỷ luật tích cực: lấy tình yêu thương kết nối trước, chỉnh sửa sau, chỉnh sửa luôn đi cùng hướng dẫn; biến kỷ luật khắc nghiệt, độc đoán của cha mẹ thành kỷ luật tích cực đem lại sự gắn kết giữa bố mẹ, ông bà với con.

PGS. Hảo nhấn mạnh, tất cả những điều này nhằm tạo môi trường trong gia đình ấm áp, tràn đầy tình thương, đồng thời phát triển tư duy toàn diện, tự tin trong kỹ năng, trong sinh hoạt, học tập và hòa đồng trong xã hội của con em mình.

Theo phân tích của PGS.TS Lê Văn Hảo, phương pháp kỷ luật bằng đòn roi đối với trẻ được nhiều người cho rằng, trẻ sẽ ngoan hơn, nghe lời hơn. Tuy nhiên, hầu hết các trận đòn roi đều không mang lại hiệu quả trong việc giáo dục trẻ, đặc biệt trẻ em thường có xu hướng bướng bỉnh và thích làm ngược lại với ý của người lớn. 

Thậm chí, giáo dục bằng đòn roi quá nhiều lần trẻ cũng cảm thấy bình thường và không còn sợ nữa, trẻ trở nên lì lợm và cáu gắt với những người xung quanh và không thực hiện, nếu có làm cũng cố gắng làm chống đối. 

Đối với những đứa trẻ ít nghịch ngợm, yếu ớt, nếu sử dụng đòn roi thì trẻ sẽ sợ, tất cả mọi việc đều không dám làm. 

“Ngoài ra, việc người lớn sử dụng đòn roi có thể sẽ làm cho trẻ xa lánh và giấu giếm những câu chuyện hàng ngày, dần trở nên xa cách. Phương pháp kỷ luật bằng đòn roi không làm cho trẻ thay đổi tích cực mà còn để lại những hệ lụy”, PGS. TS Lê Văn Hảo nhấn mạnh.

Thay vì dùng hình thức đánh mắng, trừng phạt trẻ, người lớn vẫn có thể đạt được mục đích giáo dục trẻ bằng phương pháp kỷ luật tích cực. Theo đó, cách kỷ luật trẻ mang tính tích cực dựa trên các phương pháp: hệ quả tự nhiên và logic; hình thành, thiết lập nội quy, nề nếp kỷ luật trong nhà trường và lớp học, gia đình; thời gian tạm lắng. 

Hệ quả tự nhiên là những gì xảy ra một cách tự nhiên, không có sự can thiệp của người lớn như: khi không ăn sẽ bị đói, trời lạnh không mặc áo sẽ ốm. 

Hệ quả logic đòi hỏi sự can thiệp của người lớn hoặc của trẻ khác trong gia đình hay lớp học như: không học bài, nghe giảng sẽ bị điểm thấp...

“Việc sử dụng phương pháp kỷ luật tích cực sẽ giúp trẻ có ý thức trách nhiệm về các hành vi của mình, khích lệ trẻ đưa ra những quyết định có trách nhiệm và vẫn học được cách ứng xử tốt mà không cần người lớn đánh mắng”, PGS. TS Lê Văn Hảo bày tỏ. 

Công Sáng và nhóm PV, BTV